ĐĂNG BỞI  - 
Là một trong những đơn vị được tham gia vào việc thẩm tra giá điện của Tập đoàn EVN nhưng ông Đỗ Gia Phan, Ủy viên Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc thẩm tra mới chỉ dừng lại ở những báo cáo của EVN nên vẫn còn nhiều hạn chế, còn nhiều vấn đề mà hội chưa thể biết được.

Liên quan đến báo cáo mới nhất về tình hình kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng như việc thẩm tra giá điện của các cơ quan chuyên trách, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Gia Phan, Ủy viên Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
 Ông Đỗ Gia Phan, Ủy viên Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
EVN vừa công bố tình hình kinh doanh điện năm 2012. Là Ủy viên của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - cơ quan được mời thẩm tra trong việc tính giá điện của EVN, ông có đánh giá gì về kết quả này?
EVN là một doanh nghiệp Nhà nước, và giá điện liên quan đến rất nhiều người nên cần phải công khai, minh bạch. Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cùng một số người đã được mời tham gia xây dựng, đóng góp vào việc thẩm tra, giám sát giá điện cũng như việc kinh doanh của EVN, tuy nhiên mới chỉ là xem xét, đánh giá dựa trên những báo cáo, số liệu mà EVN đưa ra, nên nhiều cái chúng tôi chưa thể biết được.
Còn so sánh một cách công bằng giá điện của năm nay với năm trước thì sự bức xúc, việc chất vấn không nhiều bằng năm 2012. Nhưng việc quản lý và kinh doanh điện của EVN không có gì thay đổi mấy. 
Là một trong những đơn vị được phép thẩm tra giá điện, tại sao lại có nhiều cái chưa thể biết, thưa ông?
Vì trong một thời gian ngắn, chúng tôi chỉ thẩm tra theo báo cáo của tập đoàn và kiểm toán nhà nước thôi. Chứ không thể biết được là các con số có chính xác hay không. Cơ quan nhà nước còn không kiểm tra được hết thì làm sao một hiệp hội nhỏ như chúng tôi lại kiểm tra được? Cho nên việc thẩm tra này chỉ có một giới hạn nhất định. 
Tất nhiên là trong quá trình thẩm tra chúng tôi được phát biểu ý kiến rất thoải mái, đóng góp thoải mái. Nhưng cần phải hiểu rằng, có nắm được chính xác tình hình thì mới có thể có ý kiến được, còn không nắm được thì cũng vô nghĩa. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra ý kiến dựa vào báo cáo mà EVN đưa ra, cho nên cũng có nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, việc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng được mời tham gia vào quá trình thẩm tra giá điện là một việc tốt. Tất nhiên là không thể giám sát hết được, nhưng dù sao vẫn hơn là không có. Ít ra, nó một bước để tiến tới sự công khai, minh bạch giá điện đối với nhân dân.
Chỉ được thẩm tra giá điện trong một thời gian ngắn là bao lâu, thưa ông?
Chúng tôi chỉ có khoảng 6 - 7 cuộc họp trong vòng 1 tháng, và không phải lúc nào cũng tiến hành thẩm tra mà chỉ tiến hành trong cuộc họp.
Người ta mời mình lúc nào thì đến lúc đấy, chứ cũng không được phép thích thẩm tra lúc nào thì thẩm tra.
Theo đánh giá của cá nhân ông, cách quản lý, điều hành thị trường điện hiện nay đã công khai, minh bạch hay chưa?
Tôi không dám nói là đã minh bạch hay chưa, vì việc giám sát của các tổ chức quần chúng như Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ là một phần thôi, chủ yếu vẫn là cơ quan quản lý như Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước... là những cơ quan có chuyên môn, có trách nhiệm mới có thể làm được.
Hiện nay, cách điều hành, quản lý giá điện vẫn chưa theo cơ chế thị trường nên việc thẩm tra của cơ quan Nhà nước trong cách tính giá điện là thực sự cần thiết. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc mạnh hơn, có tiếng nói mạnh hơn đối với việc thẩm tra giá điện. Vì giá điện có liên quan rất lớn đến đời sống của người dân nên cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm này.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên