ĐĂNG BỞI  - 
Trả lời báo chí sáng nay, đại diện Besra Việt Nam cho biết hiện số nợ với tiểu thương là khoảng 7 tỉ đồng và nợ Phước Sơn 17 tỉ đồng. Trong khi thông tin từ các tiểu thương, công ty ở Khâm Đức, Quảng Nam thì họ bị nợ tới 30 tỉ đồng, còn mức nợ thuế của Phước Sơn lên đến 190 tỉ đồng.
Ngày 28.12, trước tình thế quẫn bách: người dân góp vốn ùn ùn kéo đến nhà đòi nợ mà bên nợ tiền (Công ty Vàng Phước Sơn) không chịu trả lấy một đồng, ông Đỗ Ngọc Thắng đã viết đơn xin từ chức Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức
Được biết, Công ty Quảng An do vợ ông Thắng làm chủ là đối tác của Công ty Vàng Phước Sơn. Để có tiền thi công cho Công ty vàng Phước Sơn, vợ ông Thắng huy động vốn của một số người dân tại huyện Phước Sơn. 
Những người dân đến đòi nợ chỉ có một nguyện vọng là không muốn để gia đình rơi vào đường cùng, nhất là khi năm hết Tết đến.
Trong khi đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ cùng ngày (28.12), ông Darin Lee - Giám đốc Điều hành Sản xuất Besra Việt Nam, một mặt thông báo “hôm nay nhà máy chúng tôi đã vận hành hoạt động trở lại rồi”, mặt kia thì khẳng định "không có chuyện bỏ của chạy lấy người". 
"Giấy phép mà Chính phủ Việt Nam cấp cho chúng tôi tại mỏ vàng Phước Sơn là 30 năm, mỏ này đã hoạt động được 13 năm rồi. Nghĩa là còn đến gần 20 năm nữa. Trong trường hợp giá vàng giảm quá thì đến lúc chúng tôi buộc phải tạm đóng cửa mỏ để bảo dưỡng thiết bị, chờ cho đến khi nào giá vàng thế giới tăng trở lại thì mở cửa mỏ tiếp tục khai khoáng. Chuyện này các mỏ trên thế giới vẫn làm và nếu không nhầm thì hiện đã có 20 mỏ vàng trên thế giới đang tạm đóng mỏ.
Chúng tôi đã đầu tư vào đây hơn 115 triệu USD rồi nên không có chuyện bỏ của chạy lấy người đâu. Chúng tôi cam kết không bao giờ bỏ cuộc tại Việt Nam cả. Chúng tôi phải làm để lấy lại vốn đã đầu tư chứ".
Ông Darin Lee
Giám đốc Điều hành Sản xuất Besra Việt Nam
Nói về các khoản nợ, đại diện Besra nói khoản nợ thuế nhà nước Việt Nam chừng 6 triệu USD, nợ nhà thầu các loại chừng 6 triệu USD, nợ vay ở hai ngân hàng khác (không cho biết ở Việt Nam hay nước ngoài) khoảng 7 triệu USD nữa. Tổng cộng số nợ là 19 triệu USD.
Cũng theo người đại diện của Besra thì kế hoạch chi trả nợ phải liên tục thay đổi do tình hình giá vàng giảm liên tục và phải được các nhà thầu đồng ý thì mới triển khai. Mỗi nhà thầu có cách chi trả riêng. Riêng các ngân hàng thì Besra đã có thỏa thuận sẽ trả cuối kỳ và các ngân hàng đều đồng ý bởi hằng tháng các ngân hàng này đều cử người lên mỏ để ghi nhận tình hình, xem vốn mà họ cho vay đang được sử dụng như thế nào.
"Hiện chúng tôi đang nợ của nhà thầu chính là Quảng An 17 tỉ đồng và các tiểu thương chừng 7 tỉ đồng" - ông cho báo Tuổi Trẻ biết.
Đáng chú ý, ông Darin Lee nói sau khi xảy ra sự việc người dân ngăn không cho nhà máy hoạt động, "Besra và Công ty Quảng An đã ngồi lại với nhau và chúng tôi đã đưa ra giải pháp là chi trả 1,5 tỉ đồng/tháng, riêng các các tiểu thương là 1 tỉ đồng/tháng". 
"Họ vẫn không chấp nhận. Và ngày 30.12 hai bên sẽ tiếp tục nói chuyện với nhau để đi đến thống nhất. Bởi phải hoạt động thì mới có tiền trả nợ được. Riêng khoản nợ thuế của nhà nước (6 triệu USD), phía Besra đang đàm phán với chính quyền Quảng Nam xin được trả dần và họ đang xem xét".
Trong khi đó, có thông tin cho rằng Công ty TNHH vàng Phước Sơn thuộc Tập đoàn Besra hiện nợ thuế của huyện Phước Sơn khoảng 190 tỉ đồng và nợ các hộ buôn bán nhỏ, các công ty ở thị trấn Khâm Đức khoảng gần 30 tỉ đồng. Gia đình ông Đỗ Ngọc Thắng cũng đã gửi e-mail đến lãnh đạo Công ty vàng Phước Sơn hẹn làm việc vào ngày thứ hai tới (30.12) nhưng chưa có hồi âm.
Đồng thời với việc xuất hiện trả lời trên báo Tuổi Trẻ, cuối tuần qua Công ty Besra đã gửi công văn đến văn phòng báo điện tử Một Thế Giới tại TP.HCM phản hồi loạt bài mà Một Thế Giới đăng tải trước đó theo hướng phủ định nhiều nội dung trong các bài báo.
Đáng lưu ý, trong công văn Besra khẳng định mỏ vàng đã chính thức được thông báo hoạt động từ ngày 27.11.2013 chứ không phải cho đến 21.12.2013 vẫn chưa hoạt động như Một Thế Giới đã thông tin. Thế nhưng trở ngược lại nội dung trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Darin Lee nói "hôm nay nhà máy chúng tôi đã vận hành hoạt động trở lại rồi".
Motthegioi.vn vẫn đang theo dõi và sẽ thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo của vụ việc nêu trên. 
"Chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả"
Khi giải thích về nguyên nhân thua lỗ của mình, các nguyên nhân chính mà đại diện Besra Việt Nam đưa ra gần như giống với lý do mà Công ty Vàng Phước Sơn đã đưa ra trước đó.
Đó là giá vàng từ chỗ 1.500 USD/ounce vào tháng 1.2011 đã giảm mạnh, liên tục và hiện chỉ còn 1.200 USD/ounce vào thời điểm hiện tại (tháng 12.2013). Nghĩa là vàng đã mất khoảng 30% so với giá trị cũ.
Thứ hai là sự thay đổi về cách tính thuế tài nguyên mà Chính phủ Việt Nam áp dụng với Besra từ 6%/lợi nhuận, chưa đến 1 năm sau đó loại thuế này đã tăng lên 9%/lợi nhuận. Vào thời điểm đó giá vàng thế giới vẫn còn cao nên chấp nhận được. Nhưng đến bây giờ thuế đã tăng lên là 15%/doanh thu trong khi giá vàng thế giới lại liên tục giảm.
Lý do cuối cùng là hàm lượng vàng trong quặng khai thác được ở Phước Sơn ngày một giảm đi, từ 11g/tấn quặng nhưng nay chỉ còn 3-4g/tấn quặng.
"Thật ra chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả, chúng tôi coi đây là một rủi ro trong kinh doanh khai khoáng. Và chúng tôi chấp nhận những rủi ro đó. Ở Việt Nam thì Besra là công ty đóng thuế đứng thứ 167 trong cả nước và với Quảng Nam thì đứng thứ 2" - ông Lee nói.
Thi Anh