ĐĂNG BỞI  - 
Bị cướp kính chiếu hậu, chủ xe lao thẳng ô tô vào hai kẻ cướp. Các chuyên gia không đồng quan điểm: có tội hay khuyến khích…
Cuối tháng 12.2013, anh Nguyễn Chí Trung lái xe ô tô đến giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ hướng ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi dừng xe ở đèn đỏ, anh bị hai thanh niên bẻ kính chiếu hậu của ô tô. Bức xúc vì bị mất tài sản và bị cướp, anh Trung đuổi theo.
Hai tên cướp chạy khá chậm, tỏ vẻ coi thường người bị mất tài sản nên không chú ý. Anh Trung lao thẳng xe vào. Kết quả: Hai tên cướp ngã ra đường, bỏ lại xe máy và chạy bộ tẩu thoát.
Trả lời một tờ báo, một thẩm phán không nêu tên cho rằng, anh Trung có thể bị khởi tố vì tội cố ý gây thương tích, thậm chí là tội giết người theo quy định tại điều 93 Bộ luật Hình sự. Báo này miêu tả, thẩm phán thích thú với hành động của anh Trung, nhưng khuyên người dân không nên thực hiện.
Ngay khi ý kiến trên được đăng tải, nhiều bạn đọc và các diễn đàn mạng hoang mang, tranh luận gay gắt về tính pháp lý của hành động chống cướp.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Motthegioi.vn, luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng “rất khó để xác định hành vi phạm tội của chủ xe”.
Theo luật sư Ly Tao, muốn kết tội chủ xe phải có rất nhiều yếu tố khác để đánh giá, phải xét đến hậu quả của vụ việc… Tuy nhiên, quan điểm cá nhân vị luật sư phó chủ nhiệm đoàn thì không nên xử lý hình sự với chủ xe.
Bởi lẽ, hiện nay Nhà nước đang khuyến khích toàn dân phòng chống tội phạm. Các đối tượng trộm, cướp đang phát sinh rất nhiều trong đời sống, đe dọa sự bình yên của xã hội.
“Chủ xe bị cướp kính là bị hại. Không thể bắt bị hại thành bị cáo được. Hành vi tông xe vào kẻ cướp phải được cơ quan tố tụng linh hoạt xem xét là nỗ lực bảo vệ tài sản, là trạng thái tinh thần bị kích động trước hành vi cướp. Đối với cướp thì phải triệt để mới có thể dẹp được” - luật sư Trần Công Ly Tao nói.
Một luật sư khác không đồng quan điểm trên. Vị luật sư này nói, tài sản và tính mạng là hai chuyện khác nhau. Không thể lấy tài sản để đánh đổi với sinh mạng người khác vì như vậy là không thỏa đáng.
Tài sản không thể nào so sánh với mạng sống của con người. Hai tên cướp cũng được pháp luật bảo vệ về sức khỏe, mạng sống.
“Theo tôi, nếu tông chết người, dù là bị cướp thì tài xế cũng phải bị khởi tố vì tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điều 95 Bộ luật Hình sự. Tội này nhẹ hơn so với tội giết người, theo điều 93 Bộ luật Hình sự.
Khi gây thương tật cho hai tên cướp, tài xế cũng sẽ bị khởi tố vì tội cố ý gây thương tích”, luật sư này nói.
Thời gian qua, người dân cả nước rất lo lắng vì hàng loạt vụ cướp tài sản, cướp giật… diễn ra ở các thành phố lớn. Công an TP.HCM từng kiến nghị thưởng tiền cho người dân bắt cướp.
Ở các nước phương Tây, người dân được khuyến khích không được chống cự mà phải phục tùng kẻ cướp để bảo toàn sức khỏe, tính mạng. Sau đó, người bị hại ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của kẻ cướp rồi báo cảnh sát…
Thanh Nhã
Ảnh: Chiếc xe máy do hai tên cướp để lại hiện trường.