Hoa Kỳ cho biết đang thảo luận với các đồng minh trong khu vực.
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói bà không muốn phỏng đoán về những gì đang xảy ra bên trong bộ máy cầm quyền của Bắc Hàn, tuy nhiên việc hành hình ông Chang là hành động "hết sức tàn bạo" và một lần nữa "cho thấy hồ sơ nhân quyền tồi tệ" của chính quyền nước này.
"Chúng tôi sẽ tăng cường thảo luận với các đồng minh và đối tác trong khu vực về tình hình tại Bắc Hàn hiện nay," bà Harf nói với các phóng viên tại Washington.
"Bắc Hàn có hai sự lựa chọn, hoặc là tiếp tục đi theo con đường khiến người dân của mình bị cô lập và đói khổ, hoặc là làm tròn trách nhiệm của mình và quay trở lại với quỹ đạo quốc tế," bà Harf nói.
Bà nói Hoa Kỳ "khuyến cáo Bắc Hàn không nên có những hành động gây hấn" vì điều này "sẽ không có lợi cho sự ổn định của khu vực".
Các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Bắc Hàn giải giáp hạt nhân và ngưng những hành động gây hấn đối với cộng đồng quốc tế để đổi lại viện trợ cho đến nay vẫn liên tục thất bại.
'Tệ hơn một con chó'
Ông Chang là anh rể của cố lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il, và được cho là người đã dẫn dắt Kim Jong-un trong quá trình tiếp nhận quyền lực từ cha mình vào năm 2011.Là người từng giữ nhiều vị trí quan trọng, ông được cho là nhân vật quyền lực số hai tại nước này. Tuy nhiên hồi đầu tuần này, ông Chang đã bị giải đi khỏi một phiên họp đảng và bị tước hết mọi chức vụ.
Vào thứ Năm, 12/12, hãng thông tấn chính phủ Bắc Hàn KCNA thông báo ông này đã bị một tòa án binh kết tội lật đổ nhà nước, và bị hành hình ngay sau đó.
Thông cáo dài và chi tiết của KCNA gọi ông là "thứ cặn bã" và "tệ hơn một con chó".
Hai trong số những người phụ tá thân cận nhất của ông Chang cũng đã bị hành hình trước đó, trong khi các nguồn tin cho biết nhiều người thân cận với ông này cũng đã bị triệu về Bình Nhưỡng.
Giới quan sát nói sự tàn bạo và diễn biến nhanh đến chóng mặt trong vụ ông Chang khiến họ sửng sốt. Các vụ thanh trừng chính trị tại Bắc Hàn là điều thường thấy, tuy nhiên hiếm khi sự sụp đổ của một nhân vật cao cấp lại được phơi bày công khai như vậy.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng vụ thanh trừng này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
"Với tư cách là nước láng giềng, chúng tôi hy vọng Bắc Hàn sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Bộ trưởng Thống nhất Nam Hàn Ryoo Kihl-jae đã cảnh báo vụ thanh trừng có thể được nối tiếp bằng một động thái quân sự từ phía Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm một cuộc thử nghiệm hạt nhân.
Hành động quân sự là điều thường xuyên được chính phủ Bắc Hàn sử dụng như một công cụ nhằm xoa dịu bất ổn nội bộ.
Hồi tháng Hai, nước này đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba trước sự lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế, đồng thời đe dọa sẽ tấn công các mục tiêu quân sự của Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ tại khu vực.
Nhật đang "theo dõi sát sao" những diễn biến mới nhất, và sẽ tiếp tục giữ liên lạc với các nước láng giềng, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết.
Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng và cũng là đối tác thương mại chính của nước này, nói vụ hành hình ông Chang là "vấn đề nội bộ".
"Với tư cách là nước láng giềng, chúng tôi hy vọng Bắc Hàn sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Phóng viên BBC tại Seoul, Lucy Williamson, nói trên lý thuyết, việc ông Chang bị thanh trừng có thể là do mối quan tâm đặc biệt của ông này đối với chương trình cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Sự sụp đổ của ông là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến tất cả những ai đang mong sẽ có sự thay đổi tại Bắc Hàn, rằng lãnh tụ mới của nước này có khả năng hạ gục bất kỳ đối thủ nào, phóng viên của chúng tôi nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người cũng sẽ tự hỏi rằng, liệu có phải người cháu của ông Chang thực sự đứng sau vụ hành hình, hay đây là một bước đi của quân đội nhằm tái khẳng định quyền lực của mình, Williamson nói thêm.
Hình các thành viên gia tộc Kim lãnh đạo Bắc Hàn:
No comments:
Post a Comment