Hoài Nguyễn
(VNTB) – Người ta được quyền hoài nghi về chuyện rút lui chính trường bất ngờ của Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng.
Theo nội dung của Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua), thì Đảng viên có các quyền chính trị như sau: Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng; Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương; Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời; Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.
Đảng viên dự bị có các quyền trên y, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng (theo Điều 3 của Điều lệ Đảng).
Xem ra về nguyên tắc thì đảng viên được quyền đòi hỏi về những nhân sự cấp cao trong quá khứ như Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh…, hay mới đây là Võ Văn Thưởng và cả tương lai là Vương Đình Huệ đã có ý kiến cụ thể gì về chuyện họ bị thanh trừng được nấp dưới màu áo chống tham nhũng?
Thực tế thì không nhiều đảng viên được tường tận về những khuất tất đó từ chính các đương sự liên quan. Và điều đó cho thấy ở phần mở đầu của Điều lệ Đảng, về “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng” là một mớ mỹ từ tụng ca không chỉ với đảng viên, mà còn cả công chúng:
“ (…) Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” (dừng trích dẫn).
Ở đây đòi hỏi về quyền chính trị của đảng viên còn nhằm đến minh bạch về đường lối, chính sách của nhóm quyền lực nhân danh Đảng. Người ta được quyền hoài nghi về chuyện rút lui chính trường bất ngờ của Võ Văn Thưởng là liệu liên quan đến đồn đoán nào: nhận các khoản đút lót của Hậu ‘pháo’ – Tập đoàn Phúc Sơn;
Hay Võ Văn Thưởng đã bao che cho “xách tay kem đánh răng – ma túy” của bốn tiếp viên hàng không từ sân bay tại Pháp về Tân Sơn Nhất, mà trong đó có một tiếp viên được cho là cháu ruột của Võ Văn Thưởng. Hay Võ Văn Thưởng liên quan đến thời gian là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hoặc là vụ việc nào khác nữa vẫn còn phải chờ thời gian ‘giải mật’?
Với Nguyễn Xuân Phúc, thì cả đảng viên và dân chúng đều cho đây là ‘trùm cuối’ trong vụ kit-test Việt Á ở mùa dịch giã Covid đầy tàn khốc… Thế nhưng cho đến nay khi Nguyễn Xuân Phúc đã trở về “làm người tử tế” thì nghi vấn này cũng dần không còn được nhắc đến, chìm vào quên lãng theo một ý đồ kịch bản nào đó… khiến chuyện đường lối, chính sách của Đảng là trò chơi quyền lực đúng nghĩa trong tay nhóm chính khách nào đó khoác màu áo cộng sản (!?).
Và sắp tới đây có thể là Vương Đình Huệ cùng ê-kíp của bên đang… ‘thất thế’.
No comments:
Post a Comment