Wednesday, April 24, 2024

Ai tiếp tay hải tặc thu tiền bảo kê ngư dân?

 

VNTB – Ai tiếp tay hải tặc thu tiền bảo kê ngư dân?

Dân Trần 

(VNTB) – Chính quyền chỉ tính tới phương án “vận động cho tự tháo dỡ” chứ không có biện pháp chế tài, xử lý hình sự để giải quyết triệt để nạn bảo kê trên biển

Thời gian qua, vùng biển phía Tây xảy ra nạn bảo kê, phân lô mặt biển, nhiều ngư dân bị kẻ gian tấn công, đốt phá tàu thuyền cháy rụi giữa biển. Ở Cà Mau, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023, đã có 12 vụ tàu cá của ngư dân bị tấn công, các đối tượng bảo kê đâm thẳng xuồng vỏ composite vào tàu của người dân. Các vụ tấn công đầy táo tợn và tàn bạo đã khiến nhiều ngư dân không chỉ mất trắng tài sản mà còn là mất luôn niềm tin và  sự an toàn trong công việc của họ.

Một số kẻ dùng bom xăng (chai thuỷ tinh có chứa xăng và mồi lửa) ném và đốt tàu của ngư dân rất tàn nhẫn. Hồi tháng 1, một tàu cá của người dân ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị giang hồ biển thiêu rụi bằng cách này. Hoặc mới đây, người dân ở Kiên Giang phản ánh rằng hiện nay có một số đối tượng tự tiện bao chiếm mặt biển, dựng trại, phân lô quản lý vùng  biển gây khó khăn cho ngư dân đánh bắt gần bờ.

Theo ông Võ Thanh Vân, người dân ở huyện Hòn Đất phản ánh: “Đáng chú ý là có một nhóm đối tượng đã bao chiếm mặt biển rồi yêu cầu ngư dân phải chia đôi sản lượng đánh bắt hải sản, còn không thì ngư dân không khai thác được. Nếu không cho họ sẽ ngăn cản hoặc dùng vũ lực để không cho ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ”.

Ông Đào Xuân Nha – phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất – thừa nhận có tình trạng trên. “Năm 2024 này, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã ven biển xử lý nghiêm những trường hợp xây cất trái phép để bao chiếm, bảo kê. Cụ thể là có bao nhiêu chòi, lều trại để báo cáo về huyện. Bước đầu sẽ cho tự tháo dỡ, nếu không sẽ xử lý nghiêm”, ông Nha nói. (1)

Như vậy, nhà nước biết có tình trạng giang hồ biển, hải tặc cát cứ, thu tiền bảo kê của người dân, nhưng chỉ tính tới phương án “vận động cho tự tháo dỡ” chứ không có biện pháp chế tài, xử lý hình sự để giải quyết triệt để, trả lại vùng biển an toàn cho người dân. Vậy liệu nhà cầm quyền có tiếp tay cho hải tặc thu tiền bảo kê của người dân hay không khi không chịu rốt ráo giải quyết?

Với lực lượng công an, cảnh sát biển hùng hậu, có mặt ở khắp nơi, thì không thể để hải tặc ngang nhiên tung hoành gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với ngư dân. Nếu không phải tiếp tay, ngó lơ cho hải tặc tấn công người dân, thì rõ ràng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tuy đông, trang bị hùng hậu, nhưng lại vô dụng, không đủ năng lực bảo vệ người dân.

Thậm chí có thể những kẻ “giang hồ biển” đó chính là cánh tay nối dài cả các qua chức cộng sản. Với việc không xử lý nạn “giang hồ biển” này, thì hoàn toàn có lý do để nghi ngờ việc các lãnh đạo lớn nhỏ đã phân lô, cát cứ ngư trường để thu tiền bảo kê của người dân.

Biển Việt Nam là của người dân Việt Nam, là nơi mà ngư dân gắn bó với ngư trường của mình hàng ngày. Họ đánh cá, nuôi trồng thuỷ hải sản để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần vào xuất khẩu thủy hải sản đồng thời đóng thuế cho nhà nước. Lãnh đạo và công an cần phải luôn nhớ rằng tiền lương của họ từ thuế của dân mà ra, họ được dân trả lương để bảo vệ an ninh cho dân.

Vậy mà giờ đây, người dân phải đối mặt với nguy cơ từ các nhóm hải tặc mỗi ngày, không chỉ đối diện nguy cơ mất mát về tài sản, mà còn gây ra những hậu quả nặng nề đối với tâm lý lâu dài. Việc mất đi nguồn thu nhập chính từ nghề cá, thậm chí mất phương tiện kiếm sống khiến họ phải bỏ nghề, bỏ biển. 

Ngư dân bỏ biển, ngư trường bỏ trống, hải tặc có dám thu tiền tàu lạ, tấn công tàu xâm phạm lãnh hải Việt Nam hay lại rút đầu khi không dám “đối đáp với người ngoài”, bỏ ngỏ cửa ngõ cho giặc ngoại xâm.

_________________

Tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/cu-tri-phan-anh-hai-tac-bao-chiem-mat-bien-phai-chia-doi-moi-cho-danh-bat-20240424125857224.htm

No comments:

Post a Comment