Hàn Lam
(VNTB) – Chỉ 2 đơn vị trả giá thầu thầu 3.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu lần đầu tiên sau hơn chục năm.
Trong phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên hôm 23-4-2024, chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng. Như vậy ế đến 13.400 lượng vàng miếng SJC.
2 thành viên trúng thầu là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Danh sách 11 đơn vị tham gia đấu thầu vàng, bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp. Cụ thể: Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc đá quý (DOJI), Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý.
Đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 80,70 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng. Khối lượng đặt thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng vàng.
Như vậy, để đặt tối thiểu 1.400 lượng vàng, các thành viên tham dự đấu thầu sẽ cần chuẩn bị số tiền gần 113 tỉ đồng.
Kết quả tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất được xác định là 81.330.000 đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy đến cuối ngày 23-4-2024, Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 81 triệu đồng/lượng, bán ra 83,3 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng so với buổi sáng. Dù vậy, so với cuối ngày hôm qua, giá vàng miếng vẫn giảm thêm 200.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được Công ty SJC mua vào 72,9 triệu đồng/lượng, bán ra 74,7 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước.
Biên độ chênh lệch giá mua – bán cũng được duy trì ở mức cao 1,8 triệu đồng/lượng. Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội giao dịch vàng nhẫn trơn lên 73,58 triệu đồng/lượng mua vào, 75,28 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó thì ở phiên ngày 23-4, giá vàng thế giới rơi tự do từ vùng 2.390 USD/ounce xuống có thời điểm rớt khỏi mốc 2.300 USD/ounce. Tính ra trong ngày, giá vàng thế giới ‘bốc hơi’ tới 2,5 triệu đồng/lượng. Diễn biến này cũng khiến giá vàng nhẫn nới rộng cách biệt với thế giới, lên mức khoảng 4 triệu đồng.
Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế phí, giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước khoảng 11 đến 12 triệu đồng, tùy thời điểm.
Trước thời điểm diễn ra đấu giá vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính độc lập Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu vàng như thông báo của Ngân hàng Nhà nước là không hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vàng vào thời điểm này.
Theo ông Phương giá vàng miếng SJC đang cao trong khi số lượng tối thiểu doanh nghiệp được mua chỉ có 1.400 lượng. Với số lượng vàng này mà giá cọc lên tới 80,7 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn giá mua vào 300.000 đồng/lượng trên thị trường sẽ khiến doanh nghiệp gặp “rủi ro”.
“Bản thân các doanh nghiệp không dám ôm vàng vào thời điểm này. Theo tôi, số lượng đấu giá 16.800 lượng khó thành công”, ông Phương nói. Ông Phương dự đoán chỉ có khoảng 5.000 lượng vàng sẽ đấu giá thành công với giá trúng thầu 82 triệu đồng/lượng.
Kết quả thực tế thì còn tệ hơn dự đoán, khi chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng, với giá trúng thầu cao nhất được xác định là 81.330.000 đồng/lượng.
Trước mắt cho thấy xét về mặt tăng cung cũng như thu ngân sách, Ngân hàng Nhà nước đã không đạt kế hoạch.
Một cảnh báo khác cũng được nêu ra trước phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, đó là, “Chúng tôi rất nhiều lần kiến nghị phải xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC mới khiến giá vàng hạ nhiệt chứ việc đấu thầu vàng không giải quyết được. Ngân hàng Nhà nước sẽ không đấu thầu một lần mà nhiều lần. Vậy việc cứ nhập vàng về đấu giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, trong khi giá USD đang cao nhất từ trước đến nay. Điều này là không ổn”, giới chuyên gia độc lập phản biện.
Ngoài ra còn là mối liên hệ giữa thị trường vàng và tỷ giá hối đoái chắc chắn là điểm yếu khiến các nước như Mỹ có thể cho rằng Việt Nam có chính sách thao túng tiền tệ một cách gián tiếp thông qua các biện pháp kiểm soát thị trường vàng.
No comments:
Post a Comment