Ngày 13/6/2022 Quốc Hội ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 mà không có việc sửa đổi luật Căn cước Công dân.
Đột nhiên, ngày 17/3/2023 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15 bổ sung việc sửa đổi “Luật Công an Nhân dân” và “Luật Căn cước công dân” vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đi đầu trong xây dựng luật
Trong khoảng chục năm trở lại đây Bộ Công an (BCA) chủ trì xây dựng rất nhiều bộ luật. Ngoài những bộ luật quan trọng cần phải ban hành, sửa đổi, bổ sung như Luật Hình sự, Tố tụng hình sự… thì BCA cũng “thiết kế” để cho ra lò hàng chục bộ luật liên quan đến ngành của mình.
Luật Cảnh vệ, Luật Cảnh sát cơ động, Luật an ninh cơ sở, Luật An ninh mạng, Luật An ninh quốc gia, Luật xuất nhập cảnh, Luật thi hành án… đều là do Bộ công an chủ trì khởi xướng, soạn thảo, gửi Chính phủ để trình ra Quốc hội và được thông qua một cách nhanh chóng mà không gặp nhiều trở ngại.
Ngày 22/6/2023 Luật Công an nhân dân cũng đã được “sửa đổi, bổ sung” để thêm tướng và thêm tuổi cho cán bộ ngành Công an. Điều đáng lưu ý là bộ luật này có hiệu lực “ngay” vào ngày 15/8/2023.
Gấp gáp một cách đặc biệt, lần họp tháng 10 này, Bộ Công an lại đề nghị thông qua Luật căn cước công dân sửa đổi. Ngoài việc sửa lại tên gọi là “Luật căn cước” tại điều 9 của Dự thảo luật, Bộ Công an đề nghị bổ sung thêm 2 trường dữ liệu là nhóm máu và điện thoại di động, nâng tổng cộng dữ liệu bắt buộc nằm trong con chip của căn cước lên 26 nhóm.
Song song với các trường dữ liệu ở Điều 9 thì Điều 15 quy định về Cơ sở dữ liệu của Căn cước còn có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói. Dự Luật này dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này và có hiệu lực vào ngày 1/7 năm sau.
Đặt tất cả vào một chiếc lồng lớn
Bề ngoài, Luật Căn cước có vẻ tạo ra rất nhiều sự tiện dụng cho người dân nhưng nhìn kỹ hơn chúng ta thấy nó thực sự nguy hiểm cho tự do của con người, đồng thời chứa đựng rủi ro cho toàn bộ quốc gia.
Thậm chí, thay vì để kích thích phát triển kinh tế, dự luật sẽ là một khối đá “cực lớn” ngáng đường sự đi lên của toàn bộ nền kinh tế. Nó sẽ làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế chung vì đây là chiếc lồng “nhốt” toàn bộ quá trình sáng tạo của nền kinh tế. Chắc chắn những ý tưởng kinh tế mới về xoay quanh nguồn “tài nguyên” này sẽ bị chính bộ công an kiểm soát.
Mặc dù râm ran ngoài xã hội thì rất nhiều nhưng ở diễn đàn quốc hội, chỉ có những thắc mắc rất khiêm nhường về việc thu thập “mống mắt” và “liệu căn cước gắn chíp, căn cước điện tử thì có bị theo dõi hay không?” Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, giải thích trước thường vụ Quốc hội là “không theo dõi và không thể theo dõi”.
Nhưng rồi đây, khi thực hiện các công việc hành chính của mình công dân sẽ phải xác thực điện tử và phải cài đặt VneID là một ứng dụng của Bộ Công an phát triển cài trên điện thoại di động. Từ đó, Bộ công An có thể theo dõi được bất cứ cá nhân nào, ở đâu, đang làm gì miễn là họ cầm theo điện thoại.
Nếu như để tiện dụng hơn, công dân lại cho phép ứng dụng VneID tiếp cận (access) với Micro và Camera thì nhà phát triển có thể cài đặt phần mềm để kích hoạt ứng dụng và nghe được hoặc chụp lại tất cả mọi điều chúng ta trao đổi.
Tài sản số và kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
Như chúng ta đều biết, thông tin cá nhân là một loại tài sản. Báo Nhân dân cũng đã đăng tải một bài nêu rõ dữ liệu cá nhân là một loại tài sản quý giá trong nền kinh tế số. Việc Bộ công an bắt buộc mọi người dân đưa rất nhiều thông tin vào trong căn cước công dân và lưu giữ tập trung tại Bộ là một kiểu “tích luỹ” tài sản số khổng lồ.
Điều 14, Dự thảo luật quy định “Cơ sở dữ liệu căn cước được xây dựng và quản lý tại cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công An”. Chữ “của” trong dự thảo được in nghiêng, viết đậm trong khi Luật căn cước công dân hiện hành thì ghi là “tại”.
Nếu dự luật này được thông qua thì tài sản của 100 triệu dân Việt Nam với 26 trường dữ liệu sẽ là tài sản “của” Bộ Công an, lưu trữ tập trung tại cơ quan Công an và từ đó nó được phân phối ra các Bộ ngành khác sử dụng.
Hiện nay theo Nghị Định 59/NĐ-CP thì dịch vụ Định danh và Xác thực điện tử là ngành kinh doanh có điều kiện và chỉ có đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp trong ngành công an được phép kinh doanh. Như vậy, tài sản của công dân, thông qua Luật căn cước, đã được trao cho Bộ công an rồi từ đó các doanh nghiệp của Ngành công an có thể kinh doanh nó.
Để phát triển kinh tế một đất nước, thì vai trò của các Bộ ngành khác, đặc biệt như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương… là rất quan trọng. Nếu như toàn bộ công việc xác thực điện tử phải phụ thuộc vào Bộ Công an thì có nguy cơ làm giảm tính cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Không một hệ thống nào được coi là bảo mật tuyệt đối
Dữ liệu cá nhân là tài sản quan trọng nhưng bảo mật thông tin không bao giờ là đủ, bởi vì hằng ngày chúng ta tương tác với rất nhiều chủ thể khác nhau qua nhiều phương tiện khác nhau, trên nhiều nền tảng khác nhau.
Kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy có rất nhiều vụ rò rỉ dữ liệu đình đám. Riêng tại Việt Nam, chỉ có 1 quý vừa qua đã phát hiện ra 10 vụ rò rỉ dữ liệu lớn. Ngay tại Hoa Kỳ cũng đã có hàng chục vụ việc các cơ quan bị các tin tặc xâm nhập và lấy cắp dữ liệu vì công việc bảo mật không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật mà còn do chính con người.
Ông Hồ Trọng Đạt, phó giám đốc trung tâm an toàn thông tin của VNPT cho biết: “Lộ lọt dữ liệu đang xảy ra ở mọi nơi, mọi quốc gia, mọi ngành, từ quân sự đến đời sống hằng ngày và không loại trừ bất cứ ai” .
Bởi vậy khi quản lý tập trung vào một Bộ không phải chuyên ngành thông tin như Bộ Công An thì tư duy quản lý là bao trùm và khả năng bị mất dữ liệu càng cao.
Không chỉ mất dữ liệu mà vì Bộ Công an coi như là một cái “ao” để độc quyền phân phối dữ liệu cho các Bộ ngành khác. Nếu nó bị tấn công hoặc bị nhiễm phần mềm độc hại, nó sẽ theo các “tuyến” lây lan sang tất cả các bộ ngành khác rất nhanh.
Đại biểu cần giành lại quyền làm luật
Luật pháp chính là cơ sở pháp lý cho toàn bộ các hoạt động xã hội. Việc xây dựng luật là rất cần thiết nhưng không phải là một quá trình pháp lý thuần tuý theo ý chí của một người hay một ngành mà còn là một quá trình xã hội học liên quan đến rất nhiều vấn đề trong xã hội.
Việc xây dựng luật cần rất nhiều dữ liệu xã hội, kinh tế và chính trị học, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia và các ngành liên quan. Thực tế thì nền kinh tế rất cần sự sáng tạo đa dạng và chân thành từ chính các doanh nghiệp và sau đó là sự thanh lọc của thị trường chứ không phải bằng các Nghị quyết từ trong phòng lạnh hoặc theo dõi từ tất cả các màn hình trước khi nhấn nút “Enter”. Điều đó là “nạo vét” cái đã có mà không tạo ra của cải và giá trị mới cho xã hội.
Bộ công an thực tế đã nhanh nhạy hơn rất nhiều bộ ngành khác để giành quyền trong việc xây dựng luật, từ đó đang có ảnh hưởng bao trùm cả xã hội. Tuy nhiên, với bản chất của một lá chắn, là một “thanh gươm” của Đảng, Bộ Công an luôn có tư tưởng “quản lý” chứ không phải “giải phóng”; “giam cầm” chứ không phải “tự do”. Cho nên, có nguy cơ sử dụng Luật Căn cước như một công cụ phục vụ lợi ích ngắn hạn mà ngăn cản cả một sự phát triển lâu dài.
Đồng thời, khi cơ sở hạ tầng chưa đủ tốt mà vội vàng tích luỹ “tài sản” quá nhanh sẽ dễ bị kẻ trộm “đào tường khoét vách” gây ra tai hoạ chung cho toàn xã hội.
Các đại biểu quốc hội phải mạnh dạn lên tiếng tranh luận ngay từ đầu vì khi đã bấm nút thông qua thì càng ngày càng phải im lặng vì kẻ nắm được thông tin sẽ luôn là kẻ mạnh nhất.
Nhưng thiệt hại chung là nhân dân và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
No comments:
Post a Comment