SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai cựu chủ tịch và năm lãnh đạo cấp cao của ngân hàng SCB (Sai Gon Joint Stock Commercial Bank) bị truy nã vì cáo buộc dính đến vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng hiện không biết họ ở đâu.
Một số báo tại Việt Nam cho hay những người đang bỏ trốn và bị truy nã gồm bà Nguyễn Thị Thu Sương, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị SCB; Đinh Văn Thành, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị SCB, và Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc SCB.
Cùng bỏ trốn và bị truy nã còn gồm cả Trầm Thích Tồn, cựu thành viên Hội Đồng Quản Trị SCB; Sun Henry Ka Ziang, thành viên Hội Đồng Quản Trị SCB, quốc tịch Trung Quốc; Lam Lee George, cựu thành viên Hội Đồng Quản Trị SCB và Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó giám đốc chi nhánh Bến Thành của SCB.
Theo bản thông cáo báo chí đăng tải trên trang mạng của Bộ Công An trong ngày Chủ Nhật 29 Tháng Mười và được các báo trong nước lập lại, bảy người nói trên bị cáo buộc họ dính líu đến vụ án xảy ra tại “ngân hàng SCB, tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan,” tức các tổ chức đầu tư của bà Trương Mỹ Lan.
Trong vụ đại án này, hơn 30 người đã bị bắt giữ từ ngày 7 Tháng Mười 2022 đến nay với các cáo buộc gồm “tham ô tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; rửa tiền; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Khi bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và bốn người thuộc hạ bị bắt vào ngày 7 Tháng Mười 2022, những người gửi tiền tại SCB hoảng hốt chạy tới rút tiền ký thác hoặc mua trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, họ đều bị từ chối nên đã biểu tình tại nhiều thành phố. Hình ảnh và video clips các cuộc biểu tình cuối năm ngoái được phổ biến rộng rãi trên Youtube và Facebook.
Sợ ngân hàng này sụp đổ, ảnh hưởng dây chuyền đến cả hệ thống ngân hàng thương mại, báo đài của chế độ vội vã tuyên truyền rằng bà Trương Mỹ Lan và các công ty đầu tư của bà không có liên hệ gì với ngân hàng SCB. Nay Bộ Công An ra thông cáo khai ra rằng bảy chức sắc cầm đầu SCB đang bỏ trốn, bị truy nã vì nằm trong số những kẻ bị truy tố về những việc làm trái luật tại SCB và Vạn Thịnh Phát.
Đầu Tháng Mười, Bộ Công An CSVN họp báo cho hay khoảng 42,000 nhà đầu tư đã bị tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan mua một số trái phiếu doanh nghiệp tổng cộng khoảng 30,000 tỷ đồng (tương đương $1.2 tỷ). Bộ Công An kêu gọi các nhà đầu tư liên lạc khai báo để hoàn tất thủ tục, hy vọng họ được trả lại số tiền đó nhưng không biết khi nào và được bao nhiêu.
Giữa Tháng Tám, báo chí trong nước thuật lại cuộc họp của “Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng” nói sẽ “sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án Việt Á, tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan và bốn thuộc cấp bị khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi gian đối phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp với dụng ý “chiếm đoạt tài sản” trong giai đoàn 2018-2019. Khi vừa bị bắt thì bà Nguyễn Phương Hồng, phụ tá của bà Trương Mỹ Lan, đột ngột chết mà tin tức hoàn toàn bị bưng bít.
Ông Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Đồng Quản Trị SCB và cũng là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó tổng giám đốc của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chết đột ngột như bà Hồng khi cả hai người đều khỏe mạnh. Người ta tin rằng cả hai cái chết này đều không bình thường nhưng không hề thấy có cuộc điều tra nào được tiến hành.
Bộ Công An nhìn nhận đây là một vụ án “phức tạp” liên quan đến một nhân vật có mối quan hệ rất cao và rất sâu trong hệ thống quyền lực CSVN.
Các vụ thâu tóm các lô “đất vàng” ở Sài Gòn và nhiều nơi khác có bàn tay bà Trương Mỹ Lan đạo diễn được bật mí trên báo chí mấy tháng vừa qua chỉ là mặt nổi của tảng băng quan chức tham nhũng cấu kết với tài phiệt tại Việt Nam. (TN) [kn]
No comments:
Post a Comment