BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận bắt đầu đàm phán dự thảo bản đọc lần thứ ba cho bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) vốn trì hoãn từ lâu.
Báo South China Morning Post ở Hongkong ngày 27 Tháng Mười dẫn lời bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho hay Bắc Kinh và khối ASEAN “tăng tốc đàm phán để sớm đạt được một Bộ Quy Tắc Ứng xử hiệu quả và thực chất.”
Lời phát biểu của bà Mao Ninh được dẫn lại như trên chỉ một ngày sau khi đại diện cấp chuyên viên của Trung Quốc và ASEAN ngồi vào bàn hội nghị tại Bắc Kinh. Hai bên trao đổi quan điểm chuyên sâu (in-depth exchange of views) về tình hình tại Biển Đông và đồng ý gia tăng hợp tác về các lãnh vực như khảo cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường cũng như thực thi luật lệ trên biển.
“Quan điểm của các bên là duy trì ổn định và hòa bình tại Biển Đông là quan trọng cốt yếu nên kêu gọi cần phải kiềm chế, gia tăng trao đổi quan điểm, giải quyết các bất đồng một cách hợp lý để duy trì ổn định trên biển.” Lời bà Mao Ninh thuật lại cuộc họp khi những căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây, tên quốc tế là Second Thomas Shoal.
Ngày 22 Tháng Mười, tàu vận tải nhỏ của Philippines, tiếp tế cho nhóm Thủy Quân Lục Chiến đồn trú trên chiếc tàu phế thải được ủi bãi để bảo vệ chủ quyền tại bãi Cỏ Mây, bị tàu Hải Cảnh của Trung Quốc to lớn hơn va đập khi cản trở nó làm nhiệm vụ. Hình ảnh, video vụ việc được chính phủ Philippines công bố và lên án hành động của Bắc Kinh ngược với các cam kết quốc tế về hàng hải.
Đồng thời, chính Tổng Thống Joe Biden khi gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Tòa Bạch Ốc ngày 27 Tháng Mười cũng cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công.
Hoa Kỳ và Philippines có hiệp định an ninh hỗ tương ký từ năm 1951. Bắc Kinh qua lời bình luận của bà Mao Ninh kêu rằng nước Mỹ không có quyền chen vào tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Manila.
Lời kêu gọi tăng tốc các cuộc đàm phán để sớm đạt được một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conducts) đã được lập đi lập lại nhiều lần trong những năm qua, nhưng các cuộc đàm phán vẫn rất chậm chạp, nhiều khi dậm chân tại chỗ. Khi người ta hiểu rõ thâm ý của Bắc Kinh cố tình trì hoãn để lấn chiếm theo kiểu tằm ăn dâu thì đã quá trễ.
Hồi Tháng Bảy vừa qua, Indonesia, nước đương kim chủ tịch luân phiên ASEAN, loan báo đã hoàn tất bản đọc thứ hai cho cái khung đàm phán COC. Bản đọc thứ nhất thì đã thỏa hiệp được từ năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay, quần chúng không hề được cho biết nội dung của mấy cái bản đọc dự thảo đàm phán đó là cái gì.
Một số nhà phân tích cho rằng những cái gọi là “thỏa thuận” đó chỉ là một vài đoạn hay câu chữ mà hai bên cò kè trong khi những nét chính yếu cản trở sự thỏa thuận vẫn còn nguyên, gồm cả điều khoản phải thủ theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS).
Một trong những cái trở ngại chính khác là cái chủ quyền ngang ngược mà Bắc Kinh tuyên bố theo các vạch nối lại theo hình “lưỡi bò” chiếm đến 90% Biển Đông, ăn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác. Bắc Kinh lập lại nhiều lần là sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Quốc Tế năm 2016 khi bị Philippines kiện.
Hồi đầu năm 2023, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ cùng với ASEAN kết thúc đàm phán COC trong 3 năm nhưng không mấy ai tin những lời tuyên truyền có chủ đích đó. Những gì diễn ra trên biển trái ngược với những lời tuyên truyền bên lề hội nghị.
Tàu Hải Cảnh và các tàu dân quân biển của Trung Quốc vẫn canh chừng chặt chẽ các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong phạm vi “lưỡi bò” dù trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc từng đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa nếu Việt Nam gia tăng dò tìm mỏ mới. (TN) [kn]
No comments:
Post a Comment