HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong ba tháng đầu năm 2019, chính phủ CSVN đã trả nợ 99,128 tỷ đồng ($4.27 tỷ), như vậy, bình quân mỗi ngày chính phủ trả nợ 1,101 tỷ đồng ($47.5 triệu), theo báo Tuổi Trẻ hôm 5 Tháng Tư.
Con số này được hiểu là tổng cộng các khoản nợ trong nước và nước ngoài, nhưng không có con số tương ứng vào các năm trước để so sánh.
Đáng lưu ý, các nguyên nhân dẫn đến việc chính phủ CSVN đang phải trả nợ $47.5 triệu mỗi ngày và lấy nguồn tiền đâu để trả nợ thì không được tờ báo của Thành Đoàn ở Sài Gòn đề cập.
Tờ Tuổi Trẻ cũng cho biết thêm: “Để cơ cấu lại nợ công về kỳ hạn nợ và lãi suất huy động, trong quý I, 2019, Bộ Tài Chính (CSVN) đã phát hành 69,500 tỷ đồng (gần $3 tỷ) trái phiếu chính phủ với kỳ hạn bình quân là 12.3 năm, lãi suất bình quân là 4.91% năm.”
Trong khi đó, nhiều blogger bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội về việc chính phủ CSVN đang “nợ ngập mặt.”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội bức xúc viết trên trang cá nhân: “Phải nói cho rõ là chính phủ thu thuế của dân rồi đem trả nợ chứ. Dân nuôi chúng nó khác gì nuôi con nghiện trong nhà đâu.”
Việc chính phủ CSVN công khai tình trạng phải trả nợ $47.5 triệu mỗi ngày diễn ra trong bối cảnh người dân thấy chỉ trong chưa đầy một tháng, giá điện và xăng cùng tăng, khiến nhiều mặt hàng thiết yếu khác phải tăng giá theo.
Điều này càng khiến công luận tin rằng chính phủ CSVN đang cạn kiệt ngân sách nên rất cần có thêm nguồn thu để trả nợ, và cách đơn giản nhất là đồng loạt tăng giá điện, xăng dầu, “đánh” vào túi tiền của người dân, thay vì nỗ lực kiểm soát chi tiêu và đầu tư công.
Về tình hình nợ công của Việt Nam, dường như các báo nhà nước đang tung hỏa mù với những thông tin đối nghịch nhau, khiến người đọc hoang mang về con số thật sự.
Báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 25 Tháng Ba dẫn lời Giáo Sư Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, thành viên Tổ Tư Vấn Kinh Tế của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam đang không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này dẫn đến việc chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.”
Thế nhưng trong một hành động nhằm trấn an dư luận, báo Dân Trí hôm 29 Tháng Ba lại cho biết nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam “đang trên đà giảm.”
Tờ báo viết thêm: “Hội Đồng Tư Vấn Chính Sách Tài Chính, Tiền Tệ Quốc Gia đánh giá rằng công tác khắc phục, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2016.”
Tuy vậy, cả hai bài báo nêu trên đều không cập nhật mức nợ công mới nhất của Việt Nam là bao nhiêu. (T.K.)
No comments:
Post a Comment