ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Tư, mạng xã hội dấy lên tranh cãi về phát ngôn của Bộ Trưởng Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh trên báo Người Lao Động: “Trước đây có những nghi ngờ của xã hội về hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên nhưng thực tế, cả hai nhà máy aluminium (nhôm) đã đạt hiệu quả. Do đó, Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành báo cáo tổng kết, đánh giá thí điểm hai dự án để báo cáo chính phủ, quốc hội làm cơ sở tiếp tục nâng công suất hai dự án và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên.”
Phát ngôn của Bộ Trưởng Tuấn Anh được đưa ra sau khi ông có chuyến thị sát và đánh giá về dự án khai thác bauxite, sản xuất aluminium tại Tây Nguyên.
Báo cáo của Tập Đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV) cho biết dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng (Aluminium Tân Rai) có công suất thiết kế 650,000 tấn aluminium/năm với tổng mức đầu tư hơn 15,000 tỷ đồng ($646.5 triệu).
Báo Người Lao Động tường thuật: “Từ Tháng Mười, 2013, đến hết năm 2018, hai nhà máy đã sản xuất được hơn 3 triệu tấn aluminium. 97% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc… Doanh thu ba năm đầu dự án bị lỗ theo kế hoạch. Từ năm 2017 đến nay, dự án có lãi; riêng năm 2018 lãi trên 1,700 tỷ đồng ($73.2 triệu).”
Tờ báo còn viết thêm rằng nhà máy sản xuất Aluminium Nhân Cơ (Đắk Nông) “theo kế hoạch sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào hoạt động nhưng ngay năm đầu tiên đã có lãi.”
Những số liệu “lạc quan” trong bài báo nêu trên khiến công luận nghi ngờ về tính xác thực và cho rằng chúng chỉ có “giá trị tuyên truyền” và nhằm trấn an người dân, vì hồi Tháng Tư, 2018, báo Người Đô Thị tường thuật: “Dù hiện nay Bộ Công Thương và TKV khẳng định hai nhà máy bauxite Nhân Cơ và Tân Rai đang có lãi, tuy nhiên thực tế số liệu giữa Bộ, TKV và thanh tra của Bộ Tài Chính không khớp nhau. Hồi Tháng Ba, 2017, Bộ Tài Chính công bố Tân Rai sau ba năm vận hành lỗ 3,696 tỷ đồng ($159.3 triệu); đồng thời qua bốn lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt từ 7,800 tỷ đồng lên 15,400 tỷ đồng ($336.1 triệu-663.7 triệu).”
“Vậy chính xác lỗ hay lãi, tới đâu, mức độ nào; con số lỗ lãi mà TKV đưa ra được hạch toán ra sao, các chi phí khấu hao, vấn đề tiền lãi vay ngân hàng, huy động vốn tự có của TKV… tất cả đến nay đang rất mập mờ và cần sự làm rõ của chủ đầu tư. Gần đây, giá nhôm trên thế giới tăng lên, kéo giá alumina tăng nhưng để nói lạc quan về kinh tế công nghiệp sản xuất alumina và nhôm này thì hoàn toàn chưa, cần tính toán kỹ hơn nữa. Ngoài ra, cần tính đến chi phí ảnh hưởng về môi trường và xã hội trong bài toán hiệu quả kinh tế,” theo Người Đô Thị.
Hồi năm 2008, báo Tuổi Trẻ cho biết: “Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công Ty Năng Lượng Sông Hồng trực thuộc TKV, cho rằng dự án chế biến quặng bauxite, sản xuất aluminium và luyện nhôm là một sai lầm chiến lược chứa đựng những rủi ro không thể lường hết. Quy hoạch khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên là quá nhiều tham vọng. Bởi vì nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam. Kế hoạch của TKV mới chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành aluminium để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các đại gia luyện nhôm nước ngoài vốn không muốn tốn nhiều chi phí cho việc khai thác.”
Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án trọng điểm do nhà thầu Trung Quốc điều hành, có quy mô lớn trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng bôxit, do TKV làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hai dự án trên 32,000 tỷ đồng (hơn $1.4 tỷ). (T.K.)
No comments:
Post a Comment