TÂY NINH, Việt Nam (NV) – Quyết định đình chỉ điều tra được cơ quan hữu trách của tỉnh Tây Ninh ký từ năm 1983 nhưng mãi đến nay, những người bị oan mới chính thức nhận được, dù mấy mươi năm qua họ liên tục đi đòi.
Ngày 4 Tháng Tư, 2019, ông Thân Văn Danh, trưởng Phòng 8, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh, đã trao quyết định đình chỉ điều tra cho những người bị giam oan trong vụ cướp nhà máy xay lúa ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Theo báo Người Lao Động, bảy người gồm các ông, bà Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”), ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất), bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Lan.
Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đã nhận quyết định đình chỉ điều tra năm 1983.
Đáng nói, những người bị giam oan được trao bản sao y bản chính quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh, ký ngày 11 Tháng Năm, 1983, tức cách đây hơn… 36 năm.
Theo ông Danh, sau khi báo chí loan tin, các cơ quan hữu trách vào cuộc thì Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh mới tìm ra và trao quyết định cho bảy nạn nhân.
Nói qua điện thoại với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) cho biết, cả gia đình rất vui mừng khi đã được minh oan. “Từ nay gia đình tôi không phải là người phạm tội. Sắp tới gia đình sẽ nhờ luật sư làm đơn yêu cầu bồi thường theo quy định.”
Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đoàn Luật Sư Sài Gòn, một trong những người bảo vệ quyền lợi cho người bị oan cho biết, vụ án oan sai gây hậu quả hết sức nặng nề và bi thảm: các nạn nhân bị bắt tạm giam, bị tra tấn, nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng. Không chỉ tám người lương thiện bị oan, gánh chịu hậu quả đau đớn, mà gia đình, người thân họ cũng bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt gần bốn chục năm qua.
Sắp tới đây, theo Luật Trách Nhiệm Bồi Thường, các nạn nhân và người đại diện sẽ được các luật sư thiện nguyện giúp đỡ làm các thủ tục yêu cầu khôi phục danh dự (xin lỗi và cải chính) và bồi thường thiệt hại, kể cả giúp đỡ họ trong quá trình thương lượng hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ tại tòa án các cấp để đòi bồi thường theo đúng luật.
Liên quan đến vụ án này, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đã kiện, yêu cầu bồi thường hơn 10.4 tỷ đồng ($448,275). Qua hai cấp xét xử là Tòa Án Nhân Dân huyện Gò Dầu, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Tây Ninh chỉ chấp nhận bồi thường 615 triệu đồng ($26,508). Ông Dũng đang khiếu nại bản án trên.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn hồ sơ vụ án cho biết, khoảng 11 giờ đêm 26 Tháng Bảy, 1979, một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, xảy ra một vụ cướp.
Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt ngay một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bốn người đàn ông nữa bị bắt.
Cán bộ điều tra đã dùng nhục hình khiến những người đàn ông này phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con cất giấu. Ba người phụ nữ bị bắt tiếp theo sau đó cũng bị dùng nhục hình nên buộc phải nhận đã cất giấu tài sản cướp được.
Tám cuộc đời đang bình yên bỗng nhiên khốn khổ vì những cáo buộc vu vơ và những tháng ngày oan khiên tù tội, gia đình tan tác. Nhiều lần công an dẫn đi lấy tang vật nhưng không có mà chỉ có năm chỉ vàng. Công an buộc người nhà họ đem nộp để bảo lãnh người thân về.
Quyết định đình chỉ điều tra ghi: Xét đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. “Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này,” quyết định đình chỉ nêu rõ. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment