Blogger Gió Bấc-RFA-21/04/2019
Hình minh họa: Sở Giáo dục- Đào Tạo Sơn La
Vụ điều tra xử lý gian lận tăng điểm cho con quan trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2018 đã diễn ra gần tròn năm. Nhiều người bức xúc, thắc mắc: vụ việc sai phạm rõ như ban ngày, danh sách thí sinh được nâng điểm, điểm giả thật chênh nhau vòi vọi từ thi rớt thành thủ khoa, từ 0 thành 9, nhưng những người có trách nhiệm xử lý vẫn lúng túng, ì ạch như gà mắc tóc, như bò kéo xe lên dốc.
Người ta cứ phải cầm lên đặt xuống, cân nhắc, thăm dò những điều hết sức đơn giản: Có nên công khai danh tánh thí sinh được nâng điểm hay không? Nên cho thí sinh điểm thật đủ đậu vào đại học học tiếp hay không?
Gian lận, chôm chỉa đã thành truyền thống!
Thực trạng bối rối ấy đúng là khó hiểu với với những đất nước minh bạch, pháp luật được tôn trọng, phẩm chất giáo dục được bảo vệ. Với Việt Nam thì hoàn toàn dễ hiểu. Cái khó xử ở đây là tình thế trớ trêu giống như cầu thủ phải đứng trước chấm phạt đền đá vào lưới đội nhà. Từ lâu rồi bằng cấp vàng thau lẫn lộn với đủ thứ ưu tiên là cánh cửa, là bậc thang để con cái quan chức được bổ nhiệm và thăng tiến thần tốc.
Gian dối thi cử, mua bán bằng cấp, chôm chỉa công trình nghiên cứu là truyền thống của rất nhiều quan chức. Ngay ở cấp bộ trưởng, có thể chỉ ra ngay hai bộ trưởng đương nhiệm từng bị dính chàm, gian mà bị lộ.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng bị kỷ luật đảng năm 2006 vi phạm quy chế thi tuyển nghiên cứu sinh tại Học viện Hành chính quốc gia về hành vi “sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị”. Thực chất đây là cách gọi tên bao che cho việc sử dụng phao. {1}
Đặc biệt, Phùng Ngọc Nhạ Bộ trưởng Bộ Dục, Chủ tịch Hội đồng với hổn danh được người dân dặt cho là ‘Nhạ ngọng’ bị tố trước công luận quốc tế là đạo văn hay nói chính xác là ăn cắp tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học của người khác với đầy đủ chứng cứ. Người tố cáo đã gởi thư đến lãnh đạo tối cao của Việt Nam nhưng Nhạ vẫn không suy suyển mà còn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước.{2}
Ngay phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có bộ bằng cấp tréo ngoe: Kỹ sư Công trình Thủy, Thạc sĩ Luật, Cao học Sử.{3}
Đó là các trường hợp đã bị lộ mà vẫn an toàn, còn biết bao nhiêu cái bằng giả, bằng thật mà giả, bằng dỏm mua ở nước ngoài tiềm tàng trong đội ngũ tinh hoa của đảng và nhà nước. Khó ai có thể thống kê được, chỉ biết rằng khi lợi ích xung đột, cần xử nhau lập tức bẳng dỏm lộ ra ngay. Gần đây nhất là thái tử đảng Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Đà Nẵng. Khi bị kỷ luật, lập tức lộ ra là bằng tiến sĩ không được bộ Dục công nhận {4}
Với truyền thống giả trá đậm đặc, từ lâu hệ thống giáo dục trở thành bậc thang, thành công cụ cung cấp văn bằng cho quan chức, cho các hạt giống đỏ có đủ điều kiện thăng tiến theo tiêu chuẩn hóa cán bộ. Thi cử chỉ là một công đoạn của quy trình này. Chính vì vậy, xử phạt nghiêm những người vi phạm sẽ chạm vào truyền thống đặc quyền- đặc lợi mà ai cũng muốn duy trì.
Nhân đạo, nhân văn với tội ác!
Trong trường hợp lần này theo danh sách thí sinh được nâng điểm của Hòa Binh, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang mà báo chí đưa ra có đủ mặt quan chức cấp cao từ con Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên trung ương đảng đến chủ tịch, phó chủ tịch huyện. Tất cả đều là thành phần cốt cán ưu tú, trung thành của đảng, da gói da sao nỡ, thịt cắt thịt sao đành.
Những người có trách nhiệm đang cố tìm mọi cách, mọi luận điểm trâng tráo nhất để bao che, giảm nhẹ thiệt hại cho những hạt giống đỏ. Thông tin về vụ phạm pháp nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền giáo dục quốc gia lại được giữ kín như bí mật nhà nước. Chưa bao giờ nhân quyền, nhân đạo được đề cao như trường hợp này. Theo áp lực của dư luận, thông tin về những thí sinh được nâng điểm lâu lâu lại lòi ra một ít. Đầu tiên chỉ là số báo danh, bị chỉ trích phản ứng, lại nhả thêm công việc của cha mẹ thí sinh, mãi đến ngày 19-4, báo Tuổi trẻ mới công bố danh sách cụ thể họ tên thí sinh nâng điểm.
Cản trở, bưng bít thông tin này không chỉ là cán bộ cấp dưới mà từ trung ương, cán bộ trách nhiệm cấp cao. Cục trưởng Khảo thí Mai Văn Trinh lấy luật để bưng bít, đá trái bóng cho Bộ Công An “Việc công khai danh tính thí sinh phải tuân thủ theo pháp luật, Luật Dân sự năm 2016, căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan chức năng là Bộ Công an điều tra. Nên việc công bố thời điểm nào, công bố đến đâu là thẩm quyển của cơ quan công an. Chúng ta muốn công bố danh tính của thí sinh và phụ huynh, nhưng phải tính đến công tác điều tra của cơ quan công an, trong khuôn khổ pháp luật, những tác động cực đoan đến học sinh” {5}
Cao hơn nữa là bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nổi tiếng với câu nói quan chức tham nhũng “ăn không từ một thứ gì”, lần này không rõ ăn phải cái gì bà Doan lên tiếng cho rằng “không nên công bố tên tuổi các em gian lận điểm vì lý do nhân đạo”. Đây không phải là lập luận riêng tư của bà Doan mà là lá chắn chung của nhiều cán bộ có chức có quyền.
Đối kháng lại với luận điểm này, những người dân, những viên chức cấp thấp đã phản ứng gay gắt. Tiêu biểu là nhà báo Ngọc Vinh đã có bài viết dài THỎA HIỆP CÙNG CÁI ÁC trên fb cá nhân, trong đó có đoạn như sau: “Quan điểm của tôi là, ko chỉ công bố danh tính các thủ phạm của đường dây chạy điểm, mà phải công bố danh tánh các bậc phụ huynh chạy điểm và cả danh tánh con cháu họ- những người hưởng lợi trực tiếp từ tội ác này. Cha mẹ và con, dĩ nhiên là đồng phạm. Nếu một đứa trẻ được giáo dục lòng trung thực kiên quyết ko chấp nhận việc chạy điểm thì liệu cha mẹ chúng có thực hiện hay ko? Những người tỏ lòng thương tiếc cho tương lai những đứa trẻ 18 tuổi con ông cháu cha này, nếu có lòng nhân thật sự thì hãy dành một ít thứ quý hiếm đó để nghĩ về những đứa trẻ cũng 18 tuổi đang thi hành nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa hay biên cương phía bắc. Vì không được vào đại học nên chúng phải cầm súng và đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho quý vị ngồi trong phòng lạnh mà nói phét về lòng nhân đạo.
7) 18 tuổi là tuổi đủ chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm về chính cuộc đời mình. Cũng năm 18 tuổi, tôi và những bạn trẻ cùng lứa đã cầm súng ra chiến trường đánh trận và rất nhiều người trong số đó đã nằm xuống ở biên cương Tây Nam và phía Bắc. Họ đã không được trở về với cha mẹ để báo đáp công sinh thành. Ai thương tiếc, ai nhân đạo với họ và cha mẹ của họ đây?”
Chính phạm là ai?
Quan chức lên tiếng phê phán mạnh mẽ nhất với sai phạm này là ông Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội). Ông Vân cho rằng hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng, phải trừng trị thích đáng.
Đại biểu Vân phân tích có 3 nhóm đối tượng liên quan đến hành vi gian dối trong thi cử. Một là người cố ý làm trái quy định về thi cử – đó là cán bộ coi thi, chấm thi ngành giáo dục, những người làm công tác bảo vệ an toàn thi cử…Hai là nhóm thực hiện hành vi hối lộ hoặc chi phối bằng tiền, bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình để tác động tạo ra sự sai lệch trong đánh giá chất lượng, kết quả thi cử. Và ba là đối tượng hưởng thụ kết quả gian dối từ thi cử (dù vô tình hay cố ý).
Nếu như sự dối trá này bị che giấu sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tha hóa nền giáo dục. Trong đó, ông Vân nhấn mạnh nhóm đối tượng thứ nhất và thứ hai nhất định phải trừng trị bằng pháp luật để làm gương, ngăn chặn hậu quả sau này {7}
Sự khái quát của ông Vân đúng mà chưa đủ. Còn hai nhóm đối tượng khác liên quan cần phải xử lý. Thứ nhất là những người đề ra quy chế thi, tổ chức kỳ thi lỏng lẻo để có kẻ hở to đùng như không rọc phách bài thi trắc nghiệm, không cho chấm chéo, …giúp cho cán bộ địa phương vi phạm. Ngay sau kỳ thi cũng không có cơ chế kiểm tra rà soát phát hiện sai phạm dù dư luận đã ầm ỉ choáng váng vì điểm cao ngất ngưởng của hàng loạt thí sinh các tỉnh vùng cao chiếm hầu hết các danh hiệu thủ khoa. Trước làn sóng dư luận phản ứng, vẫn trâng tráo đánh giá là nhẹ nhàng, nghiêm túc an toàn… Người chịu trách nhiệm cao nhất không ai khác hơn là Phùng Ngọc Nhạ. Chỉ với sự đỗ vỡ của kỳ thi quốc gia như thế nếu thật sự có liêm sỉ, Nhạ phải từ chức chứ không trân tráo tại vị như hiện nay.
Nhóm đối tượng thứ hai có liên quan cũng cần phải xem xét trách nhiệm là những kẻ trực tiếp, gián tiếp bao che cho sai phạm, bưng bít thông tin, lộng giả thành chân, biến đen thành trắng. Người đứng đầu nhóm này không ai khác hơn là Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng. Trước những sai phạm yếu kém cả về năng lực, phẩm chất của Nhạ, trước những suy thoái nghiêm trọng của ngành giáo dục không chỉ trong thi cử mà còn hoen ố, nhơ nhớp về bạo lực, bạo hành, quấy rối tình dục,….lẽ ra phải cách chức Nhạ và những người có liên quan, thay máu, thay phương hướng triết lý giáo dục thì người đốt lò vĩ đại lại bốc Nhạ lên chín tầng mây với lời đánh giá “Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ” {8}
Chính đánh giá đó Nhạ ung dung tại vị. Chính đánh giá đó mà những sai phạm của kỳ thi bị coi nhẹ, chỉ những viên chức thừa hành bị khởi tố điều tra như con tốt thí còn người thụ hưởng việc gian trá vẫn ung dung.
Nhân tài là nguyên khí quốc gia, sự hưng vong, tồn vong của dân tộc là từ nền giáo dục. Ông Hồ có câu vì lợi ích trăm năm trồng người và các học trò của ông đã vận dụng rất tốt câu nói ấy để tập trung trồng người cho phe đảng, gia đình của họ.
Hãy tiếp tục nhìn và một lần nữa trải nghiệm xem họ đang cứu nền giáo dục quốc gia đã xuống cấp tận cùng hay tiếp tục dùng giáo dục để trồng người theo lợi ích riêng?
Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment