Sunday, April 21, 2019

CSVN nhận tiền Mỹ ‘xử lý ô nhiễm dioxin,’ nhiều gia đình mất đất sống

Biển cảnh báo ở phi trường Biên Hòa. (Hình: VietNamNet)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Tư, Thượng Nghị Sĩ Patrick Leahy cùng Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh dự lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại phi trường Biên Hòa.
Việc này diễn ra sau khi dự án tẩy độc dioxin tại phi trường Đà Nẵng đã hoàn thành vào cuối năm 2018 sau sáu năm, xử lý hơn 90,000 mét khối đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50,000 mét khối đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp, bàn giao hơn 30 hécta đất sạch cho nhà chức trách Việt Nam.
Báo Zing tường thuật: “Việc giải quyết hậu quả chiến tranh, gồm chất độc da cam, là một trong những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt-Mỹ. Song với nỗ lực từ cả hai phía, trong đó có đóng góp của những người như Thượng Nghị Sĩ Leahy, hai nước đã đạt được một số thành tựu. Phi trường Biên Hòa được cho là điểm nóng dioxin lớn nhất tại Việt Nam sau 1975. Dự án tẩy độc tại đây dự kiến có quy mô lớn hơn rất nhiều so với dự án được thực hiện tại phi trường Đà Nẵng, mà theo lời ông Leahy, là một trong những dự án xử lý môi trường quy mô nhất thế giới.”
Còn theo báo Tuổi Trẻ, việc xử lý dioxin tại phi trường Biên Hòa có tổng số vốn ODA không hoàn lại mà phía Mỹ cam kết tài trợ là $183 triệu.
Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh (trái) và Thượng Nghị Sĩ Mỹ Patrick Leahy tham dự lễ động thổ dự án giải quyết ô nhiễm dioxin tại phi trường Biên Hòa. (Hình: Zing)
Để chuẩn bị cho dự án xử lý dioxin ở phi trường này, Bộ Quốc Phòng CSVN “đã tiến hành khoanh vùng khoảng 150,000 mét khối đất nhiễm dioxin theo hai giai đoạn (từ năm 2006–2010 và 2014–2017), với tổng số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng (hơn $6.4 triệu).”
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời phát biểu của Thượng Nghị Sĩ Patrick tại sự kiện hôm 20 Tháng Tư: “Dự án chung này là cột mốc đỉnh cao trong nhiều năm hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, bắt đầu từ những năm 1980, khi Chính Phủ Việt Nam cung cấp sự hỗ trợ vô giá đối với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.”
Liên quan đến việc này, trước khi từ chức vào Tháng Mười Hai, 2018, nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tới Việt Nam hai lần trong năm 2018 và đã ghé thăm phi trường Biên Hòa.
Trong một diễn biến khác, hôm 15 Tháng Tư, blogger Thanh Tâm post trên mạng xã hội một bức tâm thư song ngữ Anh-Việt đề gửi Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink: “Tôi viết bức tâm thư này là để kêu cứu thay cho 70 gia đình ở phường Bửu Long ở bên ngoài phi trường Biên Hòa đang có nguy cơ bị mất đất mất nhà cửa và trở thành người vô gia cư vì chương trình xử lý dioxin của Hoa Kỳ. Chúng tôi tìm tới ngài vì người dân nước tôi không tìm được công lý, công bằng, sự thật tại Việt Nam. Chúng tôi bị chính quyền đe dọa, khủng bố tinh thần và bắt di dân đi nơi khác với lý do vùng đất chúng tôi đang ở bị ô nhiễm dioxin, trong khi những người nơi đây đã gắn bó với mảnh đất này trải qua ba thế hệ có người sống tới nay gần 90 tuổi. Tất cả mọi người đều khỏe mạnh và sống vui vẻ ,cây cỏ hoa lá nơi đây tươi tốt quanh năm.”
“Tôi không muốn chương trình viện trợ nhân đạo giúp Việt Nam xử lý chất dioxin của Hoa Kỳ bị kẻ xấu lợi dụng và vô tình tiếp tay cho kẻ xấu đẩy hàng trăm gia đình tại Việt Nam bị mất nhà cửa sống vô gia cư trên chính quê hương mình. Hôm nay là 70 gia đình tại phường Bửu Long, liệu hôm sau sẽ là 70 gia đình nào thưa ngài,” blogger Thanh Tâm viết trong bức thư.
Một bản tin trên báo Hòa Nhập, cơ quan ngôn luận của Hội Doanh Nghiệp Thương Binh và Người Khuyết Tật Việt Nam, hôm 13 Tháng Tư cho biết: “Thời gian qua, hơn 70 hộ dân sinh sống tổ 32, khu phố 5, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bỗng dưng nhận tin khu vực họ đang sinh sống nhiễm chất độc dioxin. Tiếp đó, Ủy Ban Nhân Dân phường Bửu Long và Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Biên Hòa liên tục mời bà con đi họp nhằm phổ biến kế hoạch giải phóng mặt bằng. Có điều là khi người dân yêu cầu cung cấp bản đồ phơi nhiễm chất độc dioxin, kế hoạch giải phóng mặt bằng lấy đất của dân để làm gì, lấy xong có trả lại dân hay không… thì tất cả các yêu cầu đó đều bị Hội Đồng Giải Phóng Mặt Bằng im lặng.”
“Tại sao, việc thu hồi đất lại không giao cho Ban Quản Lý Dự Án Xử Lý Môi Trường Ô Nhiễm Dioxin, mà lại giao cho Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Biên Hòa đứng ra thu hồi. Không cung cấp công khai bản đồ bị phơi nhiễm chất độc dioxin để người dân biết, trong khi đó chính người dân địa phương cũng có bộ bản đồ ghi khá chi tiết, đánh dấu từng vị trí, mốc tiêu, khu vực bị phơi nhiễm cụ thế, nên từ đó dẫn đến tình trạng bất hợp tác. Và người dân khu vực tổ 32, khu phố 5 đã làm đơn tố cáo những cán bộ địa phương lợi dụng dự án, chủ trương của nhà nước để vơ vét đất đai,” tờ báo viết. (T.K.)

No comments:

Post a Comment