Theo VOA-Trân Văn/20/04/2019
Không phải người Việt mà cố hiểu Việt Nam, có lẽ sẽ chết trong uất hận vì không thể lý giải nhiều chuyện đã cũng như đang xảy ra tại Việt Nam...
***
Tuy chuyện ông Phạm Nhật Vũ (nhân vật được xem như chủ của Công ty AVG, bị bắt hồi cuối tuần trước vì “đưa hối lộ”) đã tạm lắng trên hệ thống truyền thông chính thức của chính quyền Việt Nam song hệ thống truyền thông quốc tế và một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đang xới thương vụ bán 95% cổ phần của AVG cho Mobifone theo hướng ngược lại, với nhiều câu hỏi không phải là không đáng ngẫm nghĩ, vì rõ ràng có hàng loạt yếu tố khác thường mà chắc chắn thiên hạ có nỗ lực hết mức cũng không thể nào hiểu nổi. Chẳng hạn…
… Tại sao công an vừa khởi tố ông Vũ, vừa bơm thông tin, số liệu cho hệ thống truyền thông, khẳng định ông Vũ “thổi” giá trị của AVG lên 14 lần so với giá trị thực (1), bỏ túi 5.200 tỉ, trốn thuế (2)? Tại sao hệ thống truyền thông chính thức tiếp tục để công an dùng như “phi, pháo dọn đường”? “Đồng ca” theo công an có công bằng và đúng với các tiêu chí của truyền thông chuyên nghiệp hay không? Thậm chí theo một số chuyên gia kinh tế và luật sư, xét về bản chất, thương vụ bán 95% cổ phần của AVG cho Mobifone là M&A nên chẳng có gì sai (3)!..
M&A là cách gọi tắt “Mergers and Acquisitions” (mua bán và sáp nhập) doanh nghiệp (4). Trước nay, M&A vẫn diễn ra trên khắp thế giới (Google mua Motorola Mobility. Facebook mua Whatsapp…) và bán như thế nào, mua ra sao là quyền của các doanh nghiệp có liên quan. Tại Việt Nam, tuy luật pháp không đặt định qui phạm liên quan tới mua bán doanh nghiệp nhưng theo một thống kê được công bố hồi giữa năm ngoái, việc cho phép hợp nhất, sáp nhập đã mở đường cho 4.353 thương vụ loại M&A. Từ giữa 2009 đến giữa 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A ở Việt Nam xấp xỉ 48,8 tỉ Mỹ kim (5).
Cũng cổ xúy tự do kinh doanh nhưng nhìn vào Việt Nam, thiên hạ ắt không thể hiểu vì sao Việt Nam thừa nhận tự do kinh doanh nhưng cả hệ thống công quyền lẫn công chúng cùng thắc mắc, tại sao Phạm Nhật Vũ lại “thổi” giá trị của AVG lên 14 lần so với giá trị thực (?), vì sao Mobifone trả dư cho AVG tới 7.000 tỉ đồng (?)… Sở dĩ thiên hạ chẳng bao giờ có những thắc mắc theo hướng như vừa đề cập vì họ vốn bình thường về tư duy và nhận thức, sinh hoạt trong một xã hội được vận hành theo lề lối hết sức… bình thường. Còn tại Việt Nam, không thắc mắc mới là… bất bình thường!
Làm sao có thể làm ngơ khi tiền Mobifone bỏ ra mua 95% cổ phần của AVG là công quỹ, kết tinh từ mồ hôi, nước mắt của bá tánh? Làm sao có thể xem là bình thường khi thương vụ loại M&A giữa Mobifone và AVG, khiến giá trị của Mobifone trên thị trường vốn suy giảm? Làm sao không thắc mắc khi Bộ Thông tin – Truyền thông, cơ quan thay mặt hệ thống công quyền chỉ đạo hoạt động của Mobifone đề nghị và Bộ Công an “nhất trí” xem toàn bộ thông tin, tài liệu trong thương vụ này là “bí mật quốc gia”?..
Cho dù tại Việt Nam, “tự do kinh doanh” là quyền hiến định (Điều 3), ngoài ra còn được minh đinh tại Luật Dân sự (Điều 50), được bảo hộ tại Luật Doanh nghiệp (Điều 5) nhưng vì sao cả Mobifone lẫn AVG cùng “tự nguyện hủy bỏ” thương vụ loại M&A giữa hai bên chỉ vì… Thường trực Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) không đồng ý (6)? Chưa kể ngoài việc nhanh chóng hoàn lại cho Mobifone toàn bộ số tiền đã nhận từ việc bán 95% cổ phần, AVG còn tự ngụyện trả thêm cả lãi cho số tiền đó!
***
Ngoài những yếu tố tréo ngoe liên quan đến thương vụ loại M&A giữa Mobifone và AVG, còn có hàng loạt những chuyện tréo ngoe, lạ thường, không thể hiểu nổi khác...
Chẳng hạn chuyện bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường – Gia Lai (QCG), tâm sự, không vì cổ đông, không vì ngân hàng, không vì 3.000 nhân viên thuộc quyền thì bà đã tự tử kèm một tâm thư đề nghị nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Theo lời bà Loan, riêng tại TP.HCM, QCG có 12 dự án bất động sản, tổng diện tích 150 héc ta đang bị mắc kẹt vì đủ thứ thủ tục nên không thể triển khai (7).
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, QCG đang nợ các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp, cá nhân hơn 10.000 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh và tình trạng tài chính của QCG càng ngày càng bi đát, thậm chí “dở sống, dở chết” vì chính quyền TP.HCM chưa “rà soát” xong việc sử dụng quỹ đất ở thành phố này (8). Tất nhiên không chỉ có QCG. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như QCG phá sản thì sẽ xảy ra tình trạng chết chùm của những ngân hàng cho vay vốn đầu tư, những doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết kinh doanh.
Song bà Loan có đáng thương và chính quyền TP.HCM có đáng trách? Cách nay đúng một năm, chỉ trong bốn ngày, từ 16 tháng 4 đến 20 tháng 4 năm ngoái, cổ phiếu của QCG rơi tự do và QCG mất 730 tỉ trên thị trường chứng khoán (9) vì Thành ủy TP.HCM ra lệnh cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 héc ta ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho QCG (10). Nều thương vụ loại M&A giữa Mobifone và AVG được xem như điển hình của “mua mắc” thì thương vụ giữa Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận và QCG là điển hình của “bán rẻ”.
Theo tính toán của giới am tường thị trường bất động sản, QCG chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được “quyền sử dụng” 34,2 héc ta mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng. Trong thương vụ này, QCG lời chừng… 2.000 tỉ đồng. Lúc đó, tuy bà Loan tuyên bố, bà đã tìm hiểu kỹ trước khi mua đất, đã trả tiền đúng giá thị trường và chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM rõ ràng là gây thiệt hại cho QCG nhưng bà Loan vẫn không có ý định nhờ Tòa án giải quyết (11), chấp nhận giao lại đất, nhận lại tiền. Giống như trường hợp AVG, chẳng ai hoan nghênh, tán thưởng thiện chí của QCG!
Cũng giống như trường hợp AVG, nếu thật sự bình thường về tư duy và nhận thức, lẽ ra không nên hoan nghênh chuyện Thường trực Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN chỉ đạo Mobifone hủy bỏ thương vụ loại M&A giữa Mobifone với AVG, cũng như không nên tán thưởng chuyện Thành ủy TP.HCM ra lệnh cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 héc ta ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho QCG. Bất kể thế nào thì một xã hội được vận hành theo lề lối bình thường cũng không thể can thiệp thô bạo vào các thương vụ như thế bằng… chỉ đạo.
Tuy nhiên, cho dù những chỉ đạo như thế chẳng khác gì công khai dâm ô với Hiến pháp, cưỡng hiếp Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp giữa thanh thiên, bạch nhật, song không như thế, công quỹ sẽ mất 7.000 tỉ trong thương vụ loại M&A giữa Mobifone với AVG và mất 2.000 tỉ trong thương vụ giữa Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận với QCG!.. Sung sướng vì tài sản quốc gia, mồ hôi, nước mắt của mình được bảo toàn, công chúng không nhữnng quên đi lẽ thường mà còn cảm kích. Đó là một trong những đỉnh cao của lạ thường. Nó khiến người ta tiếp tục chấp nhận đủ thứ bất thường.
Chú thích
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Mua_bán_và_sáp_nhập
No comments:
Post a Comment