LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Việc nhà cầm quyền thành phố Đà Lạt dễ dàng chấp nhận hủy bỏ các di sản ở khu trung tâm Hòa Bình theo bản quy hoạch đã được duyệt theo quyết định ngày 12 Tháng Hai, 2019, của tỉnh Lâm Đồng, xét trên bình diện lịch sử văn hóa, có thể thấy đó là một chủ ý thôn tính ký ức cộng đồng. Những di sản, thành tựu văn hóa, được dựng nên từ các thời kỳ lịch sử trước đó, đối với họ là cần được dọn sạch!
Đày đọa di sản
Theo như bản quy hoạch đã được duyệt, khu quảng trường Hòa Bình, bao gồm công trình kiến trúc gắn với lịch sử phát triển khu trung tâm Đà Lạt là rạp Hòa Bình (giai đoạn từ 1934 đến cuối thập niên 1950, từng là chợ cũ Đà Lạt) và Dinh Tỉnh trưởng (được xây khoảng thập niên 1910) sẽ bị đập bỏ, di dời, nhường chỗ cho các công trình cao tầng với kiến trúc cao tầng như khách sạn, trung tâm thương mại có hình thức xa lạ, có phần diêm dúa, phản hài hòa.
Khi dư luận, giới chuyên môn văn hóa, kiến trúc phản ứng mạnh mẽ thì quan chức tỉnh Lâm Đồng đã nói như chuyện đã rồi. Một trong những lập luận quan trọng mà họ đưa ra đó chính là “những công trình này hiện nay đã quá nhếch nhác, cần làm mới để phục vụ cho phát triển du lịch.”
Nhìn lại những công trình này qua các hình ảnh, bưu thiếp Đà Lạt trong quá khứ, có thể thấy giá trị biểu tượng của chúng, được chăm chút như một phần “mặt tiền” thành phố.
Các nhà quy hoạch trong quá khứ đã khéo léo sử dụng tháp đứng của chợ/rạp Hòa Bình làm mốc cao điểm nhận diện hình ảnh trung tâm cho Đà Lạt, nổi lên giữa những khu phố một tầng lầu là phòng trà, hiệu buôn, kiosque… sinh hoạt giao thương, văn hóa của người Việt, Hoa, Pháp, Ấn… đầy hài hòa trong lịch sử.
Từ sau 1975, mặt đứng rạp Hòa Bình bị sử dụng như không gian để bày biện lên đó quá nhiều những khẩu hiệu, tuyên truyền với kích cỡ và màu sắc thô kệch khiến mất cảm tình trong mắt du khách. Phần cặp hai bên của công trình này được chia thành các kiosque cho thuê buôn bán, góc sau được sử dụng cơi nới làm phòng triển lãm phục vụ cho hoạt động văn hóa thông tin của thành phố.
Vào các dịp lễ, tết, hội hè, dễ thấy rằng khối kiến trúc từng là biểu tượng trung tâm Đà Lạt, là tác phẩm hoàn chỉnh trong bản chỉnh tranh trung tâm năm 1934 của kiến trúc sư Louis-Georges-Anatole Pineau, nơi đã từng được gắn huy hiệu thành phố Đà Lạt trong quá khứ, trở nên lòe loẹt, lùm xùm khi phải gánh trên mình cờ phướn và vô vàn khẩu hiệu tuyên truyền thô thiển.
Không nhếch nhác sao được, khi rạp chiếu bóng bên trong các vật dụng toát ra một màu “bao cấp” cũ kỹ và lạc hậu, bởi ngoài chức năng chiếu bóng với phẩm chất thua xa những rạp phim bình dân ở Sài Gòn, còn là nơi để chính quyền địa phương này tổ chức các hội nghị, các buổi văn nghệ quần chúng không ngoài mục đích vận động quần chúng, “phát động phong trào”…
Còn Dinh Tỉnh Trưởng nằm trên ngọn đồi nhiều cổ thụ phía sau chợ Đà Lạt, được xem là hậu cảnh của khu trung tâm, là lớp không gian thứ hai nếu phóng tầm mắt từ bờ hồ Xuân Hương nhìn về phía núi Lang Bian, cũng với một số phận không khá hơn.
Sau 1975, nơi này từng là “Bảo Tàng Lâm Đồng,” mà mục tiêu của bảo tàng, không là gì khác ngoài làm phận sự tuyên truyền chính trị. Sau khi hết chức năng bảo tàng, gần đây tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng ngôi biệt thự cũ này để trưng bày các kỷ vật Đà Lạt, do trung tâm văn hóa của tỉnh này kêu gọi dân chúng đóng góp.
Khuôn viên cây xanh của dinh trở thành kho để ngổn ngang đồ đạc giàn giáo bảng hiệu tuyên truyền sau khi kết thúc những “mùa chiến dịch” tuyên truyền từ sinh đẻ có kế hoạch đến phòng cháy chữa cháy và tất nhiên cả bầu cử địa phương…
Các công trình di sản không những bị “bỏ đói” mà còn bị bạc đãi, bởi đơn giản thôi, chúng tuy là di sản của cộng đồng, nhưng không phải là di sản mà nhà đương cục này muốn gìn giữ.
Và xóa sổ
Sau khi các công trình văn hóa này cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng,… họ dán cho chúng một cái nhãn “nhếch nhác” và cần đập, làm mới để “vì mục tiêu phát triển.”
Trong các phản biện của giới chuyên môn, ngoài việc phân tích giá trị lịch sử, biểu tượng của các công trình này, chỉ ra những ý tưởng trùng tu có thể đem lại nguồn lợi về văn hóa đi đôi với bảo tồn di sản, thì đặc biệt, đã có kiến trúc sư chỉ ra đúng bản chất vấn đề, đó là giới lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đang bị “lỗi tư duy” khi cho rằng những kiến trúc được hình thành trong thời Pháp thuộc là sản phẩm của “thực dân,” cần dọn sạch.
Ngoài ra, theo đó, không gian làm nên một phần ký ức cộng đồng đầy sang cả, gắn với văn hóa đô thị Đà Lạt thời hoàng kim từ 1954-1975 là thuộc về một phần miền Nam trong thời Việt Nam Cộng Hòa, họ hoàn toàn không muốn chúng tồn tại như một gợi tưởng, hoài niệm.
Nhưng liệu có thể xóa dấu chỉ lịch sử để dựng nên một thứ dấu ấn lòe loẹt, thực dụng, nông cạn ngụy biện bằng mục tiêu phát triển? 80 kiến trúc sư tại Sài Gòn và Đà Lạt tuần qua đã có kiến nghị nhà chức trách ở trung ương can thiệp để sự phá hủy di sản không diễn ra.
Sự thụt lùi hay đổ vỡ về văn hóa có thể xem là một thảm họa đối với một đô thị, bên cạnh vấn đề chuyển hóa từ công sản sang tài sản của nhà đầu tư nếu bản quy hoạch được thực thi, khi mà chân dung của nhà đầu tư của khu vực trung tâm này cũng đã thấp thoáng trong bản quyết định.
Việc nhà cầm quyền tỉnh Lâm Đồng có chùn tay trước dư luận hay không, chưa thể biết trước, khi mà đã có những tiền lệ rất nhiều di sản là biệt thự, dinh thự tại thành phố Đà Lạt đã bị tàn phá không thương tiếc, bất chấp sự lên tiếng của truyền thông, giới chuyên môn.
Một điều đáng lo ngại đó là, phía sau sự tàn phá di sản vật chất, là sự áp đặt duy ý chí lên lịch sử văn hóa và biến một đô thị từng có lịch sử văn hóa đặc biệt như Đà Lạt trở thành một đô thị nghèo nàn, thiếu dấu ấn riêng. Chưa nói, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân Đà Lạt được các chuyên gia quy hoạch dự báo là không nhiều, nếu không muốn nói là tạo ra những hệ lụy lớn cho kinh tế thành phố này trong tương lai.
Nôn nóng xóa dấu lịch sử và tham vọng, ngạo nghễ muốn tạo ra dấu dấn riêng như một “công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ” của các quan chức Lâm Đồng xét về khía cạnh văn hóa, khác nào một sự “biên tập” lịch sử đầy thô bạo. (Nguyễn An Nam)
No comments:
Post a Comment