Theo RFA-Âu Dương Thệ-21-04-2019
Biểu tình bên ngoài trụ sở Formosa ở Đài Bắc ngày 10 tháng 8 năm 2016-AFP
Ngay từ đầu tháng 4.16 đại diện sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà tĩnh cho biết, „cá nuôi ven biển và cá tự nhiên chết bất thường xuất hiện từ ngày 6.4 tại vùng ven biển xã Kỳ lợi và tại xã Kỳ hà, Kỳ ninh (thị xã Kỳ anh) vào ngày 7.4. Ngày 11.4, sau khi công ty Grobest tại xã Kỳ phương (thị xã Kỳ anh) cấp nước biển vào ao nuôi khoảng 6 giờ đồng hồ thì xảy ra hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt. Đến ngày 14.4, ngao nuôi tại 2 xã Kỳ hà và Kỳ ninh tiếp tục bị chết, gây thiệt hại khoảng 4,71 tỉ đồng.“[1] Khi ấy Phó phòng Kinh tế và đô thị thị xã Kỳ anh Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết, „địa bàn xã Kỳ lợi xuất hiện cá chết đầu tiên nằm cách cảng Sơn dương của khu kinh tế Vũng áng khoảng 4 - 5 km, còn các xã Kỳ ninh, Kỳ hà cách Vũng áng khoảng 20 km về phía bắc thì tôm, cá chết sau đó một ngày.“ [2]
Các địa danh này là khu vực nằm cạnh Khu công nghiệp Vũng áng khổng lồ của công ti Đài loan Formosa Hà tĩnh (FHS). Đến giữa tháng 4 các tin dồn dập cùng những hình ảnh nhiều loại cá lớn nhỏ chết hàng loạt rất khủng khiếp và kinh hoàng suốt mấy trăm cây số dọc duyên hải từ các tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên-Huế do chính các báo lề đảng như Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Dân trí, VTV, VNNet… phổ biến đã tràn ngập dư luận các tỉnh ven biển miền Trung làm nhân dân rất hoang mang lo lắng. Hàng chục ngàn ngư dân không dám ra biển đánh cá, người dân cả nước không dám ăn cá, dịch vụ du lịch các bãi biển miền Trung thu hút hàng triệu du khách VN và ngoại quốc lo lắng bị mất khách!
Mãi tới ngày 19.4 Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) mới đến Hà tĩnh kiểm tra về nguyên nhân cá chết và cho biết, „cá chết là do chất độc gây ra nhưng chưa xác định đó là chất gì.“[3] Điều này có nghĩa là phải khẩn trương nghiêm túc điều tra tiếp để tìm ra nguyên nhân gây ra nạn cá chết hàng loạt, tàn phá và hủy hoại môi trường thiên nhiên và de dọa cuộc sống của hàng triệu ngư dân và những người sinh sống bằng dịch vụ du lịch.
Giữa khi ấy báo chí đưa tin, „Tổng bí thư kiểm tra tiến độ dự án Formosa“.[4] Nhiều người nghĩ rằng, vì vừa được tái cử TBT nên Nguyễn Phú Trọng đã nhạy cảm trước nỗi lo sợ và sự bất bình của nhân dân về thăm Hà tĩnh và khu công nghiệp gang thép Formosa để thúc đẩy cuộc điều tra về vụ cá chết hàng loạt. Nhưng thật là thất vọng và sai lầm lớn, ngày 22. 4 Nguyễn Phú Trọng cầm đầu phái đoàn cao cấp của đảng và chính phủ gồm Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế TU; Nguyễn Văn Nên, BTTUĐ, Chánh Văn phòng TU và lãnh đạo nhiều Ban, Bộ, ngành TU về thăm Hà tĩnh. Ông giành toàn thời gian tới thăm khu công nghiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn dương Formosa Hà tĩnh. Dự án này rất khổng lồ với mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 10,5 tỉ USD.[5] Ban giám đốc của FHS đã hoan hỉ báo cáo cho Nguyễn Phú Trọng biết, nhà máy sản xuất thép, nhiệt điện, cầu cảng đã bắt đầu hoạt động!
Ban giám đốc FHS còn hãnh diện báo cáo với ông Trọng, từ tháng 12. 2015 FHS đã cho ra lò sản phẩm thép cuộn cán nóng đầu tiên và đến nay đã có hơn 7.000 tấn thép cuộn được xuất ra thị trường trong và ngoài nước. „Dự kiến, tháng 6. 2016 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động lò cao số 1. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy luyện gang thép lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện nay.“[6] Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp rất chăm chú và ngưỡng mộ thành quả kinh doanh của FHS. Trong dịp này tuyệt đối từ Nguyễn Phú Trọng tới các nhân vật cao cấp trong phái đoàn không ai đả động một câu hỏi nào với Ban giám đốc Formosa đến thảm khốc cá chết hoàng loạt đang bùng nổ từ đầu tháng 4 khởi đầu từ cảng Sơn dương thuộc khu công nghiệp Vũng Áng của FHS khiến cho nhân dân cả nước đang lo lắng và bất bình „Cá chết trắng biển miền Trung“ ![7] Ông Trọng và phái đoàn cũng không đến thăm các nạn nhân! Tại sao người cầm đầu chế độ CS vẫn vỗ ngực là bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng lại chẳng thèm ngó tới thảm trạng của ngư dân, trong khi ấy lại khen ngợi và vuốt ve tỉ phú Dollar nước ngoài? Chả lẽ người đứng đầu chế độ toàn trị lại không biết thảm trạng môi trường ngay chính nơi ông tới thăm đã diễn ra từ hơn ba tuần?
Chỉ một ngày sau Đinh Thế Huynh, Thường trực BBT và khi đó được coi là kế nghiệp ông Trọng, cũng có mặt tại Quảng trị, không xa Hà tĩnh. Ông đã chỉ họp với lãnh đạo Quảng trị về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng đảng; bàn cả việc tôn tạo, nâng cấp Khu tưởng niệm Lê Duẩn. Ông còn giành thời gian đi thăm Nghĩa trang Trường sơn. Nhưng người đứng thứ hai trong đảng cũng tuyệt nhiên không thèm đả động tới thảm trạng „Cá chết trắng biển miền Trung“ và cũng chẳng thèm tới thăm hỏi dân chài, những nạn nhân ở Quảng trị sinh sống ra làm sao từ khi xẩy ra đại nạn cá chết hàng loạt![8]
Ngày 17.4 giữa lúc tiếng than và nỗi bất bình của nhân dân về „Cá chết trắng biển miền Trung“, tân TT Nguyễn Xuân Phúc đã giành chọn ngày thăm Quảng trị, nhưng cũng không có thì giờ đi thăm các nạn nhân ngư dân đau buồn, chỉ giành toàn thời gian thăm Nghĩa trang Trường sơn, Nhà lưu niệm Lê Duẩn và Thành cổ Quảng trị.[9] Việc cố tình chọn những địa chỉ trên tới thăm viếng đã cho thấy ông Phúc vẫn chỉ muốn khơi dậy hận thù giữa các tầng lớp nhân dân mặc dầu đã sau 41 năm „chiến thắng“, thay vì „hòa giải dân tộc“ như những lời ngon ngọt trước đây. Ông Phúc cũng cố quên lời khuyên chân thành và thực tế của cố TTT Võ Văn Kiệt là, kỉ niệm ngày „giải phóng“„có hàng triệu người vui, nhưng cũng có hàng triệu người buồn“!
Trước nỗi bất bình và lo âu của nhân dân cả nước, vì đâu mà nạn cá chết diễn ra từ cảng Sơn dương của khu kinh tế Vũng áng thuộc Formosa suốt gần ba tuần mà vẫn không tìm ra được nguyên nhân; ngày 25.4 tờ Tuổi trẻ đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại HN, về vụ cá chết hàng loạt bắt đầu từ bờ biển Khu công nghiệp Formosa. Ông Phàm đã trả lời thẳng băng:
„Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc. Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.” Rồi ông đưa ra kết luận rất tỉnh bơ và đầy thách thức, coi việc hàng triệu nhân dân miền Trung đang bị điêu đứng không đáng quan tâm bằng sự tồn tại của Formosa: „Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…”[10]
Tại sao Trưởng văn phòng Formosa tại HN đã có những phát biểu rất phách lối, khiêu khích gây sốc như vậy khi trả lời phóng viên Tuổi trẻ vào sáng 25-4? Có phải chính thái độ rất thờ ơ của TT, vô cảm trước hàng trăm ngàn nạn nhân của tai nạn cá chết hàng loạt; đặc biệt là sự ưu ái tới thăm Ban giám đốc Fomosa ngày 22.4 của Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu chế độ toàn trị, làm họ tin rằng, họ có chỗ chống lưng rất vững chắc, không chỉ ở HN mà còn cả BK nên chẳng ai có thể làm gì Formosa được?
Từ sau trận đánh ngã „Đồng chí X“ ông Trọng đang trở thành người hùng nên ai cũng sợ? Vì thế không thèm nhắc tới đại nạn „Cá chết trắng biển miền Trung“, lại đủng đỉnh tới thăm Ban giám đốc Formosa. Thử hỏi như thế thì bọn quan cấp dưới bố bảo không dám nêu đích danh Formosa ra tố. Chính vì thế, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phạm Khánh Ly cho biết, “đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng áng được, vì đây là khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền”.[11] Như vậy Ban giám đốc Formosa đã coi khu công nghiệp của mình giống như sứ quán của một nước bất khả xâm phạm.[12] Họ cho ai vào, làm gì, làm đến đâu trong các công xưởng của họ là quyền riêng của họ. Các cơ quan điều tra của VN nếu có vào cũng chỉ làm những gì họ cho phép mà thôi! Chính vì thế Formosa đã dám nói công khai, „không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ sự liên can“ của công ty trong vụ việc này, và giới chức VN đã „liên tục vào bên trong công xưởng tiến hành kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, lấy mẫu nước thải“ kể từ 22.4 tới nay, tức là sau chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng!
Chính vì vậy chỉ một ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng thăm Formosa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nói giống như tin trên đây của Ban giám đốc Formosa. Ông cho biết về kết quả kiểm tra bước đầu, nguyên nhân do môi trường nước, qua phân tích mẫu những chỉ số thì không có gì bất thường trừ một số mẫu ở Huế mang tính cục bộ.[13] Tuyên bố này hoàn toàn ngược lại với nhận định của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Hà tĩnh vào đầu tháng 4 cho biết, „hiện tượng cá nuôi ven biển và cá tự nhiên chết bất thường xuất hiện từ ngày 6.4 tại vùng ven biển xã Kỳ lợi và tại xã Kỳ hà, Kỳ ninh (thị xá Kỳ anh) vào ngày 7.4.“ Và cũng trái với sự xác nhận của Phó phòng Kinh tế và đô thị (Kỳ anh) Nguyễn Thị Thủy „địa bàn xã Kỳ Lợi xuất hiện cá chết đầu tiên nằm cách cảng Sơn Dương của khu kinh tế Vũng Áng khoảng 4 - 5 km, còn các xã Kỳ ninh, Kỳ hà cách Vũng áng khoảng 20 km về phía bắc thì tôm, cá chết sau đó một ngày“ -như nói ở trên!
Lí do quan trọng khác khiến đại diện Formosa tại HN dám phát biểu khiêu khích „gây sốc“ ngày 25.4 là có lẽ họ tin rằng, có cả BK đứng đằng sau. Formosa Hà tĩnh tuy là công ti Đài loan, nhưng trong những năm gần đây tuyển chọn công nhân nước ngoài phần rất lớn là từ TQ. Ngoài ra vốn đầu tư của Formosa mẹ từ Đài loan đang giảm mạnh và nhường cho một số công ti từ TQ. Khi giàn khoan HD 981 xâm nhập trái phép thềm lục địa VN vào giữa 2014 đã xẩy ra va chạm lớn khiến hàng ngàn công nhân TQ đã phải bỏ về nước, nhưng sau đó Nguyễn Phú Trọng đã phải xin lỗi Tập Cận Bình và số công nhân này lại trở lại Formosa làm việc (xem Chương bẩy, IV). Về mặt an ninh quốc phòng, khu vực Vũng áng Hà tĩnh nằm đối diện không xa đảo Hải nam của TQ. Trong kế hoạch bành trướng công khai ngang ngược của BK trên biển Đông thì khu công nghiệp Vũng áng Formosa có thể trở thành tay trong cực kì quan trọng khi tình thế cho phép BK ra tay!
Sau phát ngôn gây chấn động, Chu Xuân Phàm đã bị Formosa sa thải để làm dịu dư luận. Nhưng nội dung lời phát biểu của cựu đại diện Formosa đã tự để lộ những hoạt động của công ti này không thèm đếm xỉa gì tới luật pháp VN, vì tin rằng đã có chân trong ủng hộ đang giữ những chức cao nhất. Dùng sức mạnh tiền bạc nhiều tỉ USD trong vài năm vừa qua Formosa có thái độ phách lối và cách hoạt động như kiểu quốc gia trong một quốc gia: „Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây“, „có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ“, „muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi!“ Rõ ràng với tuyên bố trên Formosa đã gián tiếp thừa nhận, thời gian qua Formosa đã xả nước thải với những hóa chất có chất độc cực mạnh làm tàn phá môi sinh trên biển.
Theo tờ Tuổi trẻ thì Tổng cục môi trường xác nhận là, „Formosa có vi phạm khi thực hiện việc súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương.“ Ngày 25.4 báo này còn liệt kê 45 loại hóa chất Formosa nhập cảng để súc rửa đường ống. Vẫn theo Tuổi trẻ, „GS,TS Lê Huy Bá (chuyên gia độc học môi trường) cho biết nhận định ban đầu của ông về danh sách các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều chất độc và cực độc. Trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy.“ „Theo quy định, khi súc xả đường ống, Formosa có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào, nhưng Formosa không thông báo, cũng không báo cáo các cơ quan ở địa phương về việc súc rửa đường ống.“[14] Tờ VNNet còn cho biết, „1 thợ lặn Formosa tử vong, 5 người nhập viện“ khi lặn xuống biển nơi đường ống của Formosa dẫn ra.[15] Tập đoàn Formosa xuất thân từ Đài loan với vốn đầu tư nhiều tỉ USD cũng đã từng vi phạm pháp luật ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay ở Đài loan Tập đoàn này cũng đã bị phạt vì gây thiệt hại môi trường. „Chẳng hạn hồi tháng 7.2010, Formosa bị cho là "gây ô nhiễm không khí vùng miền Trung Đài loan" sau một vụ cháy công nghiệp tại nhà máy ở Mai Liao của họ“.[16]
Trong khi nhiều cơ quan chính quyền địa phương ngay trong những ngày đầu đã đưa ra những nhận định khá rõ ràng về nguyên nhân đưa đến đại nạn làm cá chết hàng loạt, nhưng suốt trên ba tuần nhiều bộ trưởng, thứ trưởng không chỉ trốn tránh không thực hiện trách nhiệm điều tra nghiêm túc và minh bạch, lại còn tìm cách bao che cho Formosa, hoặc đưa ra những tin và lập luận rất mâu thuẫn nhau, thậm chí cực kì ngớ ngẩn. Ba tuần sau đến lượt cá biển ở khu Bình trị thiên-Huế bị chết, tờ Công an nhân dân ngày 26.4 đưa tít „Nước biển vùng cá chết được xác định nhiễm kim loại nặng“ : „Chiều 26-4, Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Thừa thiên- Huế đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập an, cửa biển Lăng cô (thị trấn Lăng cô, huyện Phú lộc) vào thời điểm xuất hiện cá chết tràn lan…Riêng các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặn. Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Thừa thiên- Huế, khả năng chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt xuất hiện từ vùng biển phía Bắc của tỉnh.“[17]
Nhưng trong cuộc họp báo tối 27.4 thứ trưởng bộ Thiên nhiên và môi trường Võ Tuấn Nhân đã làm trên 200 nhà báo lề phải vừa thất vọng, vừa rất bất bình về thái độ vô trách nhiệm và lấp liếm. Sau cuộc họp kín nhiều tiếng đồng hồ của đại diện nhiều bộ và cơ quan do bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Trần Hồng Hà chủ trì, khiến các nhà báo phải chờ đợi đến cả nửa ngày. Nhưng cuối cùng Trần Hồng Hà đã đẩy thứ trưởng Tài nguyên&Môi trường Võ Tuấn Nhân mở „Buổi họp báo chỉ diễn ra trong 6 phút“. Trong đó ông khẳng định „Formosa vô can“. [18] Sau khi đưa ra 2 giả thuyết về nguyên nhân làm cá biển chết hàng loạt (hóa chất độc và „hiện tượng thủy triều đỏ“), ông Nhân khẳng định: “Đến nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt. Qua số liệu quan trắc và đánh giá của cả các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định”.[19] Sau đó ông Nhân chuồn mất!
Trong cuộc gặp riêng Võ Tuấn Nhân, tờ Thanh niên đã tường thuật câu hỏi và trả lời của Thứ trưởng này bảo vệ cho Formosa thật là kì lạ:
“ Thưa ông, trong 2 nhóm nguyên nhân thì nhóm thứ nhất nói có thể do độc tố thải ra từ hoạt động của con người, vậy cụ thể độc tố là gì? Có độc tố nào trùng với hơn 40 loại hóa chất mà Formosa được phép nhập khẩu vào VN để súc rửa đường ống không ?
- Chúng tôi chưa phát hiện ra…- Tôi xin khẳng định, về mặt pháp luật, họ vẫn hoạt động đúng theo pháp luật nước ta. Về mặt xả ra môi trường, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, đến nay chưa đủ căn cứ để kết luận.
Ông có thể cho biết kết quả phân tích mẫu nước và mẫu cá của Bộ?
- Cái này nói ra phải có căn cứ giấy tờ cụ thể, rất dài, rất nhiều thông số.“[20]
Trong khi giữ thái độ câm và điếc không thông tin chính xác và nguội lạnh trước những bức xúc của nhân dân cả nước, nhưng Võ Tuấn Nhân lại rất thính tai và năng động trước câu hỏi của một nữ phóng viên về tin không tốt cho chế độ, về nguy cơ ngành du lịch có thể bị tê liệt và yêu cầu bà tắt máy ghi âm. Bà hỏi:
“Thưa ông, trong cái kiểm nghiệm gần đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa thiên – Huế, chỗ có một loạt các bè cá chết, thì họ có nói trong nước kiểm nghiệm ra có kim loại nặng. Vấn đề ở đây là trong thời gian tới, chúng tôi muốn là mình có thể trong một thời gian ngắn, vì mùa du lịch sắp tới rồi, mà cá thì…”
“Nghe tới đây, ông Võ Tuấn Nhân liền khoát tay ra hiệu dừng lại và nói: “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình”.[21]
Không chỉ trên 200 nhà báo lề phải hoàn toàn thất vọng về “cuộc họp báo 6 phút” của thứ trưởng Tài nguyên&Môi trường Võ Tuấn Nhân mà nhiều nhà khoa học cũng đã kịch liệt chỉ trích những lời tuyên bố rất lếu láo của ông. GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nói thẳng: “bộ Tài nguyên-Môi trường là cơ quan chức năng được nhà nước giao nhiệm vụ, nhưng kết luận như vậy là không hợp logic diễn biến của vụ việc.”
Nhưng ngày hôm sau trong cuộc họp nội các giả thuyết “thủy triều đỏ” bị bác bỏ. Có lẽ trước sự bất bình ngày càng mãnh liệt của nhân dân về cuộc “Họp báo 6 phút” tối trước, nên TT Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng để bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường Trần Hồng Hà phải bay ra Hà tĩnh ngày 28.4 thị sát viêc xả thải của Formosa để nhằm xoa dịu dư luận. Tại đây Trần Hồng Hà đã tuyên bố, „pháp luật VN không chấp nhận việc đặt ống ngầm xả thải.” Như thế ông đã phủ nhận lời của người dưới quyền ông là Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ vài ngày trước. Ngoài ra ông Hà còn nhận khuyết điểm để cuộc điều tra chậm chạp…[22]
***
Tại sao mới chỉ vài năm trước Nguyễn Phú Trọng đã trách móc và rao giảng „đạo đức cách mạng“ tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc với sự tham dự của trên 1000 cán bộ cao cấp ngày 27.2.12: “ Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? „ và „ người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh.“, „mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?”[23]
Nhưng chỉ trong vài năm ngồi trong lâu đài quyền lực và hưởng thịt, cá loại ngon, sạch không phải trả tiền, nên lòng Nguyễn Phú Trọng đã nguội lạnh, vô cảm trước ngư dân thất nghiệp chịu cảnh đói rách vì thảm họa cá biển và nhân dân nhiều nơi có thể bị ăn cá và mắm độc. Chẳng những thế ông vẫn đủng đỉnh tới thăm Ban giám đốc tỉ phú Dollar Formosa Hà tĩnh và khen ngợi cách làm ăn của họ, chẳng thèm đoái hoài tới tiếng than ngất trời của dân lành, mặc dầu gần một tháng vẫn không có cơ quan nào của đảng lẫn nhà nước tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt!
Trong một xã hội pháp trị theo Dân chủ đa nguyên thì khi một cá nhân, tổ chức hay xí nghiệp đang bị điều tra, người có trách nhiệm trong nhà nước không được phép có những hành động gây cản trở hoặc can thiệp công cuộc điều tra. Trong vụ cá chết hàng loạt ở duyên hải nhiều tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 và tập đoàn Formosa đang trở thành đối tượng điều tra của các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng người cầm đầu chế độ là TBT Nguyễn Phú Trọng đã cố tình lại thăm và gặp Ban giám đốc Formosa ngày 22.4 và còn khen ngợi thành quả kinh doanh của công ti Đài loan này. Như thế Nguyễn Phú Trọng đã lợi dụng uy quyền riêng để cản trở, làm đình hoãn cuộc điều tra và còn tạo cơ hội để Formosa xóa sạch các tang chứng !
Trong dịp này nhiều tổ chức, nhân sĩ và chuyên viên đã công khai lên tiếng:
“Đây là một tệ nạn chính trị hết sức kinh tởm. Vụ Formosa bộc lộ rõ ràng thói vô cảm và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền CS đối với lợi ích quốc gia, cuộc sống dân lành. Nó cũng cho thấy sự bất lực và chậm chạp của cả một hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một quốc nạn có tầm mức to lớn chưa từng thấy. Sự chậm trễ ấy đã tạo điều kiện cho nghi can kịp xoá hết dấu tích tội lỗi. Nó cũng hé lộ nhiều thế lực bao bọc nghi can, che giấu sự thật, đánh lừa dư luận qua những phát ngôn đầy hàm ý hay cố mập mờ của một số quan chức cấp bộ lẫn tỉnh và nhất là qua hành vi ủy lạo tinh thần hà hơi tiếp sức của người đứng đầu đảng Cộng sản đối với tập đoàn Formosa đầy thành tích bất hảo.”[24]
Những ngày Chủ nhật trong tháng 5 nhân dân các giới -đi đầu là trí thức, thanh niên và đảng viên tiến bộ- đã xuống đường ở HN, Sài gòn và nhiều nơi khác đòi “Trả lại biển xanh cho chúng tôi, chúng tôi chọn tôm cá”. Mọi người đang đồng thanh đòi:
- Nhân dân muốn biết rõ nhanh và công khai thủ phạm đã gây ra thảm trạng cá chết hàng loạt. Phải chấm dứt ngay những nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường!
- Bồi thường thiệt hại cho ngư dân và các cơ sở du lịch!
- Công khai các cơ quan và cá nhân nào đã cố tình làm chậm, làm sai, đánh lạc dư luận và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân!
***
Sau thảm trạng môi trường 4 tỉnh miền Trung ba tháng, nhưng tại HNTU 3 vào đầu tháng 7.2016 trong suốt 5 ngày họp đã không có nói tới chủ đề cực kì nóng bỏng này.Mặc dầu đây là thảm họa môi trường lớn nhất ở VN, gây thiệt hại sức khỏe, tài sản và môi trường sống trực tiếp cho hàng triệu người dân bốn tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị và Thừa thiên-Huế; đồng thời còn tạo những nguy hại lâu dài về nhiều mặt cho nhân dân cả nước. HNTU này diễn ra sau khi Ban giám đốc Formosa công khai xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 30.6. và nhận bồi thường 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.[25] Nhưng ở đây Formosa không chỉ là thủ phạm duy nhất, vì nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước đã cấp giấy phép đầu tư, hoạt động và kiểm soát công ti Formosa cũng đều là thủ phạm. Vì chính các cơ quan này đã lơ là và vô trách nhiệm trong các lãnh vực phụ trách, nên đã để cho Formosa làm ăn như một vua con trong vùng. Trong cuộc họp báo ngày 30.6 các Bộ trưởng đã cố tình tránh né không làm rõ cơ quan và người phải chịu trách nhiệm.[26]
Trong khi ấy các cuộc biểu tình của nhiều giới vào ba cuối tuần từ đầu tháng 5.16 với các khẩu hiệu „Cá cần nước sạch“, „Nước cần minh bạch“ đã bị công an mật vụ chế độ toàn trị ngăn cấm, đàn áp và chụp mũ. Trong cuộc họp báo ngày 30.6 lần đầu tiên các quan chức hiện diện xác nhận, Formosa là thủ phạm gây ra thảm trạng môi trường ở miền Trung; nhưng cùng lúc họ lại vẫn kết án gay gắt những cuộc biểu tình của nhân dân đòi Formosa phải sớm công khai minh bạch về nguyên nhân dẫn tởi thảm trạng môi trường. Dịp này Trương Minh Tuấn, Bộ tưởng 4 T vẫn chụp mũ: „Tôi cũng nói thẳng rằng, có thế lực thù địch đã lợi dụng tình trạng cá chết này để công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân.“[27]
Mãi hơn nửa năm sau thảm trạng môi trường 4 tỉnh miền Trung, ngày 17.10.16 trước các “đại biểu cử tri” tại Ba đình, Hoàn kiếm, tức những đảng viên ngoan ngoãn chỉ biết xu nịnh và bốc thơm, Nguyễn Phú Trọng đã không sợ bị chất vấn nên đã bộc lộ:
“Trước kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá.”[28]
Lời xác nhận trên của người cầm đầu chế độ toàn trị đã nhìn nhận cung cách suy nghĩ, quyết định và hành động công việc nước theo lối ăn xổi ở thì, bóc ngắn cắn dài, xuất phát từ bệnh kiêu ngạo quyền lực, không cần nghe ý kiến của các chuyên viên cũng như nhân dân. Lời xác nhận này có khác nào như người chủ nhà đã xây nhà mà không xây cầu tiêu, không lập hệ thống dẫn nước thải! Xây nhà máy sản xuất thép không tính tới chất thải độc hại! Xây hàng trăm đập thủy điện không tính tới việc đồng ruộng mất nước, nhân dân thiếu nước sinh hoạt, nhưng khi mưa lũ lại trở thành đại họa cho nhân dân! Bất kể tới lời can ngăn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều tướng lãnh và chuyên viên những người cầm đầu chế độ toàn trị đã cho BK xây các nhà máy khai thác Bauxit ở Tây nguyên từ năm 2009 bất kể tới hậu quả môi trường và an ninh quốc phòng! Nay tới Formosa!
Đây là sự thông minh hay chính là sự ngu dốt và thái độ kiêu ngạo quyền lực của Nguyễn Phú Trọng và các đại quan đỏ trong BCT? Chính Phạm Văn Đồng, TT đầu tiên và lâu đời nhất của chế độ toàn trị đã phải nhìn nhận là, sự ngu dốt và thái độ kiêu ngạo quyền lực của những người cầm đầu đã gây ra những hậu quả thảm khốc cho nhân dân trong giai đoạn đó.
Tình trạng này hiện nay còn tệ hại hơn, ngay Nguyễn Phú Trọng đã phải nhìn nhận!Ông Trọng còn nói “bây giờ chúng ta phải trả giá”. Nhưng “chúng ta” ở đây là ai? Có phải Nguyễn Phú Trọng và các đại quan trong BCT và TUĐ đang sống vương giả và ngồi trong những biệt thự an toàn ? Chính thái độ ăn xổi ở thì và bệnh kiêu ngạo quyền lực của họ đã dẫn tới công ti Formosa gây thảm họa môi trường cho bao nhiêu triệu nhân dân bốn tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4. 2016 và đang phải hứng chịu cảnh thất nghiệp, bệnh tật và đói nghèo. Họ chia sẻ sự cơ hàn với nhân dân như thế nào?
Khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra sau mấy tuần hàng triệu nhân dân điêu đứng lo âu, nhưng TT Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực BBT Đinh Thế Huynh khi đi qua những vùng này vẫn ngoảnh mặt làm thinh; còn người cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng lại đủng đỉnh tới thăm hỏi và khen ngợi Ban giám đốc Formosa và chẳng thèm màng tới nạn nhân của Formosa! Còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì trước sau vẫn im thin thít. Trong buổi QH khai mạc Kì họp thứ 2 ngày 20.10.16 Ủy viên BCT, Chủ tịch MTTQ -cánh tay dài của ĐCS- Nguyễn Thiện Nhân cho biết, “đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý Nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm”.[29] Mặc dầu Nguyễn Xuân Phúc vẫn lớn tiếng là “Chính phủ phục vụ”! Rõ ràng là thái độ cao ngạo quyền lực từ cấp lãnh đạo trở xuống!
Nếu tứ trụ Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân thực tình nghiêm túc với chính mình, khi đối chiếu với những tiêu chuẩn cao vòi vọi để chọn lựa cán bộ cao cấp mà chính họ đã đưa ra trong HNTU 11 (5.15) thì chính họ phải thấy hết sức rõ ràng là, họ đã hoàn toàn vô trách nhiệm trước thảm họa môi trường do Formosa gây ra!
„Kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu!“ Lời nhìn nhận trên của TBT Nguyễn Phú Trọng có tầm quan trọng đặc biệt. Nó bạch hóa lối suy nghĩ cực kì thiển cận và phong thái hành động vô trách nhiệm của những người có quyền lực cao nhất trong chế độ toàn trị khi quyết định mời gọi các công ti nước ngoài đầu tư vào VN. Đây là những quyết định ở cấp cao nhất là BCT và BBT và được sự cố vấn của các Ban trong đảng và các Bộ trong CP. Các quyết định liên quan tới chương trình FDI nói chung, đặc biệt các công trình FDI có vốn đầu tư cao mang tầm vóc chiến lược, không chỉ có ý nghĩa thuần kinh tế, mà nó còn liên hệ trực tiếp tới nhiều lãnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng, kĩ thuật, môi trường và sức khỏe của nhân dân.
Nhưng khi để Formosa đầu tư cả chục tỉ USD vào VN, Bộ chính trị đã quyết định theo tiêu chuẩn nào? Nguyễn Phú Trọng đã trả lời : „Kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu.“ Như vậy là các tỉ Dollar đã làm họ chóa mắt, nên đã vội vàng nhắm mắt bỏ qua các yếu tố cực kì quan trọng khác là an ninh-quốc phòng, kĩ thuật, môi trường và sức khỏe của nhân dân. Như vậy khi quyết định mời Formosa vào đầu tư, những người có quyền lực trong BCT đã đặt sự tồn tại của chế độ và cái ghế của chính họ, ích kỉ cá nhân lên hàng đầu. Chỉ mong càng có nhiều Dollar vào càng nhanh càng tốt! Chương trình FDI là một chủ trương rất lớn được đề cao trong các ĐH đảng, nhưng trong thực hành thì BCT đã vô trách nhiệm cùng cực, hoàn toàn không có một kế hoạch đúng đắn và khoa học để tạo những lợi ích thực sự cho đất nước và tránh những hậu quả tai hại cho nhân dân. Chính điều này người cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng đã công khai xác nhận như trên!
Nay trong khi hàng triệu người dân phải hứng chịu hậu quả do thảm họa môi trường, phải trả giá bằng thất nghiệp, bệnh tật mà nguyên do từ những quyết định sai lầm và thái độ cực kì vô trách nhiệm của BCT, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Nhưng khi nhân dân đòi những người có quyền lực đã tiếp tay gây ra thảm họa môi trường phải có những chính sách đền bù thích đáng và biện pháp nghiêm khắc với Formosa, thì bọn quan độc ác này đã không biết ăn năn, không chịu xin lỗi, lại còn cho báo chí và chính quyền địa phương chụp mũ xuyên tạc, cho công an ngăn cản và đe dọa “không bảo đảm an ninh cho người đi khiếu kiện”[30] Chẳng những thế Nguyễn Phú Trọng còn để công an giam giữ và tòa án nhân dân bỏ tù nhiều người đi biểu tình! Họ phục vụ đất nước, bảo vệ quyền lợi nhân dân, hay đã tự chuyển biến xấu chỉ lo phục vụ quyền lợi riêng cho chính mình, nên đã sẵn sàng bảo vệ các nhà đại tư bản nước ngoài? Nếu còn lương tâm có lẽ ông Trọng nên đọc bài thơ của cô giáo Trần Thi Lam ở Hà Tĩnh đã sáng tác vào dịp này: „Đất nước mình ngộ quá phải không anh?“
„Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...“
Chỉ trong 20 câu thơ không chỉ trách móc những người có trách nhiệm với đất nước đã làm cho nhân dân phải đói khổ, nhục nhằn, môi trường bị tàn phá, còn bị khinh rẻ và đàn áp. Bài thơ còn nhắc nhở mỗi cá nhân, trước những nguy vong của đất nước phải can đảm cùng nhau gánh vác trách nhiệm làm thay đổi tình hình. Bài thơ „Đất nước mình ngộ quá phải không anh?“ là lời gọi rất chân thành và thúc giục mọi người, mọi giới hãy can đảm cùng nhau lên đường làm nhiệm vụ của người công dân VN là làm lại lịch sử, đưa dân tộc ta tới quang vinh trong Thế kỉ 21!
*Trích trong sách “Việt Nam “Đổi mới?!” Hay: Treo đầu dê, bán thị chó !” của cùng tác giả sẽ xuất bản.
[1] . Thanh niên (TN) 21.4; BBC 23.4.16
[2] . TN 21.4.16
[3] . Như trên (nh.t)
[4] . VNNet (VNN) 22.4.16
[5] . Chính phủ (CP), VNN 22.4.16
[6] . VNN 22.4.16
[7] . BBC 23.4; VOA 24.4;VNN 22.4, facebook Lang Anh 23.4.16
[8] . VOV 23.4.16
[9] . CP 17.4.16
[10] . Tuổi trẻ (TT) 25.4.16
[11] . VOA 24.4.16
[12] . Dân trí 24.4.16
[13] . VNN 23.4.16
[14] . „Formosa nhập nhiều hóa chất cực độc“, TT 25.4.16
[15] . VNN 25.4.16
[16] . BBC 26.4.16
[17] . Công an nhân dân (CAND) 26.4.16
[18] . CAND 27.4, LĐ 27.4.16
[19] . TN 28.4.16
[20] . TN ,nh.t
[21] . VOA 28.4.16
[22] . Lao động 28.4.16
[23] . Cộng sản (CS) 27.2.12
[24] . Tuyên bố của các tổ chức xã hội dân sự độc lập về thảm họa quốc gia tại các tỉnh miền Trung,
29.4.16
[25] . Video họp báo ngày 30.6: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160630/truyen-hinh-truc-tiep-cong-bo-thu-pham-lam-ca-chet-hang-loat/1127773.html ; VNN 30.6.16
[26] . VNN 30.6.16
[27] . Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng 4 T, Infonet 1.7.16
[28] . LĐ, 17.10.16
[29] . CAND 20.10.16
[30] . Người Việt 18.10.16; Linh mục Anton Đặng Hữu Nam trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần
Quang Thành, DQVN 19.10.16
No comments:
Post a Comment