ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Tin cho hay nhà chức trách quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đang điều tra vụ 38 người Trung Quốc dùng 55 máy tính làm việc chui tại tầng 7 khách sạn Beach Light tọa lạc ở khu biệt lập, thưa thớt cư dân địa phương.
Theo báo điện tử InfoNet, khi kiểm tra giấy tờ của những người này, chỉ có một người nhập cảnh với mục đích kinh doanh, 37 người còn lại vào Việt Nam với thị thực nhập cảnh du lịch.
“Ông Nguyễn Đức Quý, quản lý khách sạn Beach Light cho hay số người Trung Quốc này thuê toàn bộ các phòng của khách sạn để sử dụng. Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng, Cục An Ninh Mạng (Bộ Công An CSVN) tiến hành kiểm tra nhưng những người này tỏ ra không hợp tác trong việc lấy lời khai,” tờ báo cho biết.
Công an quận Ngũ Hành Sơn sau đó tạm giữ hộ chiếu của những vị khách Trung Quốc, lập biên bản vụ việc, niêm phong phòng đặt máy tính và tiếp tục điều tra vụ việc.
Những năm gần đây, Đà Nẵng được ghi nhận là nơi ở Việt Nam mà người Trung Quốc mua đất nhiều nhất, thậm chí còn hình thành cả “phố Trung Quốc” được xây dựng không phép ở thành phố này.
Báo điện tử Dân Trí hôm 22 Tháng Mười Một tường thuật, cử tri thành phố Đà Nẵng yêu cầu làm rõ thông tin về việc nhiều người Trung Quốc mua các lô đất ven biển (sát phi trường Nước Mặn) và nhờ người Việt Nam đứng tên để hợp thức hóa.
Tuy vậy, báo Dân Trí cũng cho biết đại diện Bộ Công An CSVN lên tiếng khẳng định “vẫn đang quản lý chặt chẽ quỹ đất, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” và rằng “Luật Đất Đai và nghị định quy định chi tiết thi hành đã có những quy định cụ thể về việc này.”
Hồi Tháng Tư, 2018, ông Hoàng Hải Vân, người Đà Nẵng và là cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, viết trên trang cá nhân: “Người Đà Nẵng và khách thập phương có thể thấy, tại vị trí của thành An Hải ngày xưa, nhiều khách sạn và khu du lịch của doanh nghiệp Trung Quốc mọc lên chiếm cứ và án ngữ bờ biển. Từ khi cấp đất cho họ thực hiện dự án, không một người Việt Nam nào được bước chân tới. Họ làm gì trong đó, họ có đào hầm thông ra biển để đưa người nhái mang phương tiện chiến tranh vào ém nhẹm nơi đây hay không, không ai biết được. Và không phải ngẫu nhiên mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC (hồi Tháng Mười Một, 2017) đã ở lỳ ba ngày tại một khách sạn của Trung Quốc nằm ngay trong vị trí phòng thủ chiến lược của Việt Nam. Ông ta làm gì ở đó, nghiên cứu chỉ đạo những gì ở đó, chẳng ai biết được, nhưng thật là đáng ngờ.”
“Giao vị trí phòng thủ chiến lược cho các doanh nghiệp của một đối tác mà đối tác này đang uy hiếp biển đảo nước ta, gọi là ‘bán nước’ cũng chỉ là sự nói vống lên một chút mà thôi,” ông Hoàng Hải Vân viết thêm.
Hồi năm 2015, báo VietNamNet từng đưa cảnh báo về hàng chục người dân địa phương đứng tên mua đất ven biển cho người Trung Quốc.
Tờ báo cho hay: “Khu vực Ngũ Hành Sơn hiện có khá đông người Trung Quốc, chủ yếu là lao động tại các công trình ở đây. Khu vực này liền kề phi trường quân sự Nước Mặn. Bà Nguyễn Thị Anh Thi, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân quận Ngũ Hành Sơn thừa nhận, chính quyền đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về thực trạng này. Khu vực được cho là người Trung Quốc đang ‘núp bóng’ thu gom đất vốn có vị trí rất nhạy cảm. Tuy nhiên việc quản lý rất khó khăn bởi giấy tờ mua đất đều do người Việt đứng tên.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment