Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-10-17
Những người bị cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" trong cuộc biểu tình tại Bình Thuận.AFP
Tính đến ngày 17 tháng 10 năm 2018, đã có 66 người tham gia các cuộc biểu tình trong hai ngày 10 và 11 tháng 6 vừa qua tại Việt Nam bị tuyên án tù. Tình trạng vừa nêu sẽ tiếp diễn trong thời gian tới hay không?
Những bản án tù nặng nề
Trường hợp những người liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi trung tuần tháng 6 vừa qua vừa bị tuyên án tù mới nhất là Facebooker Nguyễn Đình Thành. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên anh Thành 7 năm tù giam, với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117, Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 2015.
Kể từ sau các cuộc biểu tình trong hai ngày 10 và 11 tháng 6 nổ ra trên khắp tỉnh, thành ở Việt Nam, hàng chục người dân bị bắt giữ và bị tuyên án tù theo tội danh “gây rối trật tự công cộng” hay “tuyên truyền chống nhà nước”. Và tính đến thời điểm trung tuần tháng 10, số liệu được ghi nhận đã có 66 người tham gia biểu tình bị tòa án tuyên những bản án từ tù treo đến tù giam ở các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Khánh Hòà, Bình Thuận…
Thực tế, tình hình tù nhân lương tâm ở Phan Rí rất là nguy ngập và Chính quyền Phan Rí vẫn tiếp tục bắt. Chỉ có điều họ không làm rầm rộ do sợ dư luận, cho nên vài hôm thì họ lại bắt một người và bắt cả phụ nữ nữa
-Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thúy Hạnh
Giới quan sát tình hình Việt Nam nhận định rằng Chính quyền Hà Nội đang đáp trả một cách hà khắc đối với dân chúng trong nước, là những người tham gia biểu tình mà việc làm đó được ghi trong Hiến pháp. Riêng tại Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận, tình hình được cho là rất nguy ngập vì nơi này đã xảy ra tình trạng bạo động giữa người dân và chính quyền địa phương. Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thúy Hạnh, một trong những người gây quỹ giúp đỡ cho các gia đình có thân nhân bị tuyên án tù do tham gia trong cuộc biểu tình hồi tháng 6, cho RFA biết:
“Thực tế, tình hình tù nhân lương tâm ở Phan Rí rất là nguy ngập và Chính quyền Phan Rí vẫn tiếp tục bắt. Chỉ có điều họ không làm rầm rộ do sợ dư luận, cho nên vài hôm thì họ lại bắt một người và bắt cả phụ nữ nữa.”
Tiếp tục đàn áp?
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho biết thêm Công an tỉnh Bình Thuận còn gián tiếp đe dọa đến gia đình của những người biểu tình đang thụ án tù:
“Hiện nay, công an đi từng nhà dọa bắt cả gia đình hoặc tăng án cho con của họ và công an nói với họ rằng nếu như ai muốn liên hệ cho tiền thì hãy lấy số điện thoại và lấy tên của người cho tiền để báo cho công biết thì con của họ sẽ được giảm án.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam về cuộc biểu tình bạo động xảy ra ở Bình Thuận, như nhận định của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, cho rằng nguyên nhân sâu xa của vụ bạo động là môi trường sống bị ô nhiễm cũng như phương kế sinh nhai của ngư dân Bình Thuận không còn nữa, và những người dân hiền lành miền biển buộc phải phản kháng vì tiếng nói của họ đã không được chính quyền lắng nghe. Ông Nguyễn Cu, thân phụ của anh Nguyễn Văn Thuận ở Phan Rí Cửa nói với RFA rằng con trai của ông là một thanh niên hiền lành, chăm chỉ làm việc để phụ giúp gia đình nuôi hai em nhỏ ăn học và kiếm tiền dành dụm cho cha chữa bệnh. Tuy nhiên, gia đình giờ đây rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” khi anh Nguyễn Văn Thành bị Tòa án Bình Thuận tuyên 3, 5 năm tù giam do tham gia ném đá vào trụ sở chính quyền địa phương. Ba của anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ:
Nhà cầm quyền Cộng sản dùng Luật An ninh mạng để bóp chặt tiếng nói của người dân, đe dọa, khủng bố người dân về tinh thần để làm cho người dân không dám bày tỏ quan điểm trên mạng nữa. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, từ ngày 1/1/19 trở đi thì chắc chắn tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam gia tăng rất nhiều
-Luật sư Nguyễn Văn Đài
“Hôm ra tòa, nó nói mướn luật sư nhưng mình nghèo khổ quá nên làm gì có tiền mà mướn. Ngày 20 tháng 10 tới đây được thăm gặp con, thì bây giờ cũng mượn tiền góp, tiền này tiền nọ của người ta để đi thăm con, cũng lo cho nó thăm gửi tiền ăn hàng tháng. Tôi mượn tiền góp, bây giờ đẻ ra tiền lời, tiền lãi đây này.”
Sau các cuộc biểu tình hồi trung tuần tháng 6 năm 2018, được đánh giá là đông đảo nhất tại Việt Nam, kể từ sau ngày 30/04/1975, trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường trong dịp Lễ Quốc Khánh 02/09. Thế nhưng các cuộc biểu tình đã không diễn ra, bị cho là do Chính quyền Việt Nam đang ra sức đàn áp mạnh tay cùng với Luật An ninh mạng để hạn chế nhân quyền của người dân.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài khẳng định với RFA rằng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam sẽ tồi tệ hơn khi Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019:
“Ngày nay để thay đổi một xã hội thì không nhất thiết người dân cần phải xuống đường biểu tình, mà họ chỉ cần tập trung lại bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội về một vấn đề nào đó với số đông thì đã tạo ra một sự thay đổi rất lớn rồi. Cho nên, nhà cầm quyền Cộng sản nhận thức được điều đó rất rõ ràng và họ buộc phải dùng Luật An ninh mạng để bóp chặt tiếng nói của người dân, đe dọa, khủng bố người dân về tinh thần để làm cho người dân không dám bày tỏ quan điểm trên mạng nữa. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, từ ngày 1/1/19 trở đi thì chắc chắn tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam gia tăng rất nhiều.”
Trong thông cáo báo chí vừa phổ biến vào ngày 17 tháng 10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền- Human Rights Watch nhấn mạnh không ai có thể quên Việt Nam là một trong những nước mạnh tay đàn áp nhất ở khu vực Đông Nam Á, với hơn 100 tù chính trị đang phải ở tù chỉ vì dám nói lên quan điểm của họ, hay thành lập những tổ chức không thuộc phạm vi kiểm soát của chính quyền, hoặc tiến hành biểu tình ôn hòa.
No comments:
Post a Comment