S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Than ôi, kể cả ý nguyện của Nhân dân cũng do "đảng định." - Hoàng Xuân Phú
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chưa tới hai tuần lễ, hai đồng chí lãnh đạo tối cao của quốc gia (Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang và Thủ Tướng Đỗ Mười) đã lần lượt từ trần. Đây là sự mất mát rất lớn lao, vô cùng đáng buồn, và đáng tiếc.
Đáng buồn và đáng tiếc hơn nữa là thái độ vui sướng và hớn hở (không đúng lúc) của toàn dân, trong lúc quốc tang. Sự hả hê (và hể hả) lan toả khắp nước sau cái chết của nhị vị lương đống quốc gia là điều hoàn toàn sai trái, đi ngược với chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà Nước, cần phải chấn chỉnh ngay. Tuy thế, lực lượng dư luận viên, tiếc thay, đã không có một “động thái” nào (đáng kể) trong việc định hướng dư luận cả.
Trên Mặt Trận Truyền Thông chỉ thấy đôi/ba bài báo mang tính chất “chữa cháy” thôi:
Cả hai, tiếc thay, đều chỉ mang lại tác dụng ngược (backfire) thôi. Chuyện “bắt đom đóm” và “cơm muối vừng” cứ như là đổ thêm dầu vào lửa, khiến xác của Trần Đại Quang và Đỗ Mười cháy thành than luôn – dù nhị vị đều đã được chuẩn bị chu đáo (vài mẫu) đất đai cho việc mai táng, chứ không phải là hoả táng.
Đúng là “ghẹo cho chúng chửi!” Thiệt là vụng dại hết biết luôn. Điểm lại, trong thời gian qua (có lẽ) việc làm duy nhất đáng được biểu dương của Binh Đoàn 47 là đã “phát hiện” ra được sự “lươn lẹo, thủ đoạn, đánh lận” và “gian trá” của Tạp Chí Luật Khoa – trên báo Công An Nhân Dân – số phát hành hôm 30 tháng 7 năm 2018:
“Có thể nói, Luật An ninh mạng đã được ‘thai nghén’ hàng chục năm mới ra được một dự luật để trình Quốc hội và được nhiều cơ quan thẩm định trước khi đại biểu thảo luận. Bản thân dự luật đã được công khai trên báo chí, phương tiện truyền thông cả năm và tạo điều kiện cho giới chuyên gia, người dân quan tâm đóng góp ý kiến xây dựng, phản biện...
Nay, ‘Luật Khoa tạp chí’ bấu víu vào sự phản đối của 2 tổ chức nước ngoài luôn có lập trường thù địch, chống Nhà nước Việt Nam và tiếm danh ‘hơn 50 triệu người dùng Việt Nam’ hòng gây áp lực là đủ để thấy sự lươn lẹo cũng như thủ đoạn đánh lận, gian trá.”
Vài tuần sau, vào ngày 24 tháng 9 năm 2018, Quyền Bộ Trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng “tố” tiếp: “Nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Do đó, về mặt quản lý nhà nước, đã hoàn thiện khung pháp lý, cũng như làm việc với các công ty cung ứng dịch vụ để làm sao những người tham gia mạng xã hội phải chính danh.”
Những dòng chữ kết án đanh thép (thượng dẫn) về việc Tạp Chí Luật Khoa đã “tiếm danh của hơn 50 triệu người Việt Nam” để phản đối Dự Luật An Ninh Mạng, và lời than phiền của ông Nguyễn Mạnh Hùng – không dưng – khiến tôi chợt nhớ đến mẫu thân.
Mẹ tôi ra đời vào đầu thập niên hai mươi, vào thế kỷ trước. Ở thời điểm này, phụ nữ Việt Nam được cắp sách đến trường e không nhiều lắm. Nhờ may mắn sao đó nên bà cũng biết đọc và biết viết nhưng tôi chưa thấy mẹ mình cầm bút hay cầm sách lần nào, ngoài những cuốn kinh đã long gáy (viết bằng tiêng Phạn) mà bà vẫn tụng nhiệm hằng đêm – dù hoàn toàn không hiểu nghĩa, và chắc cũng chả cần hiểu làm chi.
Bà không viết, không đọc, và cũng không bao giờ nói năng hay bình luận về bất cứ chuyện chi ngoài xã hội. Chỉ có một lần, duy nhất, tôi vẫn nhớ hoài, khi loa đài vừa oang oang bắt đầu chương trình phát thanh buổi sáng: “Đây là tiếng nói của nhân dân tỉnh Lâm Đồng...” thì (bỗng dưng) bà nổi nóng: “Chúng nó đặt điều, bịa hết chuyện này tới chuyện nọ, ra rả từ sáng tới tối, từ năm này sang năm khác, chứ tao có dám mở miệng nói cái gì bao giờ đâu...”
Mẹ tôi qua đời đã lâu nhưng “tiếng nói của nhân dân” thì vẫn tiếp tục “ra rả” chưa bao giờ ngừng cả. Chỉ có điều khác là, ngày nay, con cháu của bà không còn mấy đứa chịu “giữ mồm/giữ miệng” như trước nữa. Họ “dám nói” và lên tiếng đều đều. Xin hãy nghe qua năm ba tiếng nói thân thuộc và gần gụi nhất, trong những ngày qua – theo thứ tự alphabetique:
“Theo thống kê của Economist Intelligence Unit năm 2017, Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Cộng là ba chế độ có chỉ số chính danh thể hiện qua bầu cử là 0.00, tức đảng CSVN hoàn toàn không có chính danh để lãnh đạo Việt Nam. Việt Nam đứng tận cùng bảng số, thấp hơn cả Lào 0.83 và Cuba 1.33. (The Democracy Index compiled by the UK-based company the Economist Intelligence Unit).
...
Ngoài những kẻ tận cùng ngu dốt vì bị tẩy não hay bán rẻ lương tri để làm bồi bút cho đảng, không một người dân có kiến thức chính trị tối thiểu nào có thể đồng ý rằng giới cầm quyền CS hiện nay có đủ chính danh để lãnh đạo Việt Nam.”
- Đỗ Ngà:
“Nguyễn Phú Trọng đi thăm Cuba mang tặng 5000 tấn gạo trong lúc bà con bị lũ lụt, miền núi dân thiếu gạo ăn chẳng thấy nhà nước cứu trợ. Thế nhưng báo chí bảo rằng 5000 tấn gạo đó là nhân dân Việt Nam tặng nhân dân Cuba. Sức lao động của nhân dân bị ĐCS đem đi vứt, nhưng vẫn nhét chữ vào mồm nhân dân rằng, chính nhân dân mang tặng nó cho Cuba.
Xét rộng hơn, trong lĩnh vực chính trị, thì việc ĐCS dẫn dắt nhân dân đi theo thứ XHCN ảo tưởng là sự cưỡng ép. Kết quả, Việt Nam lụn bại toàn diện: giáo dục lụn bại, đạo đức xã hội lụn bại, kinh tế lụn bại vv.. Thế nhưng Đảng thì vẫn oang oang rằng “đó là con đường mà nhân dân đã chọn lựa”.
Thói kiêu ngạo CS tưởng đó chỉ là một thói quen của họ, nhưng không phải. Đó là cả một chiến lược. Bước 1, tước bỏ quyền tự do nhân dân. Bước 2, cắt lưỡi nhân dân. Và bước cuối cùng là nhét chữ vào mồm nhân dân để thực hiện dã tâm.”
“Mấy chục năm nay, luôn khẳng định rằng tiến lên chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng của nhân dân, và việc duy trì Điều 4 trong Hiến pháp cũng là sự lựa chọn của nhân dân. Nhưng căn cứ vào đâu mà nói liều như vậy? Đã bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý để toàn thể nhân dân bày tỏ nguyện vọng và nêu ra lựa chọn của mình đâu?”
“Vì cai trị bằng gian dối và bạo lực, đảng CSVN chưa bao giờ cần hoặc có chính danh để cai trị đất nước... Ở Việt Nam, không những không có bầu cử tự do, người ta cũng không hề tổ chức bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý, hay thậm chí, bất cứ một cuộc điều tra dư luận nào cả. Trong hoàn cảnh như thế, nói đến sự ủng hộ của nhân dân chỉ là một sự dối trá.”
- Pham Xen:
“Một chính phủ chính danh phải do nhân dân bầu lên qua một cuộc bầu cử trung thực với sự lựa chọn, được nhân dân trao quyền thông qua hiến pháp và pháp luật.
Một chính phủ không do dân bầu lên là chính phủ mạo danh, tiếm danh.
Một chính phủ không thượng tôn pháp luật là chính phủ giả danh, bất xứng.”
Chuyện chính danh hay tiếm danh ở đất nước tôi, có lẽ, chỉ cần nói thêm một chữ cũng thừa. Biết thế nhưng vì nhân ngày giỗ mẹ, tôi xin phép góp thêm đôi lời để cho mẫu thân được đỡ tủi lòng – nơi chín suối.
No comments:
Post a Comment