THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Một tuyến đường đi bộ được lót sàn gỗ lim dài hàng trăm mét, lấn sông Hương, có giá 64 tỷ đồng (hơn $2.7 triệu) vừa hoàn thành sau hơn tám tháng thi công, nhưng gây nhiều tranh luận.
Hôm 16 Tháng Mười, 2018, báo VNExpress cho hay, sau tám tháng thi công, tuyến đường đi bộ lót sàn bằng gỗ lim, mỗi tấm gỗ dày 5 cm có giá gần 5 tỷ đồng (hơn $214,233) “nhập cảng từ Nam Phi,” có chiều dài hơn 380 mét, rộng 4 mét, có lan can làm bằng đồng được xây dựng ở bờ Nam sông Hương với diện tích mặt sàn trên 2,440 mét vuông đã hoàn thành.
Ông Văn Viết Thành, giám đốc Công Ty Xây Dựng Thủy Lợi Thừa Thiên-Huế, cho biết với tổng kinh phí 64 tỷ đồng, đây là công trình thí điểm nằm trong dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, kinh phí $6 triệu do cơ quan Hợp Tác Quốc Tế Nam Hàn (KOICA) tài trợ “hy vọng tuyến đường đi bộ lót sàn gỗ lim sẽ kết nối với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng) tạo điểm nhấn cho bờ Nam sông Hương.”
“Đơn vị cùng với tổ chức KOICA đã nghiệm thu kỹ thuật, đang chạy thử điện chiếu sáng để chốt phương án chiếu sáng nghệ thuật. Dự kiến, cuối Tháng Mười tới, KOICA sẽ bàn giao tuyến đường đi bộ cho tỉnh Thừa Thiên-Huế quản lý,” ông Thành nói.
Chính quyền thành phố Huế dự kiến sẽ khánh thành đường đi bộ triệu đô trên sông Hương này cùng lúc với tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương đang thi công trước lễ Noel để “tạo điểm nhấn cho du lịch xứ Huế.”
Thế nhưng, tuyến đường đi bộ chưa đưa vào sử dụng nhiều người dân đã phản đối, chỉ ra những yếu điểm.
Bày tỏ trên báo VNExpress, bạn đọc tên Thy cho rằng: “Đẹp thì rất đẹp thật. Nhưng giữa lúc nạn phá rừng, đất trống đồi núi trọc ở ta (Việt Nam) đang nhức nhối thì có nên làm bằng một loại gỗ quý hiếm như vậy không? Vẫn biết đây là gỗ nhập từ nước khác chứ không phải ở ta, nhưng hình ảnh này mình thấy như là cổ vũ người ta chặt phá thêm.”
Còn bạn đọc Vỹ Lê cho rằng, con đường này làm mất vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương: “Tôi chưa xem quy hoạch tổng thể hai bên bờ sông Hương như thế nào, nhưng theo ý cá nhân, tôi không đồng ý với ý tưởng xây lấn lòng sông để làm một lối đi bộ. Nếu ai ngồi bên bờ sông Hương rồi sẽ thấy, nó không giống như bất kỳ những con sông nào chảy qua các thành phố lớn khác, nó còn rất hoang sơ, tự nhiên, tại sao không cố gắng giữ vẻ đẹp tự nhiên đó?”
Lo phải lãng phí kinh phí ngân sách cho việc bảo trì đã thấy trước, bạn đọc Hoàng Mạnh Phú bày tỏ: “Sao lại làm đường đi bộ ngay mặt nước bằng gỗ nhỉ? Cho dù gỗ lim không bị mục (đoán thế) thì tiền bảo trì hàng năm để giữ được ‘bộ mặt’ con đường này cũng không rẻ.”
Tương tự, bạn đọc Phong Nguyễn cho rằng: “Đẹp độc nhưng không thực tế. Vật liệu bằng gỗ không có mái che, với kiểu thời tiết như Việt Nam mà lại là bên bờ sông nữa, dự là hai năm sau sẽ xuống cấp và gây nguy hiểm cho người đi trên đó.”
Để công tâm, báo VNExpress đã cho lấy ý kiến dư luận. Tính đến 5 giờ 30 chiều 16 Tháng Mười, có đến 75% ý kiến đồng tình “Đường đi bộ lót gỗ lim 64 tỷ đồng làm mất vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương.”
Trước đó, hôm 26 Tháng Tám, truyền thông Việt Nam đã đồng loạt loan tin, phần đường đi bộ lót gỗ lim ven sông Hương đã xuất hiện những vết nứt dọc những thanh gỗ dày 5 cm. Hai đầu những thanh gỗ cũng xuất hiện những vết nứt với khoảng hở hơn 1 cm. Tuy nhiên, nhà thầu thi công cho rằng “vấn đề này không ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.”
“Kết cấu của những thanh gỗ bị xoắn do đó khi gặp nhiệt độ cao ngoài trời đã xuất hiện những vết trắng 0.1 mm. Đây là vấn đề khó tránh khỏi của gỗ tự nhiên để ngoài trời, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ nhưng vẫn làm giảm tính thẩm mỹ của công trình,” ông Thành giải thích nguyên nhân với báo Zing. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment