Theo VOA-Mặc Lâm/17/10/2018
Cuộc biểu tình chống cả hai dự luật, An Ninh Mạng và Đặc Khu Kinh Tế, tại Việt Nam.
Ngày 3/10/2018, Chính phủ ban hành dự thảo "Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng" mà Quốc hội đã thông qua. Dự thảo này không có gì mới so với Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.
Người được cho là tâm đắc với luật này nhất là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từng là Bộ trưởng Công an trước khi làm Chủ tịch nước, ông Quang bị ám ảnh bởi tự do thông tin trên mạng xã hội đã làm cho dân chúng trở thành sành sõi, cứng đầu hơn so với trước đây khi hệ thống internet và nhất là mạng xã hội chưa đạt tới mức sấm sét như hiện nay.
Trong tinh thần ấy, Luật An ninh mạng (ANM) được sao chép nhằm mục đích bảo vệ chế độ trước sự tấn công của cư dân mạng. Những blogger, những trang web bất đồng chính kiến và nhất là những Facebooker đang tập trung soi từng hành vi, động thái dù nhỏ nhất của chính phủ cùng các quan chức lãnh đạo để đưa ra những bình phẩm, cười cợt lẫn lên án, gọi tên từng người mà không có vùng cấm. Cơn sóng thần phê phán lúc cao lúc thấp của mạng xã hội làm cho cả hệ thống run sợ, ít nhất là ngại ngùng không còn dám công khai phạm tội như trước.
Bên cạnh sự lo ngại phê phán gay gắt dễ dẫn tới căm phẫn và bạo loạn, Luật ANM còn có mục đích ngăn chặn những cuộc biểu tình lớn như vào ngày 10 tháng Sáu khi người dân dùng mạng xã hội thông tin cho nhau một cách bí mật (inbox) và cùng lúc tại nhiều địa phương trước khi cuộc biểu tình bùng nổ.
Luật ANM sẽ chấm dứt những câu chuyện oan trái, tham nhũng tàn bạo như Thủ Thiêm xuất hiện trên mạng xã hội. Nó cũng chấm dứt công khai tên tuổi của những kẻ nhúng tay vào tội ác, kể cả tội ác ăn cắp công quỹ và đất đai của dân. Nó chấm dứt tiếng kêu oan trái của những người bị hiếp đáp thậm chí bị giết hại trên mạng xã hội. Nó chấm dứt cùng lúc những hình ảnh không được đẹp đẽ không những của chính phủ Việt Nam mà cả của Trung Quốc khi bạn viết những gì lên án hành vi xâm lược của nước này cũng bị gọi là tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam vì đã "chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc... và nhân dân các nước"
Điều 54 của dự thảo Nghị định này quy định: các công ty cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng, và phải nộp bất cứ khi nào Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) yêu cầu, để bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Đối với dữ liệu cá nhân, ngoài tên tuổi, năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khoẻ, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, sở thích, sở trường, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, niềm tin triết lý, vị trí trong xã hội, sinh trắc học, mối quan hệ của cá nhân trên mạng: bạn bè, trang, tài khoản, từ khóa, tương tác.
Chỉ cần lướt trên vài quy định như thế, người ta sẽ không thấy bất cứ một cánh cửa sổ nào có thể mở ra bầu trời thế giới từ không gian mạng Việt Nam, ngay cả những người lên mạng với mục đích vui chơi giải trí hay mua hàng trực tuyến từ trang Facebook, Google hay Amazon
Nhưng các công ty nước ngoài có làm ăn tại Việt Nam cũng không thoát được Luật ANM.
Buộc Google, Facebook hay Amazon đặt máy chủ tại Việt Nam là cách thức Hà Nội muốn tẩy chay họ thay vì cộng tác. Với trói buộc cung cấp dữ liệu cá nhân của khách hàng cho Cục ANM khi bị yêu cầu, những công ty này sẽ vi phạm pháp luật, không phải tại Việt Nam mà từ quốc gia của họ.
Từ năm 1986, Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử (Electronic Communications Privacy Act, ECPA) của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gọi tắt là VCCI cho rằng khi buộc các công ty ngoại quốc đặt máy chủ tại Việt Nam, Luật ANM sẽ trực tiếp phá bỏ lời cam kết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp ký sẽ là một trở ngại to lớn, hơn cả vấn đề nhân quyền mà Việt Nam vừa hứa hẹn.
Các doanh nghiệp làm ăn với Việt Nam cũng vậy, họ không được phép tiết lộ an toàn dữ liệu cá nhân của nhân viên, kể cả người Việt, cho chính phủ Việt Nam. Họ không thể tùy tiện làm theo yêu cầu của Cục ANM vì sẽ bị chế tài bởi luật pháp nước họ. Cách hay nhất là họ sẽ rút lui khỏi Việt Nam từng phần hay toàn bộ công ty để chờ một cơ hội nào đó khiến cho Luật ANM bị đào thải.
Có lẽ quy định cung cấp dữ liệu cá nhân khi bị yêu cầu làm cho người dân phẫn nộ hơn hết. Khi biết mình bị các công ty mang những thông tin có tính chất riêng tư cung cấp cho nhà nước thì bất cứ ai cũng không khỏi lo lắng và bất mãn. Số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, hoạt động tài chánh, ngay cả sở thích, quan điểm chính trị hay thói quen khi bày tỏ chính kiến….những riêng tư hơn nữa như chat, tin nhắn, e-mail, hình ảnh, phone book…bất cứ thứ gì liên quan đều bị phanh phui và chia sẻ. Xã hội không còn một chút riêng tư thử hỏi xã hội đó có còn đáng sống?
Vì vậy bất cứ ai cũng sẽ là nạn nhân của Luật ANM chứ không hẳn là những người thích phản biện. Doanh nghiệp nổi tiếng ư? Bạn chưa từng “tránh” thuế ư? Bạn chưa từng bôi trơn cho ai đó để một dự án được trúng thầu? Bạn chưa từng vui vẻ sau khi trót lọt và tự thưởng cho mình một “chân dài” trong chuyến du lịch cuối tuần. Nếu trước đây những vụ này sẽ bị im đi vì thiếu tang chứng nhưng sau khi Luật ANM thông qua bạn sẽ ân hận vì mình có quá nhiều tiền trong nhà băng và quá nhiều thư từ, hình ảnh các em trong điện thoại.
Theo đó, quan to cũng coi chừng vị trí mà mình đang đứng, có thích hợp với người đốt lò hay không vì kể từ nay, ông ấy sẽ biết quý vị đến từng chân tóc.
Các công ty như Facebook hay Google có lẽ sẽ chọn con đường rút lui và Việt Nam cũng biết như thế. Nhưng Quốc hội, Chính phủ không sợ vì nghĩ rằng không có Mỹ thì Trung Quốc sẵn sàng thế chân từ những trang mạng như Baidu, Alibaba, Weibo, WeChat. Điều duy nhất mà cả Quốc hội, lẫn Chính phủ sợ là mất Đảng, vì vậy bất kể mang các công ty Trung Quốc vào Việt Nam không khác mang cọp vào nhà, chính phủ vẫn chấp nhận sự nguy hiểm do Luật ANM mang tới.
Nhưng họ quên, sự nguy hiểm lớn nhất mà Luật ANM sẽ mang tới là sức phản kháng của người dân đối với Luật này. Cái tên của nó đã bị người dân thay đổi thành Luật Animal, Luật súc vật…mà dân thì không phải súc vật, vì vậy xin đừng máng vào mồm của họ hai sợi giây cương như máng vào những chú bò ốm đói.
No comments:
Post a Comment