Theo VOA-Nguyễn Hùng/14/09/2018
Các blogger ở Hà Nội mặc áo có in hình chân dung Trần Huỳnh Duy Thức. Facebook Lê Hoàng
Chuyện người tù Trần Huỳnh Duy Thức, cựu giám đốc một công ty điện thoại internet từng có hoạt động ở cả Hoa Kỳ và Singapore, tuyệt thực nhiều ngày cuối cùng cũng thu hút sự chú ý của truyền thông hải ngoại và một số nhỏ trên mạng xã hội. Điều này cũng không có gì lạ. Anh Thức ở trong nhà tù nhỏ không chính thức. Số còn lại ở trong nhà tù to phi chính thức. Điều oái oăm là dù ở tù nhưng anh Thức “tự do” và đối với anh “điều đáng sợ duy nhất là nỗi sợ”. Số ở ngoài nhiều người đi đâu cũng sợ, làm gì cũng sợ, nói gì cũng sợ. Nếu vậy liệu họ có phải là con người tự do?
Có lẽ nên đặt lại câu hỏi vì sao anh Thức ở trong cái lồng nhỏ kia tám năm qua? Thì nó cũng hao hao giống như chiến dịch diệt chim sẻ mà Mao Trạch Đông phát động 60 năm về trước vốn đã khiến hàng chục triệu người chết đói vì mất mùa. Mao nghĩ chim sẻ làm hại mùa màng trong khi loài chim này góp phần bảo vệ lúa vì chúng ăn châu chấu. Việt Nam ngày nay thấy ai có nguy cơ làm tổn hại quyền lực của mình thì cũng trống chiêng ầm ĩ và thét to “phản động”, “diễn biến hoà bình”, “chống lại nhà nước” hay thậm chí “lật đổ” như họ cáo buộc anh Thức. Mà cả bốn cái này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và đúng như Mác đã tiên đoán. Trước đây Đảng Cộng sản cũng phạm đủ bốn “tội” đó mới cầm quyền được như hiện nay. Và giờ họ cũng đang có những hành vi lật đổ Hiến pháp, chống lại nhân dân và có nhiều hành vi phản động nhìn từ góc độ tiến hoá và văn minh nhân loại. Những người như anh Thức chỉ ra những gì mà họ cần làm để có thể tiếp tục cầm quyền. Nhưng đương nhiên họ có nguy cơ bị loại bỏ nếu cứ đi theo còn đường chống lại nhân dân. Cái lò của ông tổng bí thư xét theo nghĩa nào đó cũng vô cùng phản động và lật đổ cả uỷ viên Bộ Chính trị còn gì. Hay giờ nhà nước cũng độc quyền luôn món “phản động”?
Cũng phải nói thêm lật đổ chính quyền một cách hoà bình là điều thường tình vẫn xảy ra vài năm một lần ở các nước dân chủ tương đối (không có nền dân chủ nào hoàn hảo cả đâu). Donald Trump chẳng đã có cuộc lật đổ ngoạn mục cách đây chưa lâu đó sao. Ở Anh Thủ tướng David Cameron còn tự lật đổ bản thân khi từ chức năm 2016 vì ông muốn Anh ở lại EU còn người dân lại muốn ly dị. Ở những nước mà quan chức không lấy keo con voi dính mông vào ghế thì chuyện rời chính trường là chuyện bình thường “như cân đường hộp sữa”. Hay như tôi đã dẫn trong một bài trước rằngngười dân Hoa Kỳ coi chuyện thay chính quyền như thay tã lót, đâu có gì to tát.
Con đường Việt Nam
Nhưng anh Thức thực ra có nhiều điểm chung với những gì mà các nhà lãnh đạo Việt Nam hay nói, đương nhiên không phải những gì họ làm. Anh muốn kinh tế thị trường nhưng cũng muốn cả sự điều tiết Xã hội Chủ nghĩa để khắc phục những khuyết tật của thị trường.
Đây là những gì anh mong muốn: “Việt Nam sẽ là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trở thành nước dân chủ và thịnh vượng trên thế giới là mục đích mà Con đường Việt Nam hướng đến.”
Vậy Con đường Việt Nam của anh là gì? Anh có giải thích trong lời giới thiệu cho cuốn sách cùng tên hồi năm 2009: “Con Đường Việt Nam sẽ phân tích cho thấy tăng trưởng kinh tế mà không đi kèm với gia tăng năng suất lao động thì chỉ là sự vay mượn của quá khứ (như khai thác tài nguyên) và tương lai (như vay vốn đầu tư, phá hủy môi trường).
“Đây là nguyên nhân gốc của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Việt Nam [bài viết từ năm 2009] và được dự đoán sẽ dẫn đến một sự khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế, xã hội lẫn chính trị trong những năm 2010, 2011, đặt đất nước vào rất nhiều nguy cơ. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ ở Liên xô vì đã giáo điều xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách phân phối công bằng tư liệu sản xuất thông qua biện pháp công hữu hóa mà không chịu nhìn nhận đánh giá thực chứng sực tác dụng gia tăng năng suất – một yếu tố then chốt mà Mác đã xác định là tiên quyết để có thể “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” – của nó. Bất kỳ sự phát triển nào không dựa vào gia tăng năng suất lao động đều không bền vững cho dù tài nguyên có lớn đến đâu đi nữa.”
Cựu giám đốc công ty OCI cũng viết: “Cuộc sống ở Việt Nam đang tạo ra một thứ niềm tin của người dân vào việc đưa hối lộ như là cách tốt nhất, thực tế nhất để mưu cầu lợi ích cho mình – từ những việc nhỏ nhặt như chứng giấy tờ đến những chuyện to tát như các loại giấy phép béo bở, từ những mục đích chính đáng như kiếm tiền sinh sống hoặc tự khẳng định mình đến những mong muốn làm giàu bất chính hoặc vươn lên bằng cách chà đạp người khác. Hầu hết đều phải dựa vào tham nhũng, tin nó và thậm chí còn bao che cho nó.
“Niềm tin đi ngược lại nó không chỉ bị xem là ngớ ngẩn, không thức thời mà còn đầy rủi ro. Tin vào công lý ngày càng trở nên phi thực tế và tốn kém mà lại không hiệu quả.
Thứ niềm tin như vậy đang tồn tại áp đảo trong thực tế làm cho động lực tự nhiên của người dân hướng đến phục vụ nhu cầu hoặc thỏa mãn yêu cầu của những kẻ xấu nắm quyền tại các bộ máy tư pháp và hành pháp ở mọi cấp, cả bộ máy của đảng cầm quyền. Môi trường pháp lý đã không thể ngăn chặn được những cái xấu mà đạo đức xã hội cũng không còn đủ sức để lên án chúng.”
Anh Thức cũng viết Việt Nam đã cam kết coi người dân như những con người thực sự tự do, thậm chí còn là những con người tự do hơn hết nhờ “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Chỉ có điều họ không thực hiện đầy đủ những cam kết đó.
“Tuyên ngôn độc lập 1945 đã thừa nhận rằng mọi người sinh ra đều có sẵn các quyền con người căn bản, đều bình đẳng và tự do. Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc cũng có nghĩa là sự công nhận của nhà nước Việt Nam đối với các quyền bất di bất dịch này của con người được qui định và trịnh trọng tuyên bố tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền của LHQ vào năm 1948. Đến 1982 thì Việt Nam đã chính thức gia nhập hai Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; và về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Tại đây, nhà nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng, bảo vệ các quyền này cho công dân Việt Nam, và đồng thời cũng thúc đẩy các quyền này trên toàn thế giới. Trên tinh thần đó, Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam cũng đã hiến định tất cả các quyền thiêng liêng này của con người Việt Nam. Với những văn bản pháp lý như vậy thì mọi công dân Việt Nam từ lúc sinh ra đời đều được hưởng bình đẳng tất cả các quyền con người như bất kỳ công dân nào khác trên thế giới mà không phân biệt quốc gia, màu da, chủng tộc, xuất thân, địa vị, quan điểm chính trị, trình độ phát triển, lịch sử hình thành, v.v…, và cũng không phải chờ sự cho phép của bất kỳ luật hoặc văn bản nào dưới hiến pháp.
“Tuy nhiên, các giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa này còn rất xa so với thực tế trong việc thực thi quyền con người trên đất nước ta. Đại đa số người dân lẫn quan chức hiện nay đều nghĩ rằng chỉ có những quyền nào có luật qui định thì công dân Việt Nam mới được sử dụng. Quan điểm vi hiến như vậy lại tồn tại phổ biến ngay tại Quốc hội trong việc lập pháp. Sự xâm phạm tự do và các quyền cơ bản của người dân lại xảy ra phổ biến tại các cơ quan hành pháp. Còn các cơ quan tư pháp thì lại trừng phạt không thương tiếc những công dân nào dám tự do sử dụng các quyền làm người căn bản của mình đã được hiến định. Cần hiểu rằng các hành động như vậy không chỉ vi hiến mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với các chuẩn mực văn minh của thế giới.”
“Thiên Tử” và “Quyền con người”
Anh Thức nói thay vì thành thực chia sẻ những vấn nạn và thách thức của chính quyền với người dân để cùng nhau giải quyết, các nhà lãnh đạo Việt Nam chọn cách nói dối quanh khiến niềm tin của người dân vào họ ngày càng giảm sút. Anh tin rằng nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam có sự dũng cảm và liêm chính, đất nước của anh hoàn toàn có thể có sự phát triển đáng kể và sớm sanh vai cùng các nước phát triển. Nhưng anh nói có nhiều thứ đang cản trở điều này: “Nước ta đã tuyên bố độc lập và dùng thuật ngữ Cộng hòa để đặt tên nước đã hơn 63 năm, nhưng những tư tưởng và cách hành xử phong kiến như trên vẫn còn ăn sâu trong cả người dân lẫn chính quyền một cách vô tình lẫn cố ý, vô thức lẫn có ý thức. Chính sự xơ cứng trong suy nghĩ như vậy bao đời nay đã đẩy dân tộc ta thụt lùi lại rất xa trong tất cả các bước tiến hóa quan trọng của nhân loại cho đến tận ngày nay. Mỗi lần như vậy đất nước đều bị biến thành thuộc địa mà phải mất đến hàng triệu xương máu để giành lại độc lập. Nhưng cũng chỉ là sự thay đổi hình thức trên danh nghĩa, người dân chúng ta chưa bao giờ có sự thay đổi thực chất trong suy tưởng của mình để hướng đến tự do độc lập cho mình thực sự. Chính vì vậy mà hơn một ngàn năm nay dân tộc ta chưa bao giờ có được một nền độc lập đầy đủ và thực chất.
“Nhưng không có gì là phức tạp, chúng ta chỉ cần hiểu rằng thuộc tính nào của vạn vật do trời đất tạo ra thì không có sức mạnh nào của con người có thể thay đổi được, và chính thuộc tính đó tạo ra quy luật. Người ta có thể đắp chặn ngăn nước chảy xuống vùng thấp nhưng không cách gì để thay đổi thuộc tính của nước là luôn đổ về chỗ trũng, và như vậy nước chảy về trũng là một quy luật. Tương tự như thế, những kẻ cường quyền có thể tước đoạt tự do và quyền con người nhưng không thể nào thay đổi được thuộc tính người là luôn luôn mong muốn có đủ tự do và các quyền đó. Chắc có lẽ chỉ những ai bị đánh rơi trong rừng từ lúc nhỏ thì mới không có mong muốn đó mà thôi. Do vậy Quyền Con người cũng là một quy luật mà khi được tôn trọng và sử dụng đầy đủ thì chúng ta sẽ có được sức mạnh tựa phép màu như đại hồng thủy.
“Ở nơi nào con người tự tin thực hiện các quyền này thì ở đó “thiên tử” xuất hiện, tức là Quyền con người tồn tại thực tế trong cuộc sống ở nơi ấy. Và vùng đất ở đó chính là địa linh nhân kiệt vì sẽ có rất nhiều anh hùng hào kiệt – những người tự tin, tự do và độc lập để khám phá nhiều quy luật khác của trời đất, từ đó tạo ra sức mạnh nhằm mang lại sự giàu có và những điều tốt đẹp cho cuộc sống chúng ta, bảo vệ dân tộc ta, thịnh cường đất nước ta. Đó là cách chúng ta chủ động kiến tạo nguyên khí, lựa chọn nhân tài để phát triển quốc gia, phục vụ cho chúng ta chứ không phải thụ động trông chờ và cầu may minh quân xuất hiện và ban phát tài năng của họ.”
Anh Thức thực sự tin rằng “[s]ức mạnh thực sự của một quốc gia nằm ở sự hiểu biết của cả dân tộc ở đó chứ không phải bởi trí tuệ riêng của bất kỳ một con người hay đảng phái nào” và muốn đánh thức phần còn lại của xã hội. Đáng tiếc là nhiều người vẫn đang ngủ vùi, ngủ nướng hay ngu quên nơi niêu cơm mà quên rằng xã hội và cả chính quyền là do mỗi con người góp phần tạo ra. Nếu họ không thay đổi thì cũng đừng mong chờ xã hội và chính quyền sẽ tự tốt lên. Còn chính quyền cũng không nên ảo tưởng mà nghĩ rằng quyền lực của họ là mãi mãi vì “điều duy nhất không thay đổi trên thế giới là nó sẽ thay đổi” dù họ có muốn hay không. Chỉ là khi nào và như thế nào mà thôi.
No comments:
Post a Comment