PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Đá đen bỗng dưng có giá mua cả triệu đồng/kg đã lôi kéo hàng ngàn người dân khắp nơi đổ xô đi đào bới kiếm tìm, khiến lòng hồ thủy điện Sông Hinh, huyện Sông Hinh biến dạng.
Theo báo Người Lao Động, gần hai tháng qua, hàng ngàn người dân tập trung về khu vưc lòng hồ thủy điện Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, để đào đá đen kiếm sống. Cả một vùng bán ngập lòng hồ thủy điện rộng lớn bị xới tung. Có chỗ để lại những hố sâu ngập nước.
Báo VietNamNet tường thuật, vượt qua những con đường đá ngoằn ngoèo mới đến vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Tại khu vực xã Ea Trol, từng tốp người từ thanh niên, người già, phụ nữ, có khi cả gia đình cùng mang theo những dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng vào lòng hồ tìm cho mình một khoảnh đất để đào đá đen. Ở đây người ta dựng cả lán trại để nghỉ ngơi, ăn cơm. Có cả những phụ nữ dùng xe máy chạy đến tận nơi bán nước lạnh cho người đào đá giải khát.
Những người đào đá cho biết, khu vực nào thấy có lớp đất trắng, cứ tiếp tục đào xuống thì chắc có đá đen. Tuy nhiên có nhiều hay ít, đá to hay nhỏ thì không biết. Nhiều chỗ đá đen được tìm thấy chỉ sau vài lớp đất, nhưng có những chỗ phải đào sâu tạo hàm ếch lút cả đầu người.
Gia đình nhà ông Dương Nho Hùng, ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, có ba người đi đào đá. Miệt mài đào trong hơn hai tiếng đồng hồ, cả nhà mới tìm được vài cục đá đen nhỏ. Ông Hùng cho biết, cả nhà đi đào đá đen đã một tháng nay.
Thấy đá đen có thể cho thu nhập cao, nên có hàng ngàn người từ huyện Sông Hinh cho đến huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, thuộc tỉnh Phú Yên lên khu vực này đào đá. “Tìm đá đen cũng như tìm vàng ấy. May rủi là nhiều. Việc đào đá này chắc làm được khoảng một tháng nữa vì sắp đến mùa mưa, lòng hồ này sẽ ngập nước,” một phụ nữ ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, xin giấu tên nói.
Chị cho biết ở đây có những người may mắn đào được cả tấn đá cũng có. Có người chỉ mới đào được 1 kg. Về phần mình, có ngày chị đã đào được 29 kg đá đen. Đá được làm gì thì không biết. Thấy người trong buôn đi đào, chị cũng đi.
Nói với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Ma H., ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, kể: “Mấy tháng qua, trời nắng nóng gắt, vùng này mía chết, sắn héo, lúa khô. Không làm gì ra tiền nên vợ chồng tôi sáng nấu cơm dỡ theo ra đây đào đá. Đến nơi, bắt lớp moi hố sâu, khi phát hiện có đá đen thì mở rộng hầm, đào sâu lút đầu người mới thôi. Còn khi đào hố sâu đứng đến bụng mà tìm không có đá đen thì bỏ đi chỗ khác moi hầm mới, theo kiểu da beo.”
Ông Bùi Văn N., ở huyện Phú Hòa, cho hay: “Tôi lên đây đào đá đen gần tháng nay. Kinh nghiệm khi đào xuống gặp lớp đá trắng cứ đào theo. Đá đen nằm giữa gân đá trắng với đủ loại kích cỡ, có viên to bằng ngón tay út, đến cục lớn to bằng con cóc. Đào xong bán cho thương lái, nghe nói đá này ‘ăn’ qua Trung Quốc. Còn người mua đá đen làm gì thì… chịu.”
Hiện tại, mỗi ngày có hàng trăm điểm khai thác đá tại khu vực này. Tuy nhiên, khi được hỏi, người khai thác cho biết, họ không hề biết thương lái thu mua loại đá này để làm gì. Giá bán đá loại 1 (ba viên/kg) lên đến 3 triệu đồng (khoảng $128)/kg, đá loại 2 (8-10 viên/kg) giá 1 triệu đồng và đá loại 3 (đá xô, chủ yếu là loại nhỏ) giá 400,000 đồng/kg. Những lúc nhiều người đào, giá đá xô giảm xuống còn khoảng 340,000 đồng/kg. Thương lái đến tận nơi đào đá để thu mua.
Hôm 13 Tháng Chín, 2018, ông Ksor Y Phun, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Sông Hinh, cho biết tình trạng đào và thu mua đá đen đã có trước đây, nhưng không xô bồ và rộng khắp như bây giờ. Hiện nay việc đào đá đen đã lan ra đến địa phận của ba xã Đức Bình Đông, Ea Trol và Sông Hinh. Người dân đào đá theo kiểu “da báo” chứ không phải tập trung vào một điểm.
“Hiện nay, số lượng người khai thác đá ngày một đông, sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác an ninh trật tự và môi trường lòng hồ thủy điện. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến xấu, huyện sẽ có phương án truy quét toàn bộ. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu rõ việc mua bán và mục đích sử dụng loại đá này để có hướng quản lý vì đây cũng là một loại khoáng sản,” ông Y Phun nói. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment