Phó thủ tướng CSVN Vương Đình Huệ mới đây ra lệnh tìm cách ngăn chặn việc sử dụng WeChat Pay, AliPay và những thiết bị thanh toán bất hợp pháp tại những tụ điểm du lịch có nhiều du khách Trung Cộng.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Huệ nói rằng, các hệ thống thanh toán này dẫn đến nguy cơ trốn thuế. Trong nửa đầu của năm 2018, có 2.5 triệu du khách Trung Cộng đến Việt Nam, chiếm 32% tổng số du khách quốc tế. Theo nhận định của học giả Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, lợi ích kinh tế mà số du khách Trung Cộng đông đảo này mang đến cho Việt Nam không lớn lao như mọi người nghĩ. Theo một số hướng dẫn viên du lịch trong nước, nhiều chủ cửa hàng Việt Nam giờ đây cũng thiết lập trương mục ngân hàng ở Trung Cộng và chuyển tiền của du khách Trung Cộng trả thẳng vào các trương mục đó.
Ông Huệ cũng ra lệnh cho Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư đánh giá tác động của cái gọi là “tour du lịch 0 đồng” đối với kinh tế và an ninh. Đông đảo du khách Trung Cộng trong mấy năm trở lại đây đã vào Việt Nam theo những “tour du lịch 0 đồng”, cung cấp chỗ ở và bữa ăn miễn phí. Để đổi lại, họ phải đi mua sắm tại những cửa hàng chỉ phục vụ khách Trung Cộng với hàng hóa có giá cao hơn giá thị trường bản địa nhiều lần. Các cửa hàng này do người Trung Cộng làm chủ, hoặc đôi khi do người Việt Nam đứng tên nhưng có nhà đầu tư Trung Cộng đứng sau lưng. Truyền thông trong nước đã nhiều lần phản ánh hiện tượng “tour du lịch 0 đồng”, nhưng tới nay nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa có cách nào giải quyết, thậm chí cũng không có dấu hiệu bắt đầu một cuộc điều tra.
Bên cạnh những điểm tác động trực tiếp kể trên, còn phải kể đến những yếu tố gián tiếp. Một chuyên viên trong ngành du lịch Việt Nam cho biết khuynh hướng chung của du khách Âu Mỹ là né tránh nơi nào có du khách Trung Cộng, du khách Nga. Nha Trang, Mũi Né là những thí dụ. Những địa điểm du lịch biển đặc sắc thuộc hàng đầu Á Châu của Việt Nam nay trở thành điểm du lịch rẻ tiền, phục vụ cho những du khách “hạng hai” như Trung Cộng.
Huy Lam / SBTN
No comments:
Post a Comment