NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh có quan ngại về các nhà máy của Nhiệt Điện Vĩnh Tân ở tỉnh Bình Thuận do Trung Quốc đầu tư gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Ninh Thuận vừa có một số dự án điện mặt trời được khởi công và được truyền thông là “không liên quan đến Bắc Kinh.”
Hôm 30 Tháng Sáu, 2018, công ty Đầu Tư và Xây Dựng Vịnh Nha Trang, chủ đầu tư, làm lễ khởi công xây dựng nhà máy Điện Mặt Trời Phước Hữu tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án này có vốn đầu tư 1,200 tỷ đồng (hơn $52.5 triệu), dự trù có sản lượng điện năm đầu tiên đạt 104 triệu kWh, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.
Báo VNExpress tường thuật dẫn lời chủ đầu tư nói nhà máy này lắp đặt thiết bị Inverter Sunny Central 3000 và máy biến áp Siemens của Đức.
Báo Dân Trí cho biết thêm, công ty Đầu Tư và Xây Dựng Vịnh Nha Trang được thành lập cuối năm 2014, với cổ đông “là một nhóm nhà đầu tư đã sinh sống và làm việc ở Nga về Việt Nam đầu tư.”
Trước đó, báo Đầu Tư tường thuật, hôm 4 Tháng Sáu, công ty Năng Lượng Gelex Ninh Thuận, thành viên của Tổng Công Ty Cổ Phần Thiết Bị Điện Việt Nam (Gelex) làm lễ khởi công xây dựng nhà máy Điện Mặt Trời Gelex Ninh Thuận với vốn đầu tư 1,300 tỷ đồng (hơn $56.9 triệu).
“Gelex Ninh Thuận hợp tác với tập đoàn PSTC của Thái Lan để triển khai dự án. Theo thỏa thuận, PSTC sẽ tham gia một phần vốn và chịu trách nhiệm về kỹ thuật của dự án. PSTC là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan về tư vấn và triển khai dự án điện mặt trời, với kinh nghiệm tư vấn, tổng thầu EPC lên tới 1,000 Mw, trên tổng số khoảng gần 4,000 Mw điện mặt trời đã lắp đặt tại Thái Lan. Dự trù nhà máy sẽ hoàn thành vào Tháng Năm, 2019, và phát điện thương mại vào Tháng Sáu, 2019. Tổng điện năng sản xuất của nhà máy khoảng 82 triệu kWh/năm,” báo này viết.
Theo website Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam, hầu hết các dự án điện mặt trời “đều đang được triển khai ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.” Tuy nhiên, sau năm 2020, sẽ có nhiều dự án điện mặt trời ở khu vực miền Trung và miền Nam, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Đến nay, các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam vẫn “đếm trên đầu ngón tay,” trong lúc nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư được triển khai ồ ạt ở nhiều tỉnh thành dù bị người dân địa phương phản đối kịch liệt vì gây ô nhiễm môi trường.
Báo Thanh Niên hôm 22 Tháng Sáu cho hay: “Tính đến đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam đạt gần $40 tỷ. Nguồn vốn này được tính toán theo từng dự án ở từng giai đoạn cụ thể. Trong số này, có 17% đến từ các ngân hàng trong nước, 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không xác định được nguồn. Với nguồn vốn vay từ nước ngoài xác định được nguồn gốc thì có đến 50% vay của Trung Quốc tương đương $8 tỷ.”
“Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nhiệt điện than ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Mục đích chính là chuyển công nghệ điện than lạc hậu sang các nước khác bằng hình thức cho vay vốn. Sự quan ngại của các chuyên gia và dư luận hoàn toàn có cơ sở vì khi nhà đầu tư ngoại sử dụng vốn ngoại thì khó lòng tránh được việc họ tuồn công nghệ cũ vào Việt Nam,” báo này viết thêm. (T.K.)
No comments:
Post a Comment