LAO ĐỘNG-02/07/2018
Hiện, trên giấy tờ, mới chỉ có 20% nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Hạ Long được xử lý trước khi đổ ra vịnh Hạ Long. Vì thế, dọc tuyến đường bao biển tuyệt đẹp quanh TP biển này luôn trong tình trạng hôi thối nồng nặc.
Đó cũng là lý do vì sao hè nóng bức nhưng người dân Hạ Long không dám xuống biển tắm dù nhà chỉ cách bãi biển vài mét.
Nước thối và ngập rác
Nhà anh Phạm Mạnh Hưng – ở phường Hồng Hải, nằm trên trục đường bao biển đẹp nhất Hạ Long – nhưng rất lâu rồi anh chưa xuống biển tắm, vì nước biển ven bờ quanh năm hôi thối và ngập rác.
Giữa cái nắng nóng như đổ lửa mấy ngày qua, đợi thủy triều lên cao, anh quyết định xuống tắm thử, bởi anh nghĩ nước lên sẽ hòa loãng sự ô nhiễm, hôi thối của nước biển. Tuy nhiên, dù đã ra xa hàng chục mét, nước biển vẫn một màu đen nhờ nhờ, tanh tưởi. Những khu vực gần miệng cống, dòng nước từ trong đổ ra một màu đen xì kèm theo rác rưởi. Không đầy một phút, người anh dính đầy chất đen nhớp nháp. Vừa kỳ cọ xong, những chất đen có lại bám đầy người. Vừa bơi, anh vừa lấy tay gạt rác đang trôi nổi ở khắp nơi, đến nỗi có lúc miệng ngậm phải rác.
Dẫu vậy, dọc bờ biển dài hàng chục kilômét, từ phường Cao Xanh cho tới Hồng Hải, người dân vẫn ngâm mình dưới biển, bởi bãi tắm duy nhất của Hạ Long – bãi tắm Bãi Cháy – thì ở quá xa đối với cư dân 14 phường của khu vực Hòn Gai.
“Từ nhà tôi sang bãi tắm Bãi Cháy ít nhất 10km; dân Hà Phong, Hà Tu sang đó chắc phải 15-20km. Cũng có người sang tận Bãi Cháy để tắm, trong khi nhà chỉ cách bờ biển vài bước chân, mà cảnh quan lại đẹp hơn. Tuy vậy, số đó không nhiều, đành liều tắm bãi biển gần nhà” – anh Hưng chia sẻ.
Ông Trần Xuân Bắc, trú tại phường Bạch Đằng, cho biết, lần nào tắm biển gần nhà cũng ngứa toàn thân, nên từ lâu, ông chọn bể bơi. Những bể bơi của Cty than Núi Béo, trường THPT Lê Thánh Tông, chỉ cách bờ biển vài trăm mét, cuối giờ chiều lúc nào cũng chật cứng. Họ “thèm” biển lắm, nhưng sợ sự ô nhiễm kinh hoàng của biển.
“Bờ biển dài và đẹp như vậy, nhưng lại không có một bãi tắm nào. Có xuống tắm thì cũng chỉ là liều thôi vì như bơi trong rác và nước thải. Vô lý lắm” – ông Sơn bức xúc.
Bờ biển sạch – giấc mơ xa vời?
Chúng tôi cũng đã nhiều lần “khảo sát” các bãi tắm tự phát từ Vựng Đâng, phường Cao Xanh cho tới khu vực Cột 8, phường Hồng Hà. Nước cạn, tại hàng chục miệng cống dọc đường bao biển, lồ lộ những dòng nước đen ngòm, hôi thối kinh hoàng. Nước lên, từ những miệng cống đó, đủ các loại rác rưởi đổ ra biển không ngớt.Theo đại diện Cty Môi trường đô thị Hạ Long, lượng nước sinh hoạt đổ ra vịnh Hạ Long mỗi ngày khoảng 15,5 nghìn mét khối, nhưng chỉ có khoảng 20% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi đổ ra vịnh Hạ Long. Kết quả này là nhờ dự án xử lý nước thải sinh hoạt trị giá 30 triệu USD do Chính phủ Đan Mạch tài trợ năm 2008.
Tuy nhiên, thực tế, tỉ lệ nước thải được xử lý ngày một thấp đi bởi nhiều khu đô thị lấn biển, các khu chung cư cao tầng… ồ ạt xuất hiện, trong đó nhiều khu dân cư mới không có hệ thống xử lý nước thải riêng hoặc không đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải của thành phố. Đáng chú ý, tại những khu vực này, tốc độ xây dựng khá cao.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang làm hồ sơ vay vốn ODA của Nhật Bản cho dự án xử lý nước thải sinh hoạt TP.Hạ Long, trị giá khoảng 150 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA dự kiến là 125 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng. Theo thiết kế, dự án khi đi vào hoạt động, sẽ thu gom và xử lý cơ bản nước thải sinh hoạt của thành phố đạt mức độ thuộc diện tốt nhất hiện nay trước khi đổ ra vịnh Hạ Long. Nhưng, do nằm khác hướng tuyến, nên nước thải sinh hoạt của 2 phường Tuần Châu và Việt Hưng sẽ không được đấu nối vào dự án, trong khi Tuần Châu – vừa là điểm du lịch, vừa là cảng tàu du lịch lớn – có lượng nước thải khổng lồ.
Việc ô nhiễm nước ven bờ vịnh Hạ Long, câu chuyện người dân biển ước mơ có bãi tắm biển đã được đặt ra tại nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh Quảng Ninh và TP.Hạ Long. Tuy nhiên, muốn có bãi tắm trước hết phải có nước biển sạch. Đây cũng là câu chuyện đau đầu đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP.Hạ Long qua nhiều nhiệm kỳ. Vì thế, bờ biển dài và đẹp của TP bên bờ di sản cứ mỗi ngày lại tích tụ thêm rác và ô nhiễm.
NGUYỄN HÙNG
Nguồn: Lao Động
No comments:
Post a Comment