Monday, July 2, 2018

Nghèo mà xài sang, không phải cá biệt Thanh Hóa

RFA-2018-07-02   
Hình ảnh người dân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa)
Hình ảnh người dân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa)-AFP
Thanh Hóa là một trong những tỉnh nghèo tại Việt Nam. Nhiều người dân tại các vùng thuộc tỉnh này như Mường Lát, Quan Hóa, Ngọc Lặc phải sống dưới mức nghèo khổ...
Tuy nhiên, vừa qua cơ quan chức năng tỉnh này có đề xuất chi hơn 100 tỷ đồng Việt Nam để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
Công luận phản ứng gay gắt về kế hoạch đó.

Tỉnh nghèo chơi sang

Ngày 27 tháng 6 thông tin từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận việc có công văn gửi Sở Tài chính dự toán tổng số kinh phí 104,722 tỷ đồng cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Trong đó, 82 tỷ đồng là từ ngân sách quốc gia và số còn lại được huy động từ xã hội.
Ông Phạm Duy Phương, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nói với truyền thông trong nước rằng "Đây là tổng hợp các ý kiến từ nhiều đơn vị, địa phương, sau đó sở mới làm tờ trình gửi Sở Tài chính để họ xem xét, thẩm định và ra báo cáo gửi chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh ký. Đây mới là báo cáo tổng hợp thôi, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện"
Còn ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trả lời báo Lao Động rằng đó mới chỉ là dự chi do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch lập ra, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố, ông Xứng nhấn mạnh “Sự việc có chi đâu mà ồn ào. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch mới chỉ tập hợp các kiến nghị của các đơn vị thôi chứ có ai quyết định gì đâu”
Mặc dù mới chỉ là dự trù kinh phí nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc chi hơn 104 tỷ đồng để làm lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là lãng phí, trong khi mà địa phương hàng năm vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ Trung ương và vẫn xin gạo cứu đói cho người dân nghèo. Nhiều trường, phòng học của học sinh vùng cao còn trong tình trạng “tranh- tre- nứa- lá”…
Việc bỏ ra số tiền lớn như vậy mà tổ chức các lễ lớn không mang lại tác dụng gì cho người dân cả thì đó là một điều rất là lãng phí.
- LS. Trần Thu Nam
Nhà báo Phạm Dương viết trên Báo Người Lao Động số ra ngày 27 tháng 6 năm 2018 nhấn mạnh “100 tỉ đồng là số tiền đủ mua 10.000 tấn gạo! Ngay con số lẻ của tổng số tiền đề xuất là 4 tỉ đồng cũng đủ mua 400 tấn gạo, tức là đủ để hỗ trợ cho chính người dân trong tỉnh mùa giáp hạt!”
Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu quốc hội khóa 11 và 12, trưởng đoàn đại biểu Thanh Hóa cho biết tình hình tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo và thiếu lương thực vì vậy việc chi tiêu cho các vấn đề lễ hội phải tính toán cho chặt chẻ và phải ưu tiên những khó khăn cấp bách trước.
Ông cho biết thêm Những vấn đề lễ kỷ niệm, danh xưng thì nó cũng là kỷ niệm để tưởng nhớ những giai đoạn lịch sử nhất định, để thông báo người dân biết được thời điểm hình thành của tỉnh Thanh Hóa, qua đây phát động người dân phát huy truyền thống nó cũng cần thiết nhưng cũng không quá mức để mà chi lớn cho vấn đề này. Cho nên tôi rằng cần một khoản lớn để chi cho các vấn đề bức xúc khác thì tôi thấy nó sẽ rất phù hợp thỏa đáng chứ khong có vấn đề gì.”
Đồng quan điểm với nhà báo Phạm Dương, luật sư Trần Thu Nam tại Hà Nội cho rằng, so với lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con số hơn 100 tỷ cho lễ xứng danh chỉ là ‘muỗi’, nhưng trong hoàn cảnh này thì nó thật sự không phù hợp.
Hình ảnh cứu trợ lương thực trong đợt lũ tại tỉnh Thanh Hóa, hôm 12 tháng 10 năm 2017.
Hình ảnh cứu trợ lương thực trong đợt lũ tại tỉnh Thanh Hóa, hôm 12 tháng 10 năm 2017. AFP
Luật sư Trần Thu Nam phát biểu: “Thanh Hóa phải nói là nhiều xã, nhiều huyện có nhiều người nghèo bậc nhất và cần cứu trợ, cứu đói của nhà nước hàng năm. Thứ nhất không nên làm những điều phí phạm ngân sách của nhân dân. Thứ hai là trong lúc một số tỉnh khác đang bão lũ như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu nên việc bỏ ra số tiền lớn như vậy mà tổ chức các lễ lớn không mang lại tác dụng gì cho người dân cả thì đó là một điều rất là lãng phí.


Nghìn tỷ hay cứu đói

Hồi đầu năm 2017, Thanh Hóa cũng từng khiến dư luận bức xúc với dự định xây dựng một công viên ngay giữa trung tâm Thành phố Thanh Hóa với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 2.500 tỉ đồng.
Thống kê của Bộ Tài chính vào năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã thu ngân sách khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng. Luật sư Trần Thu Nam cho rằng, Thanh Hóa chỉ cần bỏ ra 1/3 số tiền của 104 tỉ để giúp đỡ người dân nghèo thì cái danh xưng Thanh Hóa không cần làm lễ thì người dân cũng tự xướng tên trên khắp đất nước này.
Tôi ủng hộ quan điểm là cần hết sức là tiết kiệm, nên dành đầu tư cho những hộ nghèo, các vấn đề trường học, giao thông đi lại của người dân nên dành nguồn đó đầu tư khắc phục những khó khăn đó.
- Ông Lê Văn Cuông
Vị luật sư này còn cho biết, vấn đề xứng danh nó không nhất thiết phải được tổ chức rầm rộ và đình đám như thế, vì theo luật sư lễ kỷ niệm có nhiều khoản chi nhưng trong đó chi phí hơn 2 tỷ đồng mua quà cáp đó là điều lãng phí và đi ngược lại với chủ trương của nhà nước là đang tiết kiệm ngân sách.
Đồng ý với quan điểm đó ông Lê Văn Cuông cho biết Tôi ủng hộ quan điểm là cần hết sức là tiết kiệm, nên dành đầu tư cho những hộ nghèo, khó khăn và các vấn đề trường học, giao thông đi lại của người dân nên dành nguồn đó đầu tư khắc phục những khó khăn đó thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ và dư luận cũng thấy được vấn đề đó thỏa đáng chứ còn lấy số tiền lớn chi tiêu lãng phí không tiết kiệm nhất là trong các cái lễ hội chi tiêu những việc không cần thiết, quà cáp lễ tân tốn kém thì nó sẽ phản cảm nhân dân sẽ không đồng tình.”
Anh Thắng Lê, một người con Thanh Hóa nhưng phải đi làm ăn xa quê, Nội trao đổi với chúng tôi qua email rằng vấn đề của Thanh Hóa cũng là vấn đề về sử dụng ngân sách bất hợp lý trên khắp đất nước Việt Nam.
Anh chia sẻ “Không khó để lý giải vì sao các tuyến đường sắt trên cao, metro lại ì ạch và chậm tiến độ suốt từ nhiệm kỳ trước qua nhiệm kỳ này như vậy - nó chậm để “đội vốn” hàng nghìn tỷ chứ không chỉ chậm thông thường. Nó không chỉ mất tiền ngân sách đơn thuần, nó làm cho nhân dân ách tách khốn khổ, kinh tế yếu kém và Quốc gia tụt hậu.”
Thực tế cho thấy lâu nay tại Việt Nam xảy ra hiện tượng tất cả các địa phương đều có những dự án mà khoản kinh phí chi ra rất lớn. Một tỉnh nghèo như Sơn La cũng đề nghị thực hiện dự án Cụm Công trình Tượng Đài ông Hồ Chí Minh cả nghìn tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội nêu ra kết quả kiểm tra 10 trên 62 dự án chỉ riêng tại tỉnh Ninh Bình, số kinh phí khai khống cho mỗi dự án là từ vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ đồng.

No comments:

Post a Comment