HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lệnh lạt đòi loại bỏ phân nửa các thủ tục cản trở môi trường kinh doanh đã không được các quan chức nhà cầm quyền Việt Nam “mặn mà” thi hành vì đụng chạm “lợi ích nhóm.”
Tờ Dân Trí hôm 2 Tháng Bảy, 2018, tường thuật phiên họp của ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với cấp cầm đầu các bộ ngành và 63 tỉnh thị cả nước trong chủ đề “Tổng kết kinh tế 6 tháng đầu năm 2018.”
Tại cuộc họp, người ta thấy ông Phúc kêu ca phần lớn các bộ ngành và địa phương đều “ỳ”, không chịu “mặn mà” thi hành chỉ thị đã được đưa ra trước đây nhằm cải thiện môi trường kinh doanh vốn đầy luật lệ tròng tréo phức tạp từng bị giới kinh doanh đả kích từ năm này sang năm khác.
Trong cuộc họp, tờ Dân Trí nói ông Phúc kêu “các bộ, ban ngành lên danh mục sớm; nhưng hiện mới chỉ một vài nơi xây dựng và hoàn thiện, còn lại nhiều bộ vẫn giậm chân tại chỗ. Chính phủ yêu cầu cắt 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song các bộ vẫn chưa mặn mà.”
Thấy ông kể ra thí dụ, “Đơn cử như chính sách kết nối 1 cửa quốc gia hiện mới chỉ có 47/284 thủ tục kết nối điện tử. Nhưng vừa kết nối điện tử vừa làm thủ công, vừa làm điện tử vừa làm bằng tay nên chi phí phát sinh cao hơn.”
Vì vậy, ông Phúc đòi “trước 15 Tháng Tám, các bộ, ngành phải hoàn thành đề xuất cắt giảm 50% thủ tục, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ để gửi về chính phủ, trên cơ sở đó chính phủ ban hành chính sách theo đúng kế hoạch.”
Cuối Tháng Hai, 2018, tức ngay sau nghỉ Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện tới các bộ và các tỉnh thị “yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào công việc, triển khai Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP với tinh thần đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mục tiêu cắt giảm 50% đăng ký kinh doanh, 50% thủ tục hành chính ở các bộ, ngành.”
Bốn tháng sau, bây giờ, cái đống thủ tục cồng kềnh tròng tréo đó vẫn chưa thấy nhúc nhích bao nhiêu mà ông ta kêu “trên nóng dưới lạnh,” và “chia rẽ quyền lực và quyền lực nhóm còn lớn…”
Gần hai tuần trước, tờ Dân Trí thuật lời ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) nói tại Diễn Đàn Phát Triển Doanh Nghiệp Việt Nam được tổ chức ngày 19 Tháng Sáu, 2018, tại Hà Nội, rằng nếu chỉ cắt bỏ một vài điều kiện kinh doanh thì “không phải là cải cách kinh tế.”
Cũng trong cuộc họp vừa kể, đại diện Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Trong 10 doanh nghiệp hoạt động hiện nay, có đến 6 doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức (hối lộ) và Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng trong cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới.”
Trước đó, cuối Tháng Ba, 2018, tại “Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản,” ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) kêu “ngành xây dựng vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp ‘sân sau.’ Đồng thời doanh nghiệp ngành này cũng đang phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.” Trong đó “74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để có thông tin.”
Những lời kêu ca về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh,” hay “trên bảo dưới không nghe” hoặc những lời cáo buộc các quan chức các cấp gây khó khăn để ăn hối lộ không năm nào không thấy xảy ra. (TN)
No comments:
Post a Comment