Monday, July 2, 2018

Giới hoạt động gửi các sứ quán báo cáo về nạn đàn áp người biểu tình

Trang bìa báo cáo về tình trạng chính quyền Việt Nam đàn áp người biểu tình. (Hình: Facebook Nhật Ký Biểu Tình)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một báo cáo bằng tiếng Anh về “Những Ngày Chủ Nhật Đen-Đàn Áp Tàn Bạo Dân Thường” vừa được giới hoạt động gửi đồng loạt đến Văn Phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, sứ quán các nước tại Việt Nam, và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Theo trang Facebook Nhật Ký Biểu Tình, báo cáo dài 34 trang này được ghi nhận là “công sức đóng góp của cộng đồng,” từ việc tổng hợp dữ liệu, viết báo cáo, dịch thuật, đến thiết kế bìa.
Báo cáo này cung cấp hình ảnh, đoạn băng ghi hình và lời nhân chứng trong cuộc trấn áp và tại nơi câu lưu, tra tấn hàng chục người biểu tình ôn hòa tại các thành phố ở Việt Nam trong Tháng Sáu, 2018.
“Trong những vụ này, đáng lo ngại là công an không cho thấy bất kỳ chỉ dấu nào rằng họ sẽ ngừng hăm dọa, đàn áp người biểu tình ôn hòa. Thay vào đó, mức độ bức hại hậu biểu tình được ghi nhận ngày càng tăng. Những hành vi chống lại quyền biểu tình hiến định cũng đi ngược lại cam kết quốc tế của những người nắm quyền,” báo cáo viết.
Báo cáo này cũng tường thuật chi tiết trường hợp của một số nhân vật đã kể lại trên mạng xã hội những câu chuyện của họ khi bị câu lưu, đánh đập “chỉ vì đi biểu tình” như Trương Thị Hà, Phạm Thị Thanh Trúc, Uyên Phương, Trịnh Toàn và Nguyễn Thanh Loan.
Tính đến đêm 1 Tháng Bảy, 2018, chưa có sứ quán nào tại Việt Nam hoặc tổ chức nhân quyền nào đưa ra phản hồi chính thức về bản báo cáo “Những Ngày Chủ Nhật Đen-Đàn Áp Tàn Bạo Dân Thường.”
Cùng thời điểm, Luật Sư Lê Công Định xuất hiện trong một video clip được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội và nêu ý kiến: “Những người bị bắt ép phải ký biên bản vi phạm hành chính có thể tạo ra một tiền sự để công an dùng làm cơ sở để xử lý hình sự những lần sau nếu có. Do vậy những ai đã ký biên bản có thể khiếu nại hoặc khởi kiện công an về hành vi bắt giữ và tra tấn người tùy tiện.” Tuy vậy, cho đến nay, chưa có ghi nhận trường hợp người nào quyết định khởi kiện công an theo tư vấn của luật sư.
Ngay khi các trường hợp người biểu tình kể lại chuyện họ bị tra tấn trên mạng xã hội, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã phát đi bản yêu cầu chính quyền Việt Nam “mau chóng mở một cuộc điều tra về nghi vấn một số người biểu tình đã bị tra tấn.”
Văn bản dẫn lời ông Minar Pimple, giám đốc cấp cao về hoạt động toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế, nhận định: “Báo cáo về những người biểu tình bị tra tấn gây quan ngại sâu sắc. Làn sóng bắt bớ không gì hơn là một sự trả đũa chống lại người dân chỉ vì họ đã đơn thuần biểu lộ sự lo lắng của mình trước chính sách của chính phủ.”
Trong một diễn biến khác, nhiều Facebooker hôm 1 Tháng Bảy bày tỏ bực tức trước việc một số post kể chuyện liên quan đến biểu tình, tra tấn “đột ngột biến mất” trên trang cá nhân sau khi nhận được hàng ngàn lượt like và share. Gần đây nhất là post của sinh viên Trương Thị Hà kể về cách hành xử của ông Phạm Tấn Hạ, hiệu phó trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn khi công an mời ông này đến chứng kiến cô đang bị câu lưu do đi biểu tình.
Các blogger đặt câu hỏi vì sao nội dung post của cô Hà không có từ ngữ, hình ảnh dung tục và không mang tính xúc phạm cá nhân mà lại bị Facebook gỡ bỏ với lý do “không phù hợp với các tiêu chí của Facebook.” (T.K.)

No comments:

Post a Comment