Theo VOA-03/04/2018
Phạm Chí Dũng
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch
Liên hoàn với vụ Vũ “Nhôm”, một ít tin tức không mấy bình thường về vụ Út “trọc” được “bắn ý” vào cuối tháng Ba năm 2018 đã phác ra một khả năng không quá nhỏ: hai vụ “Vũ “Nhôm” và Út “trọc” có thể sẽ là những nước cờ chiến thuật nhắm tới số phận của một quan chức cao cấp, cũng là dẫn đến khả năng đảo lộn nhân sự cấp cao mang tính chiến lược tại Hội nghị trung ương 7 - có thể diễn ra ngay trong tháng Tư năm 2018, thay vì vào tháng Năm như dự kiến.
Những ai quê Ninh Bình?
Sau một khoảng thời gian hơn 3 tháng chìm lắng mà những tưởng rơi vào quên lãng, giới quan chức Bộ Quốc phòng chợt hé lộ vài thông tin về số phận của Đinh Ngọc Hệ - tức Út “trọc” - vào ngày 29/3/2018.
Cuộc họp báo quý I năm 2018 của Bộ Quốc phòng hóa ra không còn nhàm tẻ như những cuộc họp báo trước, khi Đại tá Nguyễn Văn Đức - phụ trách Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng - cho biết Thượng tá Đinh Ngọc Hệ, biệt danh “Út trọc”, đang bị khởi tố điều tra, và Bộ Quốc phòng đang trong quá trình điều tra vụ án kinh tế này.
Vụ bắt giữ ông Hệ có thể xảy ra vào đầu tháng 12/2017, tức khoảng ba tuần trước vụ Bộ Công an phát lệnh truy bắt Vũ “Nhôm”.
Nhiều thông tin cho biết ông Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn - một thành viên của Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng.
Tai tiếng lớn nhất của Tổng công ty Thái Sơn thời Đinh Ngọc Hệ là các dự án liên quan đến BOT, BT và cả PPP, với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng tiềm ẩn rất nhiều khuất tất về tính chính danh trong liên danh thực hiện dự án.
Tuy đề cập về “án”, nhưng cho đến nay Cơ quan điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng vẫn chưa trưng ra bất kỳ lệnh bắt, khởi tố hay lệnh khám xét nào đối với ông Đinh Ngọc Hệ.
Cũng như vụ Vũ “Nhôm”, vụ Út “trọc” rất có thể không đơn thuần là án kinh tế.
Nếu Vũ “Nhôm” là “người trong ngành” và đương nhiên dắt dây với hàng loạt quan chức trung cấp và cả cao cấp của Bộ Công an, Út “trọc” cũng có thể không kém thua Vũ “Nhôm”.
Tuy vậy, dấu hỏi đặt ra là có sự khác biệt cơ bản nào giữa vụ Út “trọc” với vụ Vũ “Nhôm”? Vụ Út “trọc” có liên đới giới sỹ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng, hay còn có mối liên hệ “đa phương” nào khác?
Trong những tin tức ít ỏi về vụ Út “trọc”, một số tờ báo nhà nước đã đề cập mối quan hệ “sâu sắc” của Út “trọc” với bà Vũ Thị Hoan, sinh năm 1985, một đại gia BOT mới nổi, thâu tóm hàng loạt dự án BOT khắp nước.
“Điểm đồng dạng” giữa Út “trọc” và Vũ Thị Hoan là cả hai đều có quê quán ở Ninh Bình.
Ninh Bình lại được xem là “cái nôi cách mạng” của một số quan chức trung cấp và cao cấp.
Sau tiền, “địa phương tính” là một đặc thù quan trọng trong các mối “quan hệ” ở Việt Nam, đặc biệt là quan hệ chính trị.
Út “trọc” là người của ai?
Động thái Bộ Quốc phòng có vẻ chủ động thông tin về “Út trọc” vào cuối tháng Ba năm 2018 diễn ra đồng thời với vài thông tin công khai về việc Thành ủy Đà Nẵng và Bộ Công an đang xử lý tài sản của Vũ “Nhôm”, cùng những tin tức ngoài lề về khả năng vụ điều tra Phan Văn Anh Vũ đang nhanh chóng trở thành án và “dắt dây” tới hàng loạt quan chức Bộ Công an, kể cả quan chức cao cấp trong bộ này.
Thậm chí còn “cao hơn nữa”.
“Về quan điểm, Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyêt nhất, chứ không có du di” - Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức trả lời báo chí một cách mạnh bạo và rất tự tin. Biểu cảm trả lời như vậy là khác hẳn cách nói đều đều buồn ngủ và cực kỳ dè dặt của Đại tá Đức trong các cuộc họp báo trước đó.
Từ logic đảng cho “minh bạch thông tin” của vụ Vũ “Nhôm” trước đó, phát ngôn của Đại tá Đức cho thấy Bộ Quốc phòng có thể sắp công bố tin tức chính thức về vụ “Út trọc” trong tháng Tư năm 2018. Thậm chí còn có thể công bố thông tin về vài ba vụ bắt bớ khác liên quan đến vụ “Út trọc”.
Cần nhắc lại, tại cuộc gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn TP Đà Nẵng vào ngày 21-12-2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết: "Ở đây có Vũ "nhôm" mà mọi người đang nói thì ở ngoài Bắc, trong quân đội có nói về Út "trọc", cũng thượng tá cả", đồng thời khẳng định: "Quân đội vừa xử lý, bắt Út "trọc" rồi".
Chỉ ít ngày sau lời khẳng định mang tính “điềm báo” của người được cho là “rất thân” với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công an đã tiến hành bắt Vũ “Nhôm”. Tuy nhiên không biết có phải được mật báo hay không, Vũ “Nhôm” đã biến mất ngay trước mũi đội trinh sát của Công an Đà Nẵng. Phải mất đến một tuần sau, các cơ quan đặc biệt của Việt Nam mới phát hiện bóng dáng Vũ “Nhôm” ở… Singapore.
Còn bây giờ, vì sao Bộ Quốc phòng muốn tự tin bày tỏ muốn trở thành “cơ quan đi đầu” trong vụ Út “trọc”, trong khi “truyền thống” của chính thể Việt Nam và đặc biệt là các bộ “thanh kiếm và lá chắn của đảng” như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là “tốt khoe xấu che” ?
Một giả thiết được tiếp nối: phải chăng Út “trọc” - tuy mang hàm thượng tá quân đội - nhưng có thể là người “ngoài quân đội”, là “sân sau” của một quan chức cao cấp không thuộc quân đội?
Một luồng dư luận cho biết “Vũ”Nhôm”, Út “trọc” và một đại gia nữa là Khoa “Keangnam” là ba đệ tử và cũng là ba “sân sau” của một quan chức cao cấp trong đảng CSVN. Nhưng Khoa “Keangnam” đã tạm thoát, hoặc đã thoát hẳn nhờ “biết điều”.
Thời của Tổng cục II?
Ở một góc nhìn khác, “cơ quan đi đầu” theo phát ngôn của Đại tá Đức lại như một cách khẳng định gián tiếp về vai trò “số một” của Bộ Quốc phòng so với các bộ ngành khác.
Trong số các bộ ngành còn lại, vai trò của Bộ Công an đã bị lu mờ trong thời gian gần đây bởi nhiều vụ bê bối như Phan Văn Anh Vũ mà ít nhất liên quan đến Tổng cục Tình báo (Tổng cục V) thuộc bộ này, vụ “đánh bạc công nghệ cao” liên quan ít nhất Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao…
Hiểu rộng hơn, phát ngôn của Đại tá Đức cũng phù hợp với xu thế “nước lên thuyền lên” của Tổng cục II (Tổng cục Tình báo) thuộc Bộ Quốc phòng. Sau vụ Phan Văn Anh Vũ khiến Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Công an rơi vào tình thế “tang gia bối rối”, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng đang tràn trề cơ hội lấy lại thế lấn lướt và giành chiếm sân chơi bên cạnh tổng bí thư, kể từ giai đoạn những năm 2002 - 2003 khi Tổng cục II bị thất sủng bởi những vụ bê bối như A10 và T4, thậm chí còn bị cho là “công an bắt quân đội” vào lúc đó.
Trong vụ phát hiện và truy bắt Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ - kéo dài từ khoảng đầu năm 2017 đến đầu năm 2018, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của Tổng cục II quân đội.
Có vẻ đã đến thời phục hồi và “phục hận” của Tổng cục II.
Sau khi tái nhiệm chức vụ tổng bí thư đảng tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, trong hai năm sau đó có những dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng dành mối quan tâm đặc biệt đến cơ quan đặc biệt của bộ Quốc phòng là Tổng cục II.
Trước đó trong suốt 8 năm cầm quyền, người tiền nhiệm của ông Trọng là Nông Đức Mạnh đã chỉ biết đi các địa phương hô hào “trồng cây gì, nuôi con gì” mà không có biểu hiện nào cho thấy ông ta “nắm” được cơ quan tình báo quân đội quan trọng nhất quốc gia.
Trong thực tế, cùng với Tổng cục An ninh của Bộ Công an, Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng là cơ quan có khả năng lần mò và nắm giữ nhiều hồ sơ nhất về lĩnh vực chính trị nội bộ và nạn tham nhũng quan chức, có thể phục vụ đắc lực cho chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng.
Những cuộc làm việc chính thức và có thể cả không chính thức của ông Trọng với Tổng cục Chính trị và Tổng cục Tình báo quân độ trong hai năm 2016 và 2017, không biết vô tình hay hữu ý, đã làm nổi bật vai trò của Quân ủy trung ương nói chung và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói riêng so với thế lao dốc về uy tín của Bộ Công an cùng Bộ trưởng Tô Lâm.
2018 và có thể cả 2019 lại là những năm mà ngành công an rất có thể phải đối mặt với một chiến dịch “thay máu” của Tổng bí thư.
Vào đầu tháng Tư năm 2018, dựa trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Chính trị đảng đã ban hành một nghị quyết mang tính chung quyết về “sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an”: tin xấu dành cho khoảng bốn chục tướng lĩnh cấp tổng cục trưởng và tổng cục phó là bộ máy mới sẽ không còn cấp tổng cục nữa. Thậm chí bản nghị quyết của Bộ Chính trị còn không chấp nhận dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh. Đây là quyết định cuối cùng của Tổng bí thư Trọng về bộ máy và rất có thể về cả một danh sách dài nhân sự chủ chốt của ngành công an, sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị trung ương 7.
Nhưng trong lúc Bộ Công an bị rơi vào cảnh xáo trộn như thể “khủng hoảng”, bộ máy làm việc của Bộ Quốc phòng vẫn bình chân như vại.
Trong khi Bộ Công an mất toàn bộ cấp tổng cục thì Bộ Quốc phòng vẫn được giữ nguyên 5 tổng cục là Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
No comments:
Post a Comment