Wednesday, April 4, 2018

Chuyên gia Pháp cảnh báo chưa chắc COC có lợi

Mỹ Lan RFA-2018-04-04  
Tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia trên Biển Đông

Tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia trên Biển Đông-AFP

Bộ Quy Tắc Ứng Xử Của Các Bên Tại Biển Đông- COC được  nhiều phía cho là giải pháp đối với các tranh chấp tại khu vực có tuyến đường hàng hải quan trọng ngày.

Tuy nhiên theo tướng Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự đầu tiên của ĐSQ Pháp tại Việt Nam, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp) thì cần thận trọng vì có thể CoC sẽ bất lợi cho những nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. 

Phóng viên Mỹ Lan của RFA có cuộc trao đổi với tướng Daniel Schaeffer xung quanh vấn đề này cũng như vụ việc liên quan. 

RFA: Thưa ông, trong một báo cáo được đăng tải trên Diplomaweb vào năm ngoái, ông đã từng đề cập đến những rủi ro của các nước Đông Nam Á khi tham gia ký kết các điều khoản trong Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).  Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Tướng Daniel Schaeffer: Điều đầu tiên, tôi cho rằng các nước ASEAN cần phải tính đến những nguy cơ có thể xảy ra khi ký kết các điều khoản hiện đang được thương lượng tại Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).  

Thứ nhất, các nước như Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines hiện nay đều có vùng đặc quyền kinh tế riêng (EEZ) mở rộng đến 200 hải lý tương đương 370 km từ đất liền ra tới Biển Đông và đều có chủ quyền trên vùng biển này . Điều này đồng nghĩa với việc họ có quyền khai thác, đánh bắt và đặc biệt là quyền thăm dò và khai thác khí đốt tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố về bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” thì một phần vùng biển chủ quyền của các nước này lại nằm bên trong đường 9/10 đoạn mà Trung Quốc cho là thuộc lãnh hải của mình. Và thực tế là Trung Quốc đã đe doạ việc Philippines khai thác dầu tại Bãi Cỏ Rong cũng như mới đây ép buộc Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Tư chính, vốn những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam.


Do đó, nếu như không vô hiệu hóa được ‘đường 9/10 đoạn’ phi pháp, mà đã vội vàng ký kết một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì nếu tiếp tục thực hiện hoạt động khai thác tại khu vực này, Việt Nam sẽ là nước chính thức vi phạm. Cụ thể, nếu như Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) lựa chọn được nhà thầu khai thác 9 lô nhiên liêu hoá thạch mà họ đã xác định được và mặc dù là những lô nhiên liệu này nằm trong EEZ của Việt Nam nhưng Trung quốc lại cho rằng chúng nằm trọn trong đường 9/10 đoạn thì khi đó, việc Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại đây sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế theo tuyên bố của Trung Quốc.
Điều này cũng tương tự như việc Trung Quốc phản đối Indonesia đổi tên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc của quần đảo Natuna là biển Natuna hay việc Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Philippines nằm trong đường 9/10 đoạn của Trung Quốc và buộc tội các nước này khai thác trái phép trong vùng biển của Trung Quốc. 

RFA: Ngoài thâm ý như vừa nêu của Trung Quốc, theo ông Bắc Kinh còn đang có những động thái gì nhằm đạt được ý đồ trên biển của họ?
Tướng Daniel Schaeffer: Ngoài việc sẽ dùng “công cụ pháp lý” được ký kết trong COC để chống lại các nước ASEAN thì với việc trở nên ngày càng mạnh hơn về sức mạnh quân sự và an ninh hàng hải, Trung Quốc sẽ càng có cớ để gây áp lực cũng như có quyền can thiệp quân sự đối với các quốc gia Đông Nam Á, một khi các nước này tiến hành những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm vùng biển của mình.
Trên thực tế là mặc dù Toà Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế-PCA đã ra phán quyết cho rằng đường 9/10 đoạn của Trung Quốc không có bất kỳ giá trị về mặt pháp lý thì Trung Quốc vẫn không tôn trọng quyết định này bởi vẫn chưa có một biện pháp trừng phạt nào đối với việc không tuân thủ của Trung Quốc trong vấn đề này. Và dường như luật pháp quốc tế đang đứng về phía Trung Quốc bởi vì cách đây khoảng 2,3 năm đã xảy ra một vụ đụng độ giữa một tàu của Nicaragua và một tàu của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư, vốn là vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc xét xử lại diễn ra ở  Trung Quốc chứ không phải là ở Nhật Bản và điều này cho thấy là luật pháp dường như đang ngầm công nhận quần đảo Điếu Ngư là thuộc về Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản. Đặc biệt,  từ hai năm nay, Trung Quốc đang nghiên cứu việc thành lập những toà án quốc tế riêng cho những yêu sách về hàng hải của mình. Mặc dù lúc này họ còn rất thận trọng khi tuyên bố chưa phải lúc để thành lập những toà án quy mô quốc tế nhưng rõ ràng là họ luôn là nước đi trước trong việc tạo ra những ràng buộc pháp lý có lợi cho họ và rất có khả năng, một ngày nào đó nếu như COC chính thức được thông qua, Trung Quốc sẽ chính là nước đại diện cho Toà án quốc tế để ra phán quyết đối với những quốc gia mà họ buộc tội là vi phạm.


3. RFA: Thưa ông, vì sao Toà trọng tài thường trực quốc tế (PCA), mặc dù là một tổ chức quốc tế nhưng những phán quyết của toà án này lại không đủ mạnh để gây áp lực đối với Trung Quốc trong những tranh chấp nói trên?

Tướng Daniel Schaeffer: Pã thực hiện nhiệm vụ của mình là đưa ra những phán quyết trong các vụ tranh chấp quy mô quốc tế. Tuy nhiên, họ không thể can thiệp và ép buộc  để Trung Quốc phải thực hiện những phán quyết. PCA đã đưa ra phán quyết của mình trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào năm 2013 nhưng theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc thì nếu một phán quyết như vậy được đưa ra thì kết quả của nó cũng sẽ được áp dụng đối với tất cả các nước có liên quan khác. Ví dụ như phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng sẽ có thể được áp dụng đối với các nước khác trong khu vực. Đó là một trong những hạn chế của PCA. Bên cạnh đó là việc Liên Hợp Quốc bao gồm cả Đại hội đồng LHQ đã không lên án mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những phán quyết mà PCA đưa ra. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ cũng không thể can thiệp trong trường hợp này bởi Trung Quốc là thành viên thường trực thứ 5 trong  trong cơ quan này do đó Trung Quốc hoàn toàn có thể phủ nhận phán quyết trên nếu muốn. Ngoài ra, Hoa Kỳ, đối trọng trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng và không tỏ rõ thái độ ủng hộ hay phản đối phán quyết trên của PCA nên cho đến thời điểm này Trung Quốc đang là một quốc gia rất quyền lực trong những tranh chấp về lãnh hải với các quốc gia có liên quan.

RFA: Vậy theo ông các nước Đông Nam Á và cụ thể là Việt Nam cần phải hành động như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Tướng Daniel Schaeffer: Trong trường hợp này các nước Đông Nam Á nên hợp tác với Trung Quốc trên chính những vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả các quốc gia có liên quan. Ví dụ như Việt Nam hoàn toàn có thể mời Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tham gia khai thác những mỏ dầu mà Việt Nam chưa tiến hành khai thác và thoả thuận hợp tác sẽ được soạn thảo theo hướng để Trung Quốc thừa nhận tiến hành thực hiện khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là của Trung Quốc. Đây cũng là việc mà Philippines đang thực hiện. Mặc dù đã có rất nhiều tranh luận liên quan đến quan điểm chính trị tại Philippines liên quan đến đề xuất này, nhưng trên thực tế việc Tập đoàn dầu khí Philippines và Trung Quốc ký kết với nhau là ở cấp độ hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp chứ không phải ở cấp quốc gia. Do đó Philippines hoàn toàn có thể hợp tác cùng CNOCC khai thác khí đốt tại bãi Cỏ Rong cho dù đây là vùng biển tranh chấp của hai quốc gia này. Và Việt Nam cũng hoàn toàn có thể học tập Philiippines theo hình thức này.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên giữ mối quan hệ chặt chẽ với Nga vì mặc dù Nga là đồng minh của Trung Quốc trong cuộc chạy đua với Mỹ, nhưng Nga lại là đối tác trung thành với Việt Nam và nếu tôi nhớ không nhầm đã có lần Nga hứa giúp Việt Nam khai thác các mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, VietSoPetro có thể đề xuất với Tập đoàn dầu khí Việt Nam trở lại thăm dò và khai thác Mỏ Cá Rồng Đỏ để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước Trung Quốc, trong trường hợp công ty khoan dầu Repsol của Tây Ban Nha bị buộc phải rời khỏi khu vực này.


RFA: Xin cảm ơn ông.

No comments:

Post a Comment