Nguyên Huy/ Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hai buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen được các hội đoàn trong cộng đồng người Việt ở miền Nam California tổ chức trọng thể vào Chủ Nhật, 29 Tháng Tư 2018 tại nhiều nơi trong thành phố Westminster, khu Little Saigon mà người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới đều coi là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng Sản.
Buổi lễ thứ nhất diễn ra vào buổi sáng do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tổ chức tại công viên Tượng Đài trong thành phố Westminster, cũng là dịp Ủy Ban kỷ niệm 15 năm thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Buổi chiều là lễ Tưởng Niệm do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân trong khuôn viên nghĩa trang Peek Family.
Cũng vào buổi tối, một buổi thắp nến cầu nguyện cho quê hương sớm thoát Cộng Sản cũng được diễn ra tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Ông Hồ Ngọc Minh Đức, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một cựu sĩ quan Hải Quân QLVNCH, và bà Phạm Minh Huệ phó trưởng ban tổ chức trong dịp này đã nói lên ý nghĩa của buổi lễ này.
Trong bài phát biểu, các diễn giả đã sơ lược lại dòng lịch sử cận đại từ khi chia đôi đất nước Việt Nam năm 1954, nhưng CSVN vẫn nuôi dưỡng mộng toàn trị nên sau năm 1958, CSVN đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam với sự yểm trợ tối đa của thế giới cộng sản nên đã cưỡng chiếm được miền Nam.
Nhưng qua dòng lịch sử này, người dân Việt cả Bắc lẫn Nam đều không muốn phải sống trong chế độ Cộng Sản. Họ đã “bỏ phiếu bằng chân” qua 2 cuộc di cư, di tản vĩ đại có một không hai trên thế giới. Cuộc trốn chạy Cộng Sản lần đầu sau năm 1954 lên đến gần một triệu người. Tuy vậy, cuộc trốn chạy này dù phải bỏ quê hương làng xóm nhưng vẫn còn được sinh sống trên đất mẹ. Đến cuộc trốn chạy lần thứ hai, ròng rã hơn 10 năm trời sau năm 1975, số người bỏ chạy khỏi miền đất Cộng Sản cai trị đã lên đến gần 3 triệu người phải lưu lạc trên khắp thế giới khiến cả thế giới phải mở rộng vòng tay đón nhận những người đã chấp nhận chín chết, một sống để được sống tự do. Nếu như lòng nhân đạo của thế giới chưa mệt mỏi thì có lẽ số người dân Việt vẫn còn trốn chạy Cộng Sản tiếp nữa và con số “thuyền nhân” không chỉ dừng ở số gần 3 triệu người.
Trong buổi lễ tại Tượng Đài Thuyền Nhân, ông Thái Tú Hạp, đồng chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng cũng bày tỏ lòng biết ơn đế những người đã chết cho chúng ta được sống. Chính vì những thảm nạn của thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông mà thế giới đã đón chúng ta nay chúng ta đã không chỉ có được đất sống mà cộng đồng chúng ta đã phát triển đóng góp vào sự lớn mạnh của những vùng đất chúng ta tị nạn. Dân tộc chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt để có được sự tự do ngày hôm nay. Đó là lý do hàng năm vào tuần lễ thứ tư của Tháng Tư Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân lại tổ chức lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân.
Điều đặc biệt trong buổi lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Đen nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, số người tham dự có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người đã lên phát biểu về chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó là khối người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Những cựu chiến binh Hoa Kỳ này đã không ngớt ca ngợi sư vươn lên của khối người Việt tị nạn, nay đã là những công dân Hoa Kỳ và đóng góp cho quê hương thứ hai của họ. Nên, những buổi lễ tưởng niệm đến những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ tự do trong chiến tranh Việt Nam cần được tiếp tục gìn giữ để nhắc nhở các thế hệ đi sau cái giá của Tự Do mà người Việt đã phải trả.
Cả hai buổi lễ đều có rất nhiều quan khách, dân cử của các thành phố như Westminster, Garden Grove, Stanton đã lên chia sẻ tâm tình với cộng đồng người Việt.
Thị trưởng thành phố Stanton sau khi ca ngợi sư hy sinh của các chiến sĩ Mỹ Việt, đã nhắc nhở “chúng ta những người được hưởng sư hy sinh đó cần phải tiếp tục bảo vệ sự tự do.”
Tại lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân, cũng có nhiều dân cử trong vùng lên phát biểu ý kiến. Hầu hết đều cho rằng “cái giá của tự do mà dân tộc Việt Nam đã phải trả bằng sự hy sinh của các thuyền nhân không đến được bờ bến tự do là cái giá quá cao. Hàng năm chúng ta tổ chức lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân như thế này là để mọi người, nhất là các thế hệ sau nhận biết là cái giá của Tự Do mà cộng đồng người Việt hiện đang được hưởng là từ những sự hy sinh đắt giá đó.”
Sau những lời phát biểu của các giới chức trong cộng đồng, ban tổ chức đã mời mọi người tham dự tập trung quanh hồ nước có dựng tượng các thuyền nhân đang hướng về phía Tự Do trên đường chạy trốn chế độ Cộng Sản.
Hội Đồng Liên Tôn với các đại diện Phật Giáo, Công Giáo, Công Giáo Chính Thống, Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài đã thay nhau đọc những lời cầu nguyện trước Tượng Đài Thuyền Nhân trong khi đông đảo đồng hương cầm nhang cùng cúi đầu tưởng niệm.
Sau lễ cầu nguyện, nhiều người đã đi quanh hồ, thăm các bia đá ghi khắc hơn 5 ngàn thuyền nhân thiệt mạng mà Ủy Ban Xây Dựng đã nhận được thông báo từ gia đình các nạn nhân.
Họa sĩ Đinh Hiển, một nhà báo về hưu là một trong những người có thân nhân bị chết trên đường vượt biên. Ông cho biết: “Nó là con trai tôi khi đó mới 22 tuổi, bị chìm thuyền vì giông bão trong chuyến đi tìm tự do, có 2 thuyền chứa khoảng gần 100 người. Chỉ có một chiếc đến được bờ tự do. Đây tên nó đây được Ủy Ban ghi khắc cùng hơn 5 ngàn thuyền nhân xấu số khác. Theo tôi được biết thì HCR ước lượng cũng phải tới năm sáu trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã không đến được bến bờ tự do.”
Tháng Tư, tháng mà người Việt tị nạn gọi là Tháng Tư Đen của dân tộc khi Cộng Sản cưỡng chiếm được toàn thể đất nước Việt Nam, đã khiến nhiều triệu người phải bỏ nước ra đi. Cuộc ra đi ấy tố cáo tội ác Cộng Sản, khiến nhân loại bừng tỉnh trước những gian dối bịp bợm của các chế độ cộng sản. Những thuyền nhân Việt Nam bỏ mình trên đường tìm tự do trong suốt hơn 10 năm trời sau 30 Tháng Tư, 1975 đã viết lên một cáo trạng thực tế về tội ác của chế độ cộng sản, mà hiện vẫn đang còn cai trị hàng triệu người dân ở Việt Nam. (Nguyên Huy)
No comments:
Post a Comment