Phạm Chí Dũng
Việt Nam – Cali Today News – Lại vừa hiện thêm một dấu hiệu rất đáng nghi ngờ về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung- Formosa.
Ngày 27/4, báo chí nhà nước đã đăng tải một danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2018, nhưng cái tên Công ty gang thép Formosa đã hoàn toàn trốn biệt trong danh sách này.
Cũng vào những ngày này, nước biển ở một số khu vực các tỉnh miền Trung và cả ở Đà Nẵng đã chuyển thành màu xanh thẫm đầy đe dọa. Lần chuyển màu này là sự tiếp nối của rất nhiều lần nước biển bị ô nhiễm trầm trọng kể từ đầu năm 2016 mà đã khiến tôm cá nổi xác đầy mặt biển, kể cả gây ra cái chết của một người thợ lặn muốn phát hiện ra nguồn cơn làm cá chết.
Trong vụ Formosa, Bộ Trưởng đương nhiệm của Bộ Tài Nguyên Môi Trường là Trần Hồng Hà cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) của Formosa Hà Tĩnh của Bộ Tài Nguyên Môi Trường vào năm 2008. ÐTM này chỉ dài 1 trang mà không có một dòng nào về môi trường biển. Trong khi đó, Luật Bảo Vệ Môi Trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.
Trong phần ÐTM, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2.5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ÐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường.
Nhưng bất chấp ÐTM “làm cho có” trên cùng nhiều dấu hiệu về hành vi “ngậm miệng ăn tiền” của giới quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường và các “nhà khoa học”, cho đến nay vẫn chẳng có bấ cứ quan chức nào của bộ này bị xử lý.
Khi mới xảy ra thảm họa Formosa, chính Bộ Tài nguyên và Môi trường là nơi đưa ra nguyên nhân “thủy triều đỏ” như một thói dối trá lâu năm mặc định thành bản chất.
Vào năm 2016 và 2017, Formosa chuyển hai lần số tiền 500 triệu USD bồi thường, mỗi lần 250 triệu USD, vào tài khoản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường “ngâm” số tiền 500 triệu USD trong tài khoản ngân hàng quá lâu mà không chuyển ngay cho các địa phương nhằm hưởng lãi ngân hàng.
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra “nhận trách nhiệm giữ giùm” 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ “bảo kê” rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Cho đến đầu năm 2017, chính quyền mới chỉ giải ngân 30% của 500 triệu USD tiền bồi thường. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã “giữ dùm” tỷ lệ 70% còn lại trong suốt 8 tháng. Lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền “tạm ứng” đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai? Có phải theo “thông lệ” đã chui vào túi giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân? Và đó có phải là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý “ngâm” tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt?
Đây có thể là một hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng, tuy nhiên cơ quan bộ này đã không bị hề hấn gì.
Cho đến nay, đã không có bất kỳ minh bạch nào về số tiền mà Bộ Tài nguyên và Môi trường “giữ dùm” gửi trong ngân hàng.
Giờ đây, việc một thủ phạm đầu bảng gây ô nhiễm môi trường là Formosa lại không nằm trong danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2018 đã cho thấy một sự bất chấp và thách thức đối với nhân dân.
Nhưng đằng sau động tác bỏ Formosa khỏi danh sách trên, còn loáng thoáng cái bóng gật gù của Chính phủ Việt Nam.
Vào năm 2016, chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc đã vướng vào một vụ bê bối rất lớn: quá nhiều dư luận đã nghi ngờ và phản ứng dữ dội khi ông Phúc tự thỏa thuận về Formosa về khoản bồi thường 500 triệu USD của doanh nghiệp này mà không thèm hỏi ý dân. Nhiều ý kiến đã cho rằng Thủ tướng Phúc đã “đi đêm” với Formosa.
Thủ tướng Phúc đã từng hứa “cuội” không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa “tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền”. Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc “thống kê thiệt hại” do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương.
Nhiều báo cáo của chính quyền các địa phương cho rằng đã hỗ trợ gạo cho bà con ngư dân, nhưng ngay sau đó bị chính ngư dân phát hiện một phần gạo đã bị mốc xanh đếtn nỗi vịt còn không chịu ăn, cho tới nay nhiều hộ dân vẫn khẳng định chưa nhận được tiền bồi thường Formosa.
Mới đây, trang báo điện tử Infonet đã phát hiện một sự thật chấn động: tiền hỗ trợ công tác kiểm đếm, thống kê sự cố Formosa cho Hội đồng và cán bộ thôn ủy ban nhân dân xã Xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nhận về, nhưng không chi trả đầy đủ cho các thôn, mà chính quyền xã này giữ lại một phần lớn số tiền để… đi du lịch, may quần áo, trang trí và sửa máy móc trong ủy ban.
No comments:
Post a Comment