Mấy ngày qua, dư luận trong nước xôn xao về chuyện chủ tịch nước Trần Đại Quang biến mất trên chính trường, mà dư luận cho là ông đi chữa bệnh ở Nhật Bản và không có mặt để tiếp đón nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi thăm Việt Nam, cho dù cả 3 trụ cột còn lại trong triều chính Việt Nam là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều có các cuộc tiếp đón nhà lãnh đạo này.
Thực ra, việc ông Trần Đại Quang phải tiếp tục điều trị bệnh là điều đã được dự đoán từ trước bởi từ sau lần đi chữa bệnh ở Nhật Bản vào tháng 7 năm 2017, ông xuống sắc một cách thê thảm. Trông sắc mặt mệt mỏi, tác phong chậm chạp của ông Quang mọi người đều hiểu rằng việc ông trở lại giường bệnh chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Nắm bắt trước được điều này, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đã ra đòn quyết định để ông Quang không thể yên bình trở về như hồi tháng 8 năm ngoái và ngồi tiếp trên ghế Chủ tịch nước cho tới hết nhiệm kỳ.
Thời điểm đó, Trọng và Phúc chỉ tấn công Quang trên hai mũi đó là thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trước khi Quang đi chữa bệnh và sau đó dùng bồi bút Huy Đức kêu gọi hạ bệ Quang. Thì ở lần này Trọng và Phúc tấn công Quang trên 3 mũi, đó là dùng truyền thông gán cho Quang là đã xin bộ chính trị được từ chức trước khi đi chữa bệnh; rồi thực hiện hàng loạt các vụ bắt giam, khởi tố các tay chân của Quang trong ngành công an; và đáng chú ý nhất là việc cử phái đoàn sang Trung Quốc xin ý kiến của Tập Cận bình về việc thay thế Quang.
Còn nhớ, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được thực hiện vào ngày 23/7/2017 tại Berlin, chỉ khoảng chưa đầy 1 ngày trước khi ông Quang được cho là lên đường sang Nhật chữa bệnh. Trước đó, giới thạo tin đã đồn đoán về việc có nhân vật cấp rất cao trong ngành công an đã ra lệnh cho cấp dưới thả cho Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài trước khi bị sập bẫy của tổng Trọng. Và nhân vật cấp cao ấy không ai khác chính là cựu Bộ trưởng công an Trần Đại Quang. Sau khi tiết lộ vụ Trịnh Xuân Thanh, ngày 10/8/2017, bồi bút Huy Đức Ô sin còn viết bài “Nguyên thủ quốc gia và định chế chủ tịch nước” yêu cầu ông Quang từ chức vì không đủ sức khỏe. Những động thái của Huy Đức Osin được cho là có chỉ đạo từ trên là đòn đánh tâm lý chí mạng với ông Quang, hy vọng ông sẽ hoàn toàn sụp đổ, không còn khả năng trở về để giữ chức Chủ tịch nước và xa hơn có thể là vị trí Tổng Bí Thư trong tương lai.
Mặc dù vậy, điều khó tin đã xảy ra khi ông Quang trở về Việt Nam vào ngày 28/8/2017. Để xua tan sự nhòm ngó của các đối thủ đồng đảng, Trần Đại Quang – người được đối thủ chính trị của Tổng Trọng là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cất nhắc, đã thực hiện hàng loạt các cuộc tiếp đón mỗi ngày trong liền vài tuần sau đó để thể hiện mình vẫn còn dư sức làm Chủ tịch nước. Sự trở lại của ông Quang rõ ràng là nằm ngoài dự kiến của tổng Trọng và Phúc cũng như Trung Cộng. Cũng phải nói thêm, Bắc Kinh từ trước đó vẫn coi ông Quang là nhân vật không thể gần gũi. Nhiều đồn đoán cho rằng chính trong chuyến đi thăm lần đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước tới Bắc Kinh hồi tháng 5/2017, ông Quang đã bị phía Trung Cộng đầu độc để rồi 2 tháng sau từ một người khỏe mạnh, ông đã mắc bạo bệnh.
Rút kinh nghiệm về lần trở lại trước của ông Trần Đại Quang, lần này Tổng Trọng và Phúc đã gần như đánh sập đường trở lại của ông Quang với việc cho báo chí không chính thống đồng loạt đăng các bài viết là ông Quang đã xin từ chức Chủ tịch nước trước khi đi chữa bệnh. Bên cạnh đó, Trọng và Phúc chỉ đạo bắt giữ hàng loạt tay chân của ông Quang trong ngành công an như Trung Tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao để điều tra vì liên quan đến đường dây đánh bạc với quy mô hàng ngàn tỉ đồng; Giám đốc công an Đà nẵng Đại tá Lê Văn Tam đang bị sờ gáy vì nhận căn biệt thự gần 100 tỷ đồng bên bờ sông Hàn từ Vũ Nhôm. Còn thượng tá an ninh tình báo Vũ Nhôm – một tay chân của ông Quang đang bị đẩy nhanh tiến trình khởi tố, đồng thời cựu bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh – một thân cận nữa của ông Quang cũng sắp bị bắt giữ và khởi tố. Cựu Tổng cục phó Tổng cục tình báo Trung tướng Phan Hữu Tuấn cũng bị bắt giam vì liên quan đến Vũ Nhôm. Người ta cũng không thể bỏ qua việc cảnh sát giao thông Hà Nội – lực lượng năm xưa do ông Quang chỉ đạo trực tiếp cũng đang bị báo chí đồng loạt tố “làm luật như ảo thuật” trong thời gian qua. Với những con người và vụ việc phanh phui cụ thể trên, mùi dùi chính là chĩa vào ông Quang bởi ông sẽ phải là người chịu trách nhiệm về sự quản lý yếu kém và để cấp dưới tham nhũng tràn lan.
Một mũi giáp công nữa hết sức quan trọng mà tổng Trọng thực hiện nữa đó là việc ông này cử Trưởng ban kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình sang Trung Quốc tiếng là để đi thăm hữu nghị, nhưng thực chất là để xin ý kiến về trường hợp của Quang và hỏi ông anh phương Bắc xem ai sẽ được chỉ định kế nhiệm.
Cũng cần phải nhắc lại về trường hợp của cựu Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh và đồng thời cũng là ứng cử viên thay thế chức Tổng bí thư, để thấy ông Trọng đã ra tay một cách lạnh lùng và tàn nhẫn đến như thế nào. Sau khi ông Huynh đi điều trị bệnh ở Nhật về xong, tổng Trọng dứt khoát không đưa Huynh trở lại chức Thường trực Ban bí thư mà đưa đàn em Trần Quốc Vượng – trưởng ban tổ chức trung ương lên thay thế, ông Vượng từng bước lân la lên vị trí Ủy viên Thường trực ban Bí thư rồi sau đó và chính thức nhậm chức Thường trực ban Bí thư, hất Huynh ra ngoài cho dù ông này đã hồi phục sức khỏe và chờ ngày trở lại. Loại được Huynh, tổng Trọng có thể thở phào nhẹ nhõm vì ông ta đã “bứng” đi được ứng cử viên nặng ký nhất có thể thay thế ông ta vào giữa năm 2018 theo như cam kết tại Đại hội Đảng khóa 12 hồi tháng 1/2016 nhất trí để ông Trọng tái cử chức Tổng bí thư trong đúng nửa nhiệm kỳ 5 năm nhằm đào tạo lớp lãnh đạo kế cận. Nếu lần này loại nốt được Quang, tổng Trọng có thể kê cao gối ngủ yên bởi ít ra đến cuối nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư năm 2021 không ai có đủ tư cách để có thể thay thế ông ta.
Trong khi cuộc chiến hạ bệ Quang đang đi vào hồi kết thì cũng là lúc người ta bắt đầu chứng kiến cuộc đua đến chức chủ tịch nước cũng đang nóng dần. Trong những ngày qua, 3 ứng cử viên hàng đầu là Trưởng Ban kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình, Bí thư thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Trọng Nghĩa đều đã thực hiện những động thái để làm hài lòng Tổng Trọng và Bắc Kinh.
Ông Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên dẫn đoàn tới Bắc Kinh để gặp nhân vật quyền lực số 2 của Bắc Kinh Vương Kỳ Sơn từ ngày 15 đến 19/4 mà thiên hạ đồn đoán đây là chuyến thăm để Bình tự Marketing bản thân với giới cầm quyền Trung Cộng . Nguyễn Thiện Nhân thì lớn tiếng phát biểu “Đại hội Đảng khóa tới ‘không có chạy chức’” tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 16 chiều 17/4, đồng thời, Nhân cũng vừa giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 30 hecta đất tại Phước Kiển cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Còn ở Đà Nẵng, bí thư Trương Quang Nghĩa cũng nổ bằng việc chống nạn “con ông cháu cha” trong buổi làm việc với quận ủy quận Cẩm Lệ hôm 17/4. Nhưng cần phải nhắc lại là chính ông Nghĩa lại là em ruột của ông Trương Quang Được – cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng và cũng là cựu trưởng ban dân vận trung ương.
Hiện chưa ai có thể biết chính xác trong cuộc đua tam mã tới chức chủ tịch nước, chiến thắng sẽ thuộc về ai. Nhưng nhìn vào những diễn biến những ngày qua mới thấy, chính trường Việt Nam giờ giống như một khu rừng hoang ở châu Phi. Khi mà một con mãnh thú chuẩn bị ngã xuống thì nó sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những mãnh thú khác xông tới xé xác làm thịt. Và một khi chính thể được nắm giữ bởi những những lãnh đạo thèm khát quyền lực đến như vậy thì tương lai nào đang chờ đợi người dân Việt Nam?
No comments:
Post a Comment