Kỳ 1: Đi tìm tung tích anh trai mất tích từ năm 1982
WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi bám được vào một thanh sắt, lấy hết sức trườn ra khỏi những bao hàng đang đè lên người và cố lết ra khỏi toa tàu. Tôi thấy người chết la liệt, toàn là những xác chết banh da xẻ thịt. Trong đống thịt ngổn ngang đó, tôi nhìn ra chiếc áo đầm màu xanh của đứa em gái kế út…”
Anh Nghĩa Trần, 50 tuổi, đang sống ở Houston, Texas, kể lại những gì mà anh chứng kiến khi thoát chết trong tai nạn lật xe lửa tại ga Bàu Cá, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào năm 1982, cách đây 36 năm.
Có thể nói đây là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử đường sắt Việt Nam, khiến hơn 200 người thiệt mạng, với không biết bao nhiêu thi thể không toàn thây, trong đó có mẹ và hai người em gái của anh Nghĩa.
Thế nhưng, tin tức về tai nạn này, cũng như một nghĩa trang tiêu điều với hàng trăm ngôi mộ vô danh của những nạn nhân liên quan, có thể mãi mãi chìm vào quên lãng, nếu như cách đây bốn năm, chị Trần Thị Cẩm, một phụ nữ 59 tuổi đang sống tại Sài Gòn, không quyết lòng đi tìm cho ra tung tích về cái chết của anh trai và chị dâu mình.
Hành trình tìm tung tích vợ chồng anh trai của chị Trần Thị Cẩm đã lần hồi lật lại “hồ sơ” của tai nạn này, mà đến hôm nay, ngay cả nhiều viên chức trong ngành đường sắt Việt Nam, vẫn tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi nghe nhắc đến.
Chuyến đi tìm người sau 32 năm mất tích
Đến thời điểm này, có thể nói chị Cẩm là người đầu tiên “khui” lại sự kiện này sau hơn 30 năm thông tin bị bưng bít.
Qua điện thoại, chị Cẩm, bằng một giọng nói ấm áp, rõ ràng, kể với phóng viên Người Việt câu chuyện tưởng đã rơi vào quên lãng.
Theo chị Cẩm, anh trai chị, tên Trần Thái Phương, từng là người “nhảy tàu” (tức người đi tàu chui, không mua vé) để đi lượm than về bán kiếm tiền sinh sống trong thời buổi khốn cùng của đất nước sau 1975.
Trong những chuyến tàu ngược xuôi đó, anh Phương quen biết và yêu một phụ nữ tên Nở ở Nha Trang cũng làm công việc như anh, việc của những người nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Và người phụ nữ đó đã mang trong người giọt máu của anh Phương.
Khi biết mình sẽ làm cha, anh Phương đưa chị Nở về ra mắt gia đình. Chị Nở mồ côi cha mẹ, chỉ còn có người cậu. Theo lời đề nghị của ba chị Cẩm, anh Phương sẽ đưa chị Nở trở ra Nha Trang để làm giấy tờ tùy thân cũng như báo cho gia đình bên chị Nở biết, trước khi quay trở vào Sài Gòn, từ giã nghề “nhảy tàu” rồi “đi kinh tế mới” ở nông trường An Phú cùng ba má anh.
“Trước khi đi, anh có ghé nhà tìm tôi ở Củ Chi để xin ít đồng làm lộ phí, cũng như xin mấy cái bao bố để trong chuyến trở vô Sài Gòn sẽ lượm ít bao than mang về bán kiếm chút tiền, coi như chuyến cuối từ giã ‘nghề nhảy tàu,’” chị Cẩm nhớ lại.
Và đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy anh trai mình vào năm 1982.
“Anh nói sẽ đi và trở về trong một tuần, thế nhưng cứ chờ hoài mà không thấy. Mà cũng chẳng biết hỏi thăm tin tức ở đâu, vì thời buổi đó quá khó khăn, ai cũng lo chạy gạo từng bữa, rồi nghe nói chị Nở ở Nha Trang thì biết vậy thôi chứ thật sự cũng có biết nhà chỉ ở đâu mà hỏi thăm,” chị Cẩm kể tiếp.
Tin tức về người anh bị lãng quên cho đến… hai năm sau đó có người bà con xa ghé nhà chị Cẩm chơi và nói cho biết rằng từng có một tai nạn lật tàu ở ga Bàu Cá, Trảng Bom vào thời điểm mà anh trai chị Cẩm “mất tích.”
Tuy nhiên, như chị Cẩm nói, “Biết thì biết vậy chứ lúc đó gia đình tôi thật sự khó khăn, gạo còn không có ăn thì làm gì có tiền bạc và tâm trí nghĩ đến chuyện đi tìm anh.” Thế nên, sự biệt tăm của anh Phương lại bị người nhà quên đi.
Thời gian sau, chị Cẩm có một giấc mơ “kỳ lạ.”
“Trong mơ, tôi không nhìn thấy rõ hình ảnh anh trai tôi, mà chỉ nghe giọng anh văng vẳng nói ‘Cẩm ơi, anh nằm chết ở đây nè.’ Tôi nhìn thấy trong mơ hình ảnh bên tay trái là một đường tàu, bên tay phải là một bụi rậm cỏ mọc um tùm, chính giữa là con đường đất đỏ cong cong,” chị Cẩm kể tiếp.
Chị nói chị không quên hình ảnh trong giấc mơ, nhưng mãi đến năm 2014, tức 32 năm sau khi anh Phương “biến mất,” hoàn cảnh gia đình chị ổn định và vững vàng hơn, mới là lúc chị quyết định thu xếp công việc tự hứa đi tìm cho ra tung tích anh trai mình.
Tìm nơi chôn cất những người mang tên ‘vô danh’
Chị Cẩm bắt đầu công việc tìm kiếm của mình bằng cách vào internet dò kiếm tin tức.
“Khi đó trên mạng chỉ thấy có một dòng tin nhỏ nhắc đến tai nạn xe lửa xảy ra vào ngày 17 Tháng Ba, năm 1982 tại ga Bàu Cá, trong đó họ nói đến có một nghĩa trang chôn những nạn nhân.” Theo dòng tin đó, chị Cẩm cùng một số người trong gia đình chạy xe máy đến khu vực trên ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, nơi chỉ cách Sài Gòn khoảng 2 tiếng.
Chị kể, “Ngày chúng tôi đi là ngày 17 Tháng Ba, 2014, tức đúng 32 năm xảy ra tai nạn. Trước khi đi, tôi có thắp nhang khấn ‘Bây giờ em đi tìm anh đây. Ngày xưa anh báo cho em biết hình ảnh trong giấc mơ, thì giờ anh hãy đưa đường dẫn lối cho em gặp được nơi ấy.”
Theo lời chị Cẩm, những người lớn tuổi sống quanh hiện trường đều biết đến tai nạn lật tàu với số người chết khủng khiếp. Tuy nhiên, không nhiều người trong số họ biết nghĩa trang chôn các nạn nhân nằm ở đâu. Bởi lẽ, nghĩa trang cách nơi mà đoàn xe lửa bị lật khoảng 3 cây số, “khi đó dân địa phương chạy ra phụ với chính quyền giúp người bị thương đưa đi cấp cứu, hay gom góp xác những người đã chết về một chỗ, còn sau đó người ta chở đi đâu thì họ không biết.”
Theo lời chị Cẩm, những người lớn tuổi sống quanh hiện trường đều biết đến tai nạn lật tàu với số người chết khủng khiếp. Tuy nhiên, không nhiều người trong số họ biết nghĩa trang chôn các nạn nhân nằm ở đâu. Bởi lẽ, nghĩa trang cách nơi mà đoàn xe lửa bị lật khoảng 3 cây số, “khi đó dân địa phương chạy ra phụ với chính quyền giúp người bị thương đưa đi cấp cứu, hay gom góp xác những người đã chết về một chỗ, còn sau đó người ta chở đi đâu thì họ không biết.”
Lần dò hỏi thăm, cuối cùng chị Cẩm cùng người thân cũng tìm được đến nơi gọi là Nghĩa Trang Đ.S.
“Tôi không thể nào quên được tâm trạng của mình khi đó, cả người tôi nổi gai óc. Bởi vì cảnh tượng mà tôi nhìn thấy giống y chang hình ảnh tôi từng thấy trong giấc mơ. Bên trái là đường ray xe lửa. Nghĩa trang nằm bên phải nhưng cây cối đã mọc um tùm che kín hết lối vào. Chính giữa là con đường đất đỏ. Tôi bật khóc tại chỗ,” người phụ nữ tiếp tục kể qua điện thoại.
Theo lời chị Cẩm, “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nghĩa trang là một cảnh tượng rất đau lòng, cây cỏ bụi bờ hoang vu, có nghĩa là mấy mươi năm rồi hình như không ai đặt chân tới.”
Chị Cẩm cùng người thân xúm lại nhổ cỏ, vạch những lùm cây để tìm lối vào.
“Khi đó trời đã về chiều, bụi rậm âm u, chui vào bên trong để biết đích xác đó là nghĩa trang mà nổi gai ốc, lại thêm phần sợ rắn rết, nên tụi tôi không đi quá sâu thêm vào trong mà quay trở ra. Đồng thời, tôi lại khấn anh trai mình rằng ‘Nếu thực sự anh chị có nằm ở đây thì hãy đưa đường dẫn lối cho em gặp người có tâm để giúp đỡ tìm ra anh chị,’” chị Cẩm kể lại câu chuyện thuộc về tâm linh mà chị đã làm trước khi mọi người rời khỏi nghĩa trang tiêu điều, hiu quạnh đó.
Thực tế có những điều xảy ra mà người ta không thể giải thích, chỉ biết rằng trong đời sống thực có sự hiện diện của “phép nhiệm màu.”
“Thật kỳ lạ là sau khi khấn xong, chúng tôi bước ra ngoài thì bỗng nhìn thấy xa xa cách đó khoảng 100 mét có một vườn điều. Chúng tôi đi về hướng ấy thì thấy có một ông bác đang ngồi lặt điều. Đó chính là bác Nguyễn Kim Hoạt, người từng đào huyệt chôn cất những người xấu số trong vụ lật tàu năm đó,” chị Cẩm nói.
Ông Nguyễn Kim Hoạt, 82 tuổi, là người đã đồng hành cùng chị Cẩm, từ giờ phút đó cho đến nay, trong việc phát quang, sửa sang lại hơn 100 mộ phần của những người chết trong vụ lật tàu ngày 17 Tháng Ba, 1982, mà cho đến nay vẫn không nhiều người biết đến. (Ngọc Lan)
(Đón đọc kỳ 2: Câu chuyện của những nạn nhân còn sống sót và các nhân chứng)
No comments:
Post a Comment