Monday, April 30, 2018

Công đoàn bắt tay với bảo hiểm để hút máu doanh nghiệp và người lao động? *

Thảo Vy (VNTB) Dường như tổ chức công đoàn bắt tay với tổ chức bảo hiểm để hút máu doanh nghiệp và người lao động?.

Trả lời báo chí, đại diện Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết từ ngày 1-1-2018, trường hợp doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, thì DN phải đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, và NLĐ vẫn được hưởng các chế độ, nghỉ phép, chế độ trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng như đối với lao động làm trọn thời gian. [http://bit.ly/2qYgGLI]
Quy định nói trên là cứng nhắc. Dẫn luôn thực trạng phổ biến trong ngành dệt may, một tổng giám đốc công ty may cho hay tỷ lệ nghỉ việc của lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng rất cao, khoảng 50-60%. Chủ sử dụng lao động chưa kịp phát sổ bảo hiểm thì những người này đã nghỉ việc, dẫn tới hiện tượng DN lại nợ sổ bảo hiểm, mất thời gian tìm NLĐ để trả, nhằm chốt sổ lao động và quyết toán tài chính. Về phía NLĐ ngắn hạn khi đã nghỉ việc cũng không có cơ hội để được hưởng tiếp chế độ bảo hiểm.

Ảnh minh họa.
Từ ngày 1-1-2018, lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH cũng tăng, vậy mà áp dụng thêm đóng bảo hiểm bắt buộc cho lao động ngắn hạn từ 1 đến dưới 3 tháng càng làm gia tăng chi phí đáng kể. Đặc biệt, đối với DN đơn thuần chỉ thực hiện gia công phục vụ xuất khẩu, tỷ lệ dịch chuyển lao động ngắn hạn rất cao. Trong khi đó, thủ tục mở sổ bảo hiểm rồi chốt sổ cũng mất thời gian chứ đâu có thể ngày một, ngày hai là xong. Trong chuyện chờ đợi của thủ tục hành chính này rất dễ khiến DN bị quy trách nhiệm trốn đóng bảo hiểm.

Đáng chú ý là trong một trả lời đăng trên báo Người Lao Động số phát hành ngày 24-4-2018 [http://bit.ly/2qYgGLI], ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, có nói rằng: “NLĐ giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, thì DN phải đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, và NLĐ vẫn được hưởng các chế độ, nghỉ phép, chế độ trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng như đối với lao động làm trọn thời gian”.

Câu trả lời này của ông Lê Đình Quảng hoàn toàn sai luật. Thứ nhất, theo Điều 111 của Bộ Luật lao động, thì NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động, mới được quyền nghỉ phép hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Thứ hai, về “trợ cấp”, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Điều 37, Bộ Luật lao động thì sẽ nhận được khoản trợ cấp thôi việc. “Trợ cấp thất nghiệp” chỉ nhận nếu như “đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp” (Điều 81, Luật BHXH).

Giờ đã là tuần cuối tháng 4-2018. Phần lớn hợp đồng thời vụ 3 tháng ký sau tết nguyên đán sẽ còn thêm 1 tháng nữa là kết thúc. Tuy nhiên cho đến nay phía cơ quan hữu trách vẫn chưa đưa ra được phương thức quản lý như thế nào sau khi những lao động ngắn hạn này nghỉ việc?. Liệu những người đã đóng BHXH bắt buộc có được chuyển sang tự nguyện sau khi nghỉ việc? (thật ra chuyện bảo hiểm tự nguyện với người thất nghiệp cũng bất khả thi, vì đã thất nghiệp thì tiền đâu để đóng?). Ngành bảo hiểm có tính được các trường hợp lao động sau 1-3 tháng nghỉ việc tại DN thì theo dõi tiếp hay chấm dứt BHXH sẽ ra sao?

“Tôi cho rằng chuyện bắt buộc đóng BHXH của lao động thời vụ là hút máu NLĐ lẫn chủ DN. Ai cũng biết lao động thời vụ thường có tỷ lệ nghỉ việc cao. Với những trường hợp DN đã đóng BHXH, nhưng khi lao động nghỉ việc không hoàn tất thủ tục chốt sổ, thì phải chăng cơ quan BHXH đã ẳm trọn khoản tiền này?”. Một chủ DN đặt vấn đề.

* Bài viết dựa trên góc nhìn riêng của tác giả về vấn đề BHXH và vai trò Công đoàn nhà nước, trên nguyên tắc mà Điều 19 - Tuyên bố quốc tế nhân quyền đề ra.

No comments:

Post a Comment