Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Dựa vào ca khúc "Ngày Cưới Em" của nhạc sĩ Y Vũ và ca khúc "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" của nhạc sĩ Nhật Ngân cộng thêm với "chữ ký" đặc thù của nhạc sĩ Nhật Ngân và các chi tiết phù hợp khác, ta có thể kết luận với xác suất gần như chắc chắn rằng Nhật Ngân là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Lời phủ nhận của nhạc sĩ Y Vũ về cảnh tượng sông, bến, thuyền mô tả trong bài hát là cái tát vào mặt giới nhạc sĩ và văn chương nghệ thuật. Việc nhạc sĩ Y Vũ tự nhận là tác giả có thể do bởi sự thay đổi bản chất con người dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam, đi ngược với sự công minh trung thực của người dân Việt thuộc miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
****
Dạo gần đây có nhiều tin tức và bài vở về vụ ai là tác giả thực sự của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông," một ca khúc rất thịnh hành trong miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 (Xem, thí dụ như, HTV 2017, Nguyễn 2009, Nguyễn Dư 2017, Nguyễn Hằng 2017, Trần 2017, Võ 2017, Vương 2013). Lý do cho việc tranh cãi là bìa nhạc ghi tên hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân, nhưng cả hai nhạc sĩ đều tuyên bố họ là tác giả duy nhất.
Nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích lý do tại sao tên của nhạc sĩ Y Vũ được ghi trên bìa nhạc. Đó là vì nhạc sĩ Y Vân, anh của nhạc sĩ Y Vũ, muốn giúp Nhật Ngân hoặc em mình có tên tuổi nên cho cả hai làm đồng tác giả. Nhạc sĩ Nhật Ngân cho biết ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" nói về chuyện tình của ông với một cô nữ sinh khi ông ở Đà Nẵng. Câu chuyện đó được đăng tải rộng rãi nhiều năm trước ngày nhạc sĩ Nhật Ngân mất vào năm 2012 tại Hoa Kỳ. Nhạc sĩ Y Vũ, sống tại Việt Nam, kể chuyện tình của ông với cô bạn gái tại trường trung học tại Sài Gòn đưa đến cảm hứng viết bài hát. Vào tháng 11 năm 2017, nhạc sĩ Y Vũ qua nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại Việt Nam tuyên bố ông là tác giả duy nhất, và ông công bố bản thảo viết tay của ca khúc đó ghi ngày 5-6-1962 (Xem, thí dụ như, Anh 2017, Dạ 2017, HTV 2017, Tạ 2017).
Sau khi đọc xong bài của anh Trần Trung Đạo (Trần 2017), tôi mới biết đến vụ tranh cãi này lần đầu. Khi nhạc sĩ Y Vũ tuyên bố ông là tác giả duy nhất sau khi nhạc sĩ Nhật Ngân (và cả nhạc sĩ Y Vân) không còn sống để đối chất, nhạc sĩ Y Vũ gián tiếp nói rằng nhạc sĩ Nhật Ngân nói láo. Vì lòng kính trọng nhạc sĩ Nhật Ngân và vì muốn bảo vệ tính chất công minh chính trực của người Việt không cộng sản, tôi quyết định tìm tòi sự thật.
Đã có nhiều bài phân tích về những lý do, về các câu trong bài hát, về sự im lặng của nhạc sĩ Y Vũ trong nhiều năm khi ông có dịp đối chất với nhạc sĩ Nhật Ngân khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống, so sánh lời ca giữa hai bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" và "Ngày Cưới Em," về tính chất hợp lý của bản thảo của nhạc sĩ Y Vũ, và vài chi tiết khác (Xem, thí dụ như, Nguyễn Dư 2017, Trần 2017). Tôi sẽ không nhắc lại những phân tích này và sẽ chỉ trình bày những bằng chứng khác dựa vào lời tuyên bố của nhạc sĩ Y Vũ, lời ca của các bài hát liên hệ, và những chi tiết phù hợp với câu chuyện.
A. Hai ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" và "Ngày Cưới Em" nói về hai mối tình khác nhau và không thể là một câu chuyện phù hợp:
Trong một tài liệu ghi cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Y Vũ tại buổi quay hình "Ca Sĩ Bí Ẩn" (ngày phỏng vấn không biết rõ, nhưng tài liệu đó được đăng vào ngày 31-7-2017), có đoạn sau:
Tại buổi quay hình “Ca sĩ bí ẩn” mới đây, nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ người con gái trong ca khúc “Tôi đưa em sang sông” chính là người mà ông luôn nhức nhối và khó quên nhất. Dù Y Vũ đã trao trọn tình cảm, sự yêu thương cho người yêu nhưng cô gái vẫn quyết sang ngang với người đàn ông khác tốt hơn và có cuộc sống đầy đủ hơn. “Cô người yêu đi lấy một ông bác sĩ rất giàu”, ông nhớ lại. Vì quá đau lòng, ông đã viết ca khúc “Tôi đưa em sang sông”.
Nhạc sĩ Y Vũ chia sẻ thêm, sau đó 6 tháng, ông lại nhận được thiệp hồng mời đến dự đám cưới của người yêu cũ. Ông ngồi trong sảnh cưới chỉ có một mình với tâm trạng buồn, lẻ loi. Sau khi về, vì quá tủi thân, nhạc sĩ đã cho ra đời ca khúc “Ngày cưới em” để nói lên tâm trạng cô đơn lúc bấy giờ của mình.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình (HTV 2017), nhạc sĩ Y Vũ kể lại câu chuyện có cùng diễn tiến. Ông nói người yêu ông có đám hỏi khiến ông đau khổ và trở về nhà sáng tác ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" trong đêm đó. Vài tháng sau, ông được mời dự đám cưới của nàng, dẫn đến ca khúc "Ngày Cưới Em."
Tuy nhiên, thứ tự tình tiết đó không phù hợp với lời ca trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông." Lời bài hát có các đoạn sau:
Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
. . .
Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân.
Do đó, tác giả rõ ràng kể lại câu chuyện tình trong đó chuyện tình tan vỡ và hai người chia tay ("tôi đưa em sang sông") và sau đó cô gái làm đám cưới lấy chồng ("Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?... nhìn xác pháo vướng gót chân"). Ai cũng biết xe hoa và xác pháo là hình ảnh của đám cưới, không phải là đám hỏi.
Làm sao có chuyện vì quá đau lòng, nhạc sĩ Y Vũ đã viết ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" và sau đó 6 tháng nhận được thiệp hồng mời đến dự đám cưới của người yêu cũ? Câu chuyện nhạc sĩ Y Vũ kể phù hợp với ca khúc "Ngày Cưới Em" nhưng không phù hợp với ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Bài "Ngày Cưới Em" có đoạn sau:
Ngày xưa đưa em sang sông
Ngày nay đưa em bước sang ngang
Ta thấy ngay đoạn đó cho thấy ca khúc "Ngày Cưới Em" không thể nào là "hiệp sau" của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Hai bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" và "Ngày Cưới Em" kể hai chuyện tình khác nhau. Trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông," cô gái "sang sông" và "sang ngang" trong cùng bài hát. Trong bài "Ngày Cưới Em," cô gái "sang sông" trước bài hát và "sang ngang" trong bài hát.
Sẽ có người cãi rằng, việc "sang ngang" trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" là việc tác giả tưởng tượng trong tương lai. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng thêm, trình bày sau đây, xác định rõ ràng việc "sang ngang" đó là việc thực sự xảy ra lúc ấy.
B. Ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" có "chữ ký" đặc thù của nhạc sĩ Nhật Ngân:
Tác giả ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" mô tả cảnh tượng rất rõ và cụ thể là việc đang xảy ra vào thời hiện tại: vào giờ phút cuối tiễn nàng và chàng nhìn xác pháo vướng gót chân. Ngoài ra, đó là đặc điểm lời ca của nhạc sĩ Nhật Ngân.
Ta nên nhận ra một nét độc đáo của tác giả với cách dùng "cho thấy, đừng kể" và "chú trọng vào chi tiết rõ rệt" và các từ ngữ dùng rất đơn giản, không sáo rỗng, qua các nhóm chữ "thấm ướt chiếc áo xanh," "đẫm ướt mái tóc em," "bàn tay nâng niu," "bến đất lấm gót chân," "bến gió buốt trái tim," "bước chung một lối mòn," "xác pháo vướng gót chân," và "lấm trong bùn khi mưa." Đặc biệt, "lấm," "gót chân" là các chi tiết đặc thù và tạo ấn tượng mạnh, nhất là tác giả dùng đi dùng lại nhiều lần. Các kỹ thuật đó là đặc điểm của nhạc sĩ Nhật Ngân như trong bài "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" (Cao-Đắc 2014).
Ngược lại, nhạc sĩ Y Vũ dùng chữ thiên về "kể" nhiều hơn "cho thấy" và tổng quát thay vì chi tiết đặc thù, và thường dùng từ ngữ sáo rỗng, cầu kỳ chải chuốt qua những nhóm chữ trong ca khúc "Ngày Cưới Em" như "men nồng nào hoa thơm," "môi hồng nào giá phấn," "áo muôn sắc đua chen," "ngời ánh đêm," "nụ cười ngát hương," "ly rượu mừng tơ duyên," và "dĩ vãng là bóng mây."
Một nhạc sĩ, thi sĩ, và văn sĩ thường có có lối diễn tả ý tưởng, cách dùng chữ đặc biệt, tình tiết câu chuyện, bố cục, và cách dàn xếp ý tưởng phản ảnh các tính chất đặc thù của tác giả, và có thể coi là "chữ ký" của tác giả trên tác phẩm của họ. Đặc biệt, khi một nhạc sĩ, thi sĩ, và văn sĩ viết một tác phẩm là phần tiếp theo của tác phẩm trước, họ luôn luôn giữ các chi tiết trong câu chuyện phù hợp. Lý do đơn giản là không ai muốn làm lẫn lộn độc giả, và hủy hoại câu chuyện và các nhân vật trong câu chuyện của mình.
Vẫn sẽ có người cãi rằng một tác phẩm nghệ thuật có khía cạnh tưởng tượng, và không nhất thiết đi theo đúng một câu chuyện thật. Tuy nhiên, không ai bắt nhạc sĩ Y Vũ tuyên bố ca khúc "Ngày Cuới Em" là phần tiếp theo của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Ông nói rõ rằng ông quá đau lòng khi người yêu "sang sông" mà viết "Tôi Đưa Em Sang Sông" rồi sau đó khi nàng "sang ngang" mới viết "Ngày Cưới Em." Chính ông tự khai ra.
C. Ca khúc "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" cho biết thêm chi tiết và phù hợp với câu chuyện tình của nhạc sĩ Nhật Ngân:
Quan trọng hơn, có thêm một bằng chứng hùng hồn cho thấy nhạc sĩ Nhật Ngân là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Đó là nhạc phẩm tiếp theo ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Đó là bài "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" do nhạc sĩ Nhật Ngân viết (Nhật Ngân).
Bài "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" có đoạn sau:
Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi
Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời
Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên hương
Phan Chu Trinh đón đưa chiều tan trường
Ai nỡ đành vội vàng sang sông.
Ta nhận ra đoạn này cho thấy rõ ràng ca khúc "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" là phần tiếp theo của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông," nhưng tiếp theo sau một quãng thời gian khá xa. Câu chuyện thật phù hợp và ăn khớp từng ly từng tý. Câu "Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời" cho thấy đó là mối tình đầu của ông. Câu "Ai nỡ đành vội vàng sang sông?" xác định rằng người yêu đầu tiên của ông vội vàng sang sông. Đặc biệt, nhạc sĩ Nhật Ngân tiết lộ một chi tiết lý thú: cô gái đó là nữ sinh trường Phan Chu Trinh ("Phan Chu Trinh đón đưa chiều tan trường"). Chi tiết này không bất ngờ lắm, vì nhạc sĩ Nhật Ngân là cựu học sinh trường Phan Chu Trinh. Do đó, việc ông có người yêu học cùng trường là có vẻ hữu lý.
Tại sao chi tiết cô gái là nữ sinh trường Phan Chu Trinh lý thú? Vì nó xác định thêm nữa sự phù hợp giữa lời ca trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" và cuộc đời của nhạc sĩ Nhật Ngân.
Thứ nhất, ta hãy tìm hiểu thêm về vị trí địa lý của trường Phan Chu Trinh vì vị trí này liên hệ tới các chi tiết trong bài hát. Bài hát có câu "Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim." Khung cảnh đó có phải là khung cảnh gần trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng hoặc ngã bảy Lý Thái Tổ, nơi mà nhạc sĩ Y Vũ kể về mối tình của ông, không? Tôi sống trong Sài Gòn trong thời niên thiếu trong thập niên 1960 và không nhớ có con sông nào thơ mộng hoặc có "bến đất" hay "bến gió." Ngoài ra, ở Sài Gòn có thể có "gió buốt trái tim" không? Gió buốt tim là phải lạnh lắm, nhưng theo trí nhớ tôi, khó mà có cảnh gió buốt tim. Nhiệt độ trung bình ở Sài Gòn là 25oC - 27oC. Ngược lại, tại Đà Nẵng, vào cuối tháng 11 cho tới tháng 2, nhiệt độ trung bình là 18oC. Gió bên sông ở nhiệt độ đó dư sức làm buốt tim.
Trước khi tới Sài Gòn, tôi cũng sống ở Đà Nẵng, nhưng lúc ấy còn quá bé nên không nhớ có sông, bến nào. Tuy nhiên, khi ta xác nhận cô gái trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" học ở trường Phan Chu Trinh thì việc trở nên dễ dàng. Việc này có lẽ phải nhờ độc giả nào sinh sống tại Đà Nẵng trong khoảng thập niên 1960 cho biết ý kiến rõ rệt hơn. Nhưng ta có thể coi bản đồ và hình ảnh trên Internet.
Theo Website của trường Phan Chu Trinh thì "[n]ăm học 1954 - 1955, trường được xây dựng tại 167 Lê Lợi (cơ sở cũ của trường hiện nay) và chính thức được mang tên trường trung học Phan Châu Trinh. Từ năm học 2004 - 2005, trường xây dựng thêm cơ sở mới tại 154 Lê Lợi." (Trường THPT Phan Chu Trinh). Dựa vào bản đồ trên Google, trường Phan Chu Trinh ở gần sông Hàn, cách độ 700 mét, đủ ngắn để cặp tình nhân bách bộ "chung một lối về" hoặc "bước chung một lối mòn." Tôi không rõ khoảng thập niên 1960, đường xá từ trường Phan Chu Trinh tới sông Hàn hoặc một bến nào gần đó như thế nào. Nhưng việc "bến đất lấm gót chân" và "[g]ót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn" rất có thể xảy ra vào thập niên 1960 khi đường xá chắc chỉ là đường đất đầy bùn.
Thứ nhì, bài hát có câu "Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em." Câu đó cho thấy cô gái đi học mặc áo xanh, tạo ấn tượng mạnh vào tâm não người nhạc sĩ. Lúc ấy đồng phục nữ sinh trường Phan Chu Trinh màu gì? Té ra đồng phục các cô là áo dài trắng và quần trắng trong các ngày (trừ thứ hai) một tuần, và "[á]o dài màu thiên thanh dành cho ngày thứ hai mỗi tuần để chào cờ, để chăm chú hát Quốc ca và khúc khích trong Hiệu Đoàn ca" (Phước Khánh 2012).
Như vậy, cô gái quả thực mặc áo xanh, dù chỉ có một ngày một tuần. Tại sao tác giả chọn màu xanh thay vì màu trắng? Có thể vì lý do vần. Giai điệu trong đoạn ấy cần âm không dấu (vần bằng) nghe xuôi tai hơn dấu sắc (vần trắc). Tuy vần điệu là lý do chính đáng, theo tôi, lý do ý nghĩa màu xanh quan trọng hơn. Với kiểu diễn tả "cho thấy, đừng kể" và "chú trọng vào chi tiết rõ rệt," nhạc sĩ Nhật Ngân muốn ghi nhận một khía cạnh đặc biệt nào đó. Áo dài trắng khá thông thường và có thể không vẽ ra một hình ảnh nên thơ bằng màu xanh.
D. Nhạc sĩ Y Vũ phủ nhận sông và đò trong lời ca, cho thấy ông coi thường giới nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, và khán giả:
Như trình bày ở trên, các chi tiết trong lời ca về bến sông, gió buốt hoàn toàn tương phản với cảnh trường Hàn Thuyên ở Sài Gòn trong chuyện tình nhạc sĩ Y Vũ, nhưng phù hợp khít khao với cảnh trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng trong chuyện tình nhạc sĩ Nhật Ngân.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Y Vũ phủ nhận ngay chính lời ca trong bài về sông và đò. Trong chương trình "Hát Câu Chuyện Tình" vào khoảng giữa tháng 11 năm 2017 (HTV 2017), về bức tranh trong tờ nhạc vẽ hình người lái đò chở cặp tình nhân trên chiếc đò qua sông (Hình 1), nhạc sĩ Y Vũ nói, "Bức ảnh do họa sĩ Duy Liêm ngày xưa vẽ. Vẽ là theo cái tựa của đề 'Tôi Đưa Em Sang Sông. ' chỉ nghĩ rằng đưa sang sông là đưa một con đò, nhưng mà sự thật sau khi tôi đau khổ mối tình, đêm về tôi nghĩ hai câu thơ của Thâm Tâm là 'Đưa người, ta không đưa qua sông. Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng.' Tôi viết bài này là theo sự trừu tượng chứ không phải hình ảnh thế này. Không có bến nước và con đò nào hết."
Ông nói thêm về sông ở Sài Gòn, "Không có sông. Nhà ở giữa trung tâm Sài Gòn. Làm sao có sông? Có mỗi sông Bạch Đằng nó đi xa lắm."
Hình 1: Bức tranh minh họa trang bìa của tờ nhạc bài "Tôi Đưa Em Sang Sông."
Câu phủ nhận đó của nhạc sĩ Y Vũ quả thực là lời bào chữa dễ dàng và giúp ông thoát khỏi những căn vặn, thắc mắc về quang cảnh sông đò, bến, đường bùn, và gió buốt tim. Nhưng việc đó dẫn đến một lỗ hổng còn to khủng khiếp hơn, vì nó lả cái tát vào mặt giới nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, và các nhà nghệ thuật.
Khi nhạc sĩ Y Vũ phủ nhận sự hiện hữu các hiện thực trong lời ca, ông biến những tác phẩm nghệ thuật nghiêm trang thành những bức hí họa, những trang điểm trơ trẽn vô hồn, những lời giả tạo vô tình, và những lớp son phấn vô nghĩa. Nhạc sĩ Y Vũ coi thường cái giá trị cao cả và thiêng liêng nhất của nghệ thuật, nhất là nghệ thuật của ngôn ngữ, phương tiện trao đổi ý tưởng và biểu lộ tâm hồn sâu đậm nhất của con người.
Cái giá trị đó là sự thật.
Sự thật là mục tiêu tối thượng của nghệ thuật. Bên cạnh sự thật là sắc đẹp. Nghệ thuật là mô tả sự thật bằng sắc đẹp. Sự thật, do đó, là cứu cánh, và sắc đẹp là phương tiện. "Trí tưởng tượng con người có cách độc đáo để diễn tả sự thật và thực tế. Nó dùng ngôn ngữ của những hình ảnh và cảm giác cụ thể để ghi nhận một ý thức cho cuộc đời và kinh nghiệm con người" (UMHB). Người nhạc sĩ, thi sĩ, hoặc văn sĩ dùng ngôn từ để biểu lộ ý tưởng và cảm xúc qua những diễn tả của sự thật. Cách diễn tả có thể do trí tưởng tượng, nhưng đối tượng luôn luôn là sự thật. Chính cái tương tác giữa các hiện vật, cảnh thiên nhiên với con người nói lên nỗi bi thương, cơn đau khổ, niềm hạnh phúc, lòng can đảm, của con người với Tạo Hóa. Mối liên quan giữa sự thật và cách diễn tả sự thật được gói ghém sâu sắc nhất qua câu nói bất hủ của Jean Couteau, văn sĩ Pháp: "Thi sĩ là kẻ nói láo luôn luôn nói thật."
Bạn không thể diễn tả một mối tình ngây thơ trong trắng bằng những hiện vật tưởng tượng, vì những hiện vật, cảnh tượng ghi nhận những gì thực sự xảy ra, và đó là cái thiêng liêng cao quý mà bạn muốn ấp ủ và nhớ lại những gì tốt đẹp trong quá khứ. Bạn không thể kể tình yêu của mẹ bạn bằng những tưởng tượng về cảnh một con trâu xả thân, hy sinh tánh mạng mình trước mong vuốt sư tử để cứu con.
Những câu "để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em," "sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim," "bằng xe hoa thay con thuyền," và "gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa" là những diễn tả mộc mạc nhưng chân thành của tình yêu chàng trai dành cho cô nữ sinh trẻ. Tác giả chắt chiu ghi nhận nỗi lo sợ vu vơ về bùn đất lấm gót chân người yêu và làn gió lạnh bên con sông làm buốt giá tâm hồn. Tác giả làm sống lại nỗi ngại ngùng, e dè, thương yêu, và trìu mến qua những hình ảnh đơn sơ nhưng đem lại cảm xúc mạnh mẽ.
Làm sao những hình ảnh đó chỉ là cách diễn tả "theo sự trừu tượng"?
E. Chế độ cộng sản tại Việt Nam có thể đã thay đổi bản chất con người đi theo gian dối bất chấp đạo đức và lương tri:
Câu chuyện của Y Vũ nhận mình là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" làm tôi liên tưởng tới câu chuyện Án Anh (người nước Tề) ứng đối với vua Sở. Câu chuyện như sau (Kipkis).
Án Anh (tức Án Tử) là con một vị tướng nước Tề thời Chiến Quốc. Ông nổi tiếng là có tài ứng đối giỏi. Trong dịp Án Anh sang thăm nước Sở, vua Sở muốn làm nhục Án Anh. Khi Án Anh đến nơi, vua Sở đãi tiệc trọng thể. Trong lúc uống rượu thì quân lính Sở áp giải một người bị trói vào.
Vua Sở hỏi, "Tên kia có tội gì mà phải trói?"
Một tên lính thưa, "Tên này là người nước Tề phạm tội ăn trộm."
Vua Sở mỉm cười chế nhạo, nói với Án Anh, "Người quý quốc hay trộm cắp nhỉ?"
Án Anh bình tĩnh trả lời, "Người ở nước Tề chúng tôi không quen trộm cắp, nhưng sang nước Sở lại sinh ra ăn trộm có lẽ cũng là vì thủy thổ giữa bản quốc và quý quốc khác nhau chăng?"
Án Anh muốn chế giễu ngược lại rằng tập quán hoặc lối sống ở nước Sở đã biến đổi một người lương thiện thành kẻ trộm cắp.
Câu chuyện Án Anh có thể được áp dụng cho trường hợp nhạc sĩ Y Vũ. Chế độ cộng sản có thể biến đổi bản chất con người. Trước năm 1975, nhạc sĩ Y Vũ không hề phát biểu ý kiến gì cả, khi còn sống trong miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, và dường như hài lòng với việc đồng tác giả cho ca khúc. Chỉ sau khi cộng sản chiếm đóng miền Nam, ông mới dần dần thay đổi. Trước đây, ông kể chuyện tình của ông, nhưng không nhận mình là tác giả duy nhất ngay. Sau đó, ông thay đổi thái độ và tuyên bố ông là tác giả duy nhất vào tháng 11, 2017 và ông còn tiện nghi có được bằng chứng cụ thể qua tờ bản thảo viết tay có ghi tên và ngày tháng.
Ông nói, "Nghe nói tiền bản quyền ca khúc bên Mỹ cao lắm, mà hàng chục năm qua tôi không được một đồng." (Anh 2017). Ông cho biết lý do tại sao ông tuyên bố ông là tác giả duy nhất. "Tiền tôi cũng rất cần nhưng điều tôi cần hơn là danh dự. Thời gian qua tôi đã phải mang nỗi buồn này quá lớn rồi. Tôi biết Nhật Ngân mất rồi mình không nên làm lớn, nhưng đây là danh dự của bản thân tôi. Ở tuổi này rồi tôi còn bon chen gì nữa đâu." (Dạ 2017).
Điểm lạ lùng là ông vẫn không giải thích lý do tại sao ông không tuyên bố sớm hơn, khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống? Nếu danh dự là việc quan trọng với ông, thì tại sao ông không nghĩ danh dự cũng là việc quan trọng với nhạc sĩ Nhật Ngân? Lời tuyên bố của ông là lời buộc tội nhạc sĩ Nhật Ngân nặng nề nhất.
Tuy nhạc sĩ Y Vũ nói ông chỉ muốn lấy lại danh dự, nhưng ông không phủ nhận việc ông sẽ đòi chia tiền bản quyền. Do đó, việc lấy tiền bản quyền là một lựa chọn. Ai hiện đang sở hữu bản quyền tác phẩm có thể muốn thương lượng với ông, hoặc ông có thể kiện cáo. Tuy nhiên, nếu nhạc sĩ Y Vũ xúc tiến việc thương lượng cho tiền bản quyền với người sở hữu bản quyền, xác suất thành công sẽ rất nhỏ như được trình bày sau đây.
F. Học Thuyết Ngăn Chận sẽ cản trở nhạc sĩ Y Vũ trong việc đòi tiền bản quyền:
Về khía cạnh luật pháp, tôi không rõ có những dàn xếp về bản quyền của nhạc sĩ Y Vũ thế nào tại Việt Nam trước ngày 30-4-1975. Do đó, tôi không rõ mọi việc sẽ thế nào nếu có kiện cáo. Tuy nhiên, dựa vào những gì được biết, tôi nghĩ nhạc sĩ Y Vũ có xác suất thành công rất ít trong việc đòi tiền bản quyền cho ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" tại Hoa Kỳ.
Tôi đã trình bày vấn đề này trong một bài khác (Cao-Đắc 2015). Đại khái, trong luật pháp, một học thuyết căn bản về việc bị mất quyền lợi là "Học Thuyết Ngăn Chận" (Doctrine of Estoppel). Một cách vắn tắt, Học Thuyết Ngăn Chận không cho phép một người chối bỏ cái gì đã được thiết lập là sự thật qua hành động ngay chính của người đó, rõ rệt hoặc hiểu ngầm (Cao-Đắc 2015, Wikipedia 2017). Học Thuyết Ngăn Chận dựa vào im lặng có thể được giải thích như sau. Khi B làm những hành động dựa vào sự tin tưởng lầm lẫn rằng quyền nào đó của A là thuộc về B; và A, biết đến hành động này của B, giữ im lặng và không đòi lại quyền của mình, thì A bị mất quyền đó nếu B chịu thiệt thòi khi phải trả lại A quyền đó (Xem, Cao-Đắc 2015).
Áp dụng học thuyết này vào trường hợp nhạc sĩ Y Vũ, vì ông giữ im lặng trong suốt thời gian bản nhạc ra đời và sau khi nhạc sĩ Nhật Ngân định cư ở Hoa Kỳ, mặc cho việc nhạc sĩ Nhật Ngân đã kể câu chuyện của mình trên các phương tiện truyền thông rộng rãi, nhạc sĩ Y Vũ coi như bị mất bản quyền, thí dụ ông có. Nhạc sĩ Y Vũ chỉ có thể mong có được một luật sư giỏi để thương lượng người hiện sở hữu bản quyền, nhưng có thể lệ phí luật sư rất cao và nhiều khi có thể mất tiền thêm.
Đó là không kể nhạc sĩ Y Vũ có thể sẽ phải đương đầu với vụ kiện về việc ông phỉ báng hoặc bôi nhọ thanh danh của nhạc sĩ Nhật Ngân. Khi ấy, những bằng chứng, vật chứng, lời khai, sẽ được đưa ra và xem xét kỹ lưỡng, kể cả việc giám định giấy tờ bằng các phương pháp khoa học.
G. Kết Luận:
Việc tranh cãi về tác giả của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" đã kéo dài nhiều năm. Tôi nghĩ việc đó nên chấm dứt.
Nhạc sĩ Nhật Ngân đã tuyên bố ông là tác giả duy nhất và câu đó được truyền bá rộng rãi. Nhạc sĩ Y Vũ biết đến việc đó, nhưng giữ im lặng. Chỉ đến khi nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời, nhạc sĩ Y Vũ mới tuyên bố rầm rộ chính ông là tác giả duy nhất. Tuy nhiên, những chứng cớ hùng hồn gồm có hai bản nhạc tiếp theo "Ngày Cưới Em" của nhạc sĩ Y Vũ và "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" của nhạc sĩ Nhật Ngân, và những chi tiết và nét đặc thù trong lời ca cho thấy nhạc sĩ Nhật Ngân quả thật là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông."
CẢM TẠ
Tôi xin cảm tạ chị Mỹ Thanh có lời khích lệ và cho tôi biết đến video clip trên YouTube về cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Y Vũ trên truyền hình trong chương trình "Hát Câu Chuyện Tình."
Tài Liệu Tham Khảo:
Anh Thư. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ: Tôi mất trắng tiền bản quyền 'Tôi đưa em sang sông' ở hải ngoại. 17-11-2017. https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-y-vu-toi-mat-trang-tien-ban-quyen-toi-dua-em-sang-song-o-hai-ngoai-901044.html (truy cập 3-12-2017).
Cao-Đắc Tuấn. 2014. "Một Mai Giã Từ Vũ Khí". 22-8-2014.http://danlambaovn.blogspot.com/2014/08/mot-mai-gia-tu-vu-khi.html (truy cập 3-12-2017).
_________. 2015. "Tiếng Gọi Công Dân". 15-5-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/05/tieng-goi-cong-dan.html (truy cập 3-12-2017).
Dạ Ly. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ: 'Muốn lấy lại danh dự từ Tôi đưa em sang sông' 19-11-2017. https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-y-vu-muon-lay-lai-danh-du-tu-toi-dua-em-sang-song-901511.html (truy cập 3-12-2017).
HTV Entertainment. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ 34 lần "đưa em sang sông". 18-11-2017. https://www.youtube.com/watch?v=ZnFgRHP6RpY (truy cập 3-12-2017).
Kipkis. Không rõ ngày. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Thay đổi chót: 1-8-2016. https://vi.kipkis.com/V%E1%BB%8F_qu%C3%BDt_d%C3%A0y_c%C3%B3_m%C3%B3ng_tay_nh%E1%BB%8Dn
Nguyễn Duyên (sưu tầm). 2009. Ai mới thật sự là tác giả bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông? 6-7-2009. http://nguyenquocdong.vnweblogs.com/a168590/ai-moi-that-su-la-tac-gia-bai-hat-toi-dua-em-sang-song.html (truy cập 3-12-2017).
Nguyễn Dư. 2017. Lên tiếng cho một nhạc sĩ tài hoa đã khuất. 24-11-2017. http://danlambaovn.blogspot.com/2017/11/len-tieng-cho-mot-nhac-si-tai-hoa-khuat.html (truy cập 3-12-2017).
Nguyễn Hằng. 2017. Tác giả “Tôi đưa em sang sông” đã đưa 34 người tình.... đi lấy chồng. 31-7-2017. http://mautam.net/forum/viewtopic.php?p=852576&sid=89022f985f2a82847d57a0f36acd60b4 (truy cập 3-12-2017) hoặc 22-8-2017. https://cafevannghe.wordpress.com/2017/08/22/nguoi-nhac-si-voi-34-nguoi-tinh/ (truy cập 3-12-2017).
Nhật Ngân. Không rõ ngày. Vẫn Mơ Về Đà Nẵng. Không rõ ngày. http://lyric.tkaraoke.com/18446/van_mo_ve_da_nang.html (truy cập 3-12-2017).
Phước Khánh. 2012. Một Thời Làm Nữ Sinh Phan Châu Trinh. 5-7-2012. http://truongxua.phanchautrinhdanang.net/index.php/khu-vu-n-phan-chau-trinh/d-i-h-i-pct-th-gi-i-ii/33-m-t-th-i-lam-n-sinh-phan-chau-trinh (truy cập 3-12-2017).
Tạ Ban. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ tung bằng chứng khẳng định tác quyền ‘Tôi đưa em sang sông’. https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-y-vu-tung-bang-chung-khang-dinh-tac-quyen-toi-dua-em-sang-song-900779.html (truy cập 3-12-2017).
Trần Trung Đạo. 2017. Hãy để "Em sang sông". 2-12-2017. http://danlambaovn.blogspot.com/2017/12/hay-e-em-sang-song.html (truy cập 3-12-2017).
UMHB (University of Mary Hardin-Baylor). Không rõ ngày. Statement of Artistic Expression. Không rõ ngày. https://undergrad.umhb.edu/cvpa/statement-artistic-expression (truy cập 4-12-2017).
Võ Anh Dũng. 2017. Ai là tác giả của "Tôi Đưa Em Sang Sông"? 11-2017. http://ptgdn.com/poems/voanhdung/toiduaemsangsong.htm (truy cập 3-12-2017).
Vương Uyên. 2013. Tôi Đưa Em Sang Sông, một bản nhạc hai cuộc tình - Ai thật sự là tác giả? 18-1-2013. http://nguoivietatlanta.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1081%3Atoi-a-em-sang-song-mt-bn-nhc-hai-cuc-tinh-ai-tht-s-la-tac-gi (truy cập 3-12-2017).
Wikipedia. 2017. Estoppel. 8-11-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Estoppel (truy cập 3-12-2017).
4/12/2017
No comments:
Post a Comment