SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thị trường thuốc chữa bệnh ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng gần như ê hề bao la vô tận, không thiếu món nào, bất cứ nhãn hiệu nào của nước nào từ Tây đến Tàu. Tất cả đều có mặt, tất cả đều được phục vụ 24/24 không cần kê toa của bác sĩ, chỉ cần nói bệnh là nhân viên dược sẽ bốc ngay một mớ thuốc kèm theo chỉ định liều dùng là bạn có thể tự mang về nhà và uống.
Không biết hiệu quả như thế nào nhưng sự “thuyên giảm” là có thể trông thấy ngay vì đang sốt bạn sẽ được cho ngay thuốc hạ sốt, đau đầu nhức óc sẽ có ngay Paracetamon, đau bụng sẽ có ngay loại x y,z nào đó để cầm ngay cơn tiêu chảy.
Không dừng ở đó bạn chỉ cần tự “chẩn bệnh” cho mình và bay liền ra hiệu thuốc gần nhà để mua ngay thuốc dưới sự tư vấn của các “mậu dịch viên.” Đáng lẽ phải nói là “trình dược viên” mới đúng, nhưng ở đây ở các hiệu thuốc, đơn giản, họ chỉ là “người bán thuốc “theo yêu cầu của bạn, nên những chiếc Blous trắng hiền hòa kia chỉ làm tăng thêm uy tín của nó để cho bạn tin rằng mình cần phải mua và dùng thuốc gì.
Ở trong cái đất nước đầy dẫy bệnh tật nầy thì việc “đi khám bệnh và theo toa bác sĩ” gần như là chuyện nước đến chân mới nhảy, nghĩa là khi những viên thuốc “tự mua” kia đã hết hiệu quả – bệnh càng ngày càng nặng thì người ta mới chịu đi bác sĩ và khi cái “toa thuốc” ngoằn ngoèo kia – như một lá bùa linh thì có khi đời đã muộn.
Không một ai tin rằng mình sẽ bệnh nặng, khi bầu không khí hầu như bị ô nhiễm thường trực, và chuyện hắt hơi sổ mũi, nhiễm lạnh cảm sốt bởi mưa nắng thất thường, cái gọi là thời tiết “cực đoan” đôi khi trở thành một lý do “liều mạng” để người ta quên đi sức khỏe mình ra sao khi sự “đề kháng” đang đến hồi báo động.
Đó cũng chính là lý do vì sao những “chợ thuốc, hiệu thuốc Tây, thuốc Đông Y” mọc đầy trên từng cây số, nó xuất hiện nhan nhản bất cứ nơi nào có sự sống và chắc chắc rằng ở đó cũng sẽ có mầm bệnh của sự chết, không thì cũng kinh niên như viêm họng,cảm cúm, ho hen,sổ mũi nhức đầu.
Không ở đâu trên thế giới này như ở Việt Nam, người dân tự chữa bệnh bằng kinh nghiệm, mua thuốc tây không khác gì bứt nắm lá xông ngoài vườn, chỉ cần mua về cho tọt vô miệng với nước ấm là đủ để có thể yên tâm leo lên giường ngủ tới sáng…
Và kỳ lạ đa số đều qua khỏi để có thể lết đến chỗ làm, rồi một ngày khi buộc phải đến bệnh viện họ mới biết cơ địa của họ đã bị “nhờn thuốc”vì đã có một thời gian dài họ đã tư trị bệnh mình bằng những chất kháng sinh cực mạnh – và hậu quả là con bệnh đã không thể tiếp nhận thuốc và đương nhiên là “phác đồ điều trị”đối với ho sẽ tốn kém khó khăn đến vô cùng.
Biết là vậy, nhưng không hiểu sao người ta vẫn không thể “gặp bác sĩ khám bệnh” vì nhiều lý do – nhưng nếu ai đã vào bệnh viện thì mới thấy kinh hoàng, vì bịnh nhân không biết ở đâu mà “hàng hàng lớp lớp” bác sĩ y tá làm việc không ngơi tay, giường bệnh thì “tầng tầng, nấc nấc” một giường ba bốn người nằm chen chúc nhau từ trong phòng đến hành lang, trong bầu không khí âm u bệnh hoạn.
Vậy nên khi bệnh “xoàng xoàng” thì tự đi mua thuốc uống cho qua với tâm lý “trời kêu ai nấy dạ” vì hở một chút đi bác sĩ thì tiền đâu mà chịu cho xiết, đa số người ta dùng “liệu pháp lãng quên” để lướt qua, nếu nó qua thì… qua luôn còn không thì “chịu chết “biết sao bây giờ.
Vậy nên những hiệu thuốc, chợ thuốc vẫn là muôn năm đối với những dân tộc đau gầy nhược tiểu, nó gần như là một miếng đất màu mỡ “đặc quyền”cho những thương vụ tân dược, dành cho những tay mafia nhà nước hoành hành ngay từ trong các bệnh viện cho đến tận ngoài cuộc sống.
Và một ngày nào đó bạn chợt nhận ra rằng cuộc sống của mình không khác gì một con bệnh tiềm ẩn khi những hiệu thuốc tây vẫn còn sáng đèn và người bán hàng thuốc cũng không khác gì cô bán hàng rau, chỉ khác một điều: rau thì sáng tươi chiều héo, còn có công dụng nhất định cho sức khỏe, còn thuốc thì chỉ có từ bệnh nhẹ tới bịnh nặng và khi sử dụng thì chỉ toàn là đoán mò “chống chỉ định” vì trị bịnh kiểu “lang băm” đó thì dân tộc nầy không cần kê toa cũng tự chết lâu rồi. (Nguyễn Sài Gòn)
No comments:
Post a Comment