SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lý do theo giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn là đường không có xe chạy, nhựa không nổi lên dẫn đến hư hỏng.
Sáng 5 Tháng Mười Hai, tại kỳ họp thứ 6 Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, trưởng ban Thời Sự báo Người Lao Động, phản ánh hàng loạt công trình giao thông của thành phố vừa cho xe chạy đã xuống cấp trầm trọng, bong tróc…
Bà Trâm dẫn chứng các đường như Trần Văn Giàu, đường dẫn vào cao tốc Sài Gòn-Trung Lương hư hỏng dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu.
“Đường hỏng là do trình độ thi công của nhà thầu, giám sát lỏng lẻo hay bị ‘rút ruột’ công trình trong quá trình thi công?” báo Thanh Niên dẫn lời chất vấn của bà Trâm.
Theo báo Người Lao Động, trả lời đại biểu, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải, thừa nhận phẩm chất công trình giao thông ở cửa ngõ thành phố kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển “đang có hiện tượng xuống cấp.”
Ông Cường cho biết những đường này mới nhưng được xây dựng trên nền đất yếu. Đường dẫn vào cao tốc Sài Gòn-Trung Lương là dự án do Bộ Giao Thông Vận Tải thực hiện. Do yêu cầu về tiến độ và quan điểm thiết kế nên dự án này chấp nhận thực hiện trên nền đất yếu, nếu sử dụng bị lún thì sẽ sửa chữa.
Nguyên nhân khác được ông Cường đưa ra là, ngay từ đầu những đường này không được thảm nhựa mà chỉ láng nhựa. Khi khai thác, lưu lượng xe tăng cao thì đường lún. Ngoài ra, các công trình thoát nước không đồng bộ gây ngập úng cũng dẫn đến hỏng đường.
Cá biệt, theo ông Cường, những đường không được sử dụng cũng đứng trước nguy cơ hư hỏng cao. Cụ thể như đường Trần Văn Giàu được thiết kế để kết nối với cầu nhưng do giải tỏa mặt bằng chậm nên đoạn đường này không cho xe chạy.
“Đường đã hoàn thành nhưng không có xe chạy, nhựa không nổi lên dẫn đến hư hỏng,” ông Cường nói và cho biết “hiện chưa phát hiện chuyện rút ruột công trình ở các dự án này.”
Theo báo Thanh Niên, liên quan đến tình trạng phẩm chất tuyến đường dẫn lên cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, đại diện Khu Quản Lý Giao Thông Đô Thị Số 4 thuộc Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn cho biết sau một thời gian khai thác, đường dẫn này bị lún, nứt… và đã nhiều lần sửa chữa bằng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng và các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, để sửa chữa toàn tuyến hiệu quả, nguồn vốn có thể lên 200 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng (hơn $8.8 triệu đến $13.2 triệu). (Tr.N)
No comments:
Post a Comment