Ngàn Hương (Danlambao) - Sau mấy ngày sôi sục khí thế tổng tấn công của nhân dân Nam Bộ, của người dân Tiền Giang, của các tài xế, và được sự cổ võ hết mình của báo chí lề đảng, nhằm đánh thẳng vào nhóm lợi ích BOT Cai Lậy (Tiền Giang), đã làm cho con quái vật này choáng váng, quằn quại và lăn lóc trong vở kịch “xả-thu xả- thu” liên tục.
Nhờ các kiểu tấn công vừa trực tiếp, vừa gián tiếp liên miên và bền bỉ như vậy, đã làm cho tạm BOT này chỉ trong 4 ngày vừa qua (từ 30/11;01;02 và 03/12), đã “vỡ trận” đến 24 lần.
Câu hỏi đặt ra là, ai đứng đằng sau trạm BOT Cai Lậy này, để ‘hà hơi tiếp sức” cho nhóm lợi ích này ‘ngóc đầu dậy,” và vùng vẫy mạnh hơn trước?
Trước đó, vào ngày 26/10/2017, khi vừa nhận chức Bộ trưởng GT-VT, trả lời câu hỏi về những việc ưu tiên trước mắt trên cương vị mới, ông Nguyễn Văn Thể cho biết có rất nhiều việc phải làm, nhưng "các vấn đề liên quan đến dự án BOT của ngành giao thông" là một trong những việc cần ưu tiên giải quyết trước mắt”….
"Để giải quyết tồn tại của BOT thì phải tập trung giải quyết những vấn đề đã nêu, để sắp tới BOT sẽ phải tốt hơn hiện nay."(1).
Vậy phải chăng, sau hơn 3 tháng “thất thủ” vì vấp phải sự phản ứng kịch liệt của người dân, do trạm BOT Cai Lậy này vừa đặt sai vị trí, vừa thu giá vé quá cao. Thì đến cuối tháng 11 vừa qua, nghĩa là sau khi ông Nguyễn Văn Thể mới ngồi vào ghế Bộ trưởng, trạm BOT Cai Lậy đã tiếp tục thu phí trở lại với những phương pháp tàn bạo và cứng rắn hơn?
Ngoài lực lượng Thanh tra GT và CSGT được tăng cường, nhà cầm quyền còn huy động thêm gồm công an tỉnh, huyện, xã, CSCĐ, và vận dụng các phương tiện xe cộ các loại, sẵn sàng dùng vũ lực để trấn áp người dân. Ngoài ra họ còn thuê cả côn đồ đến đe dọa tài xế, chỉ để bảo vệ cho một đơn vị kinh tế, mà lẽ ra, đây chỉ là mâu thuẫn xảy ra trong quá trình thực hiện hành vi giao dịch dân sự, thì lực lượng chức năng không được phép nhảy vào can thiệp.
Vậy phải chăng, câu nói “sắp tới, BOT sẽ phải tốt hơn hiện nay” là dùng biện pháp mạnh để bảo vệ cái sai của ngành GTVT, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhóm lợi ích này?
Báo Thanh Niên nêu ý kiến của các chuyên gia, khẳng định: “Phải di dời Trạm BOT Cai Lậy”.
“Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề mấu chốt của BOT Cai Lậy là đặt trạm sai vị trí, nếu không xử lý được vị trí trạm thì xung đột không bao giờ giải quyết được. Bộ GTVT và nhà đầu tư loay hoay với chuyện miễn phí cho các phương tiện, rồi miễn giảm cho người dân địa phương sinh sống gần trạm, nhưng đó không phải là giải pháp Vấn đề ở đâu phải xử lý ở đó, sai ở vị trí trạm thì phải di dời trạm.”
Chuyên gia này phân tích thêm: “Mâu thuẫn tại dự án BOT Cai Lậy đang chuyển từ vấn đề kinh tế sang mâu thuẫn xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Bộ GTVT, nhà đầu tư không chịu lùi một bước, sẽ dẫn đến bất ổn và mất đồng thuận xã hội”.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội, bức xúc của người dân và tài xế với dự án BOT Cai Lậy là đúng. Cơ quan quản lý là Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang phải đối thoại với dân để tìm ra giải pháp giảm bớt căng thẳng, bức xúc cơ bản của người dân hiện nay là vị trí trạm thì lại chưa có hướng xử lý.
“Cả nước không chỉ có trạm Cai Lậy mà có 7 trạm đặt không đúng vị trí. Nếu giải quyết không tốt sẽ tạo dư âm không tốt về đồng thuận trong xã hội”, ông Liên nhìn nhận. Đặc biệt, phải di dời Trạm BOT Cai Lậy hiện nay (2).
Trên thực tế, mâu thuẫn trực tiếp tại BOT Cai Lậy xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ là chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, và người thụ hưởng là người dân, mà đại diện là giới tài xế. Cũng tương tự các dự án BOT khác, các doanh nghiệp vận tải và tài xế hoàn toàn không được lấy ý kiến, cũng như mù mờ các thông tin liên quan dự án.
Một cái sai nữa trong các dự án BOT, là điều khoản bảo mật. BOT về bản chất là hợp đồng dân sự, không thuộc danh mục thông tin bí mật nhà nước, vì thế việc duy trì điều khoản bảo mật là phi lý, cần được bãi bỏ. Vì là hợp đồng bí mật, người dân không được tiếp cận với các hợp đồng BOT, đây là bất cập rất lớn.
Ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH Trần Quang Chiểu chia sẻ: “Nguyên lý của BOT là người ta đi đâu trả đấy, đi ít trả ít, đi nhiều trả nhiều và dân có quyền chọn đi và không đi. Còn ở BOT Cai Lậy, là bắt dân đi lên đấy, không có lựa chọn nào khác”….
“BOT giống như cân thịt mà các bà nội trợ hay đi chợ. Họ thích ăn thịt thì mua thịt, thích ăn cá thì mua cá, ăn 1 con mua 1, ăn 2 con mua 2. BOT là một loại hàng hoá trong giao thông, tại sao không thích đi đường đấy lại bắt đi đường đấy, đi 1km mà bắt trả 10km là không đúng nguyên lý”.
Báo Lao Động thống kê các kiểu “tấn công” sáng tạo của các bác tài trong 4 ngày qua: Như có tài xế dừng xe ngay trạm rồi bỏ ra ngoài. Một số tài xế khác không mua vé, cho xe dừng ngay trạm để phản đối. Vì họ cho rằng, họ chỉ đi theo đường Quốc lộ I đã có từ bao đời nay. Họ không có nhu cầu đi vào đường tránh, nên không việc gì phải mua vé. Thậm chí, có tài xế dừng xe ngay trong làn thu phí, nhảy lên đầu xe để lau xe. Cứ thế, mỗi lần BOT Cai Lậy thu phí trở lại là tài xế liền gây áp lực yêu cầu xả trạm. Bên cạnh đó, rất đông người dân và tài xế kéo đến cổ vũ cho các đoàn xe. Có tài xế còn táo bạo hơn, họ cho xe tông thẳng vào thanh chắn barie để vượt trạm(3).
Đặc biệt là báo Tuổi Trẻ hôm nay, đã đánh vỗ mặt vào ông Nguyễn Văn Thể, đương kim bộ trưởng BGTVT, theo kiểu “bắt được tay, day được trán”.
Báo này giật tít: “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!
Theo đó: “Năm 2013, ông Nguyễn Văn Thể - khi đó là thứ trưởng Bộ GT-VT - đã gửi văn bản "gợi ý" đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1, tức nằm ngoài tuyến tránh, đề nghị tỉnh Tiền Giang thống nhất để hợp thức hóa thủ tục. Ông cũng là người ký quyết định phê duyệt dự án này. Các tài liệu, hồ sơ dự án cho thấy tỉnh Tiền Giang làm theo trong tình thế đã rồi”.
3 công văn hỏa tốc
Và ông Nguyễn Văn Thể đã “hối hả, vội vàng” ký liền 3 công văn cùng I ngày để hối thúc tỉnh Tiền Giang cùng phối hợp thực hiện dự án này.
Theo đó: “Vào ngày 28-10-2013, ông Nguyễn Văn Thể - thứ trưởng Bộ GT-VT - ký cùng lúc ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về việc "thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT".
Tại văn bản này, Bộ GT-VT cho biết đã nghiên cứu một số vị trí và đề nghị thẳng với tỉnh "có ý kiến thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km1999+900 trên quốc lộ 1". Vị trí này hoàn toàn nằm ngoài tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy.
Ngày 4-11-2013, HĐND, UBND đã có văn bản phản hồi, thống nhất đặt trạm thu phí tại km1999+900 theo gợi ý của Bộ GT-VT. Hai ngày sau, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất.
Đến ngày 19-12-2013, ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.
Ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang - cho biết trong dự án này tỉnh Tiền Giang chỉ đảm nhiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
“Tiền chi trả bồi thường để thu hồi đất cũng là của nhà đầu tư. Vị trí đặt trạm thu phí cũng do Bộ GTVT xác định sẵn rồi gửi công văn cho tỉnh để hợp thức hóa thủ tục đầu tư”(4).
Như vậy là ông Nguyễn Văn Thể đã coi UBND và các ban ngành của tỉnh Tiền Giang như một con rối, để thực hiện những toan tính của mình.
Vì bị thúc em và đặt trước việc đã rồi, nên tỉnh Tiền Giang chỉ ký để hợp thức hóa chủ trương này.
Nhưng dù có cho uống mật gấu, thì một mình ông Thể cũng không dám “vung tay quá trán” như vậy.
Không chỉ có BOT Cai Lậy, mà toàn bộ các dự án BOT trong cả nước giai đoạn này, đều gắn liền với 3 nhân vật nối danh với nhiều thành tích bất hảo. Đó là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tất cả những sai phạm động trời tại các dự án BOT đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất rõ ràng. Trong đó có 3 vấn đề nhức nhối nhất, là chỉ định thầu chứ không qua đấu thầu công khai, và chỉ tráng men những đoạn đường cũ cho có, rồi đặt trạm BOT thu tiền như kiểu “đơm đó”, với phương châm “không cho chúng nó thoát”, và đường làm một nơi đặt trạm nơi khác như BOT Cai Lậy là điển hình.
“Kết luận thanh tra nêu rõ, trong quá trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định. Trong các dự án BOT, Bộ không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu. Bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Việc chỉ định thầu sẽ rất nguy hiểm khi nhà đầu tư năng lực kém, chưa có nhiều kinh nghiệm và thậm chí có doanh nghiệp còn “tay không bắt giặc”. Đây là lý do để các nhóm lợi ích chia chác, phân chia lợi nhuận. Ở đây lợi ích của phe nhóm đã lũng đoạn cả nhà nước”(5).
Trong tình hình kinh tế hiện nay, người dân thì ngày càng bị bần cùng hóa. Nhưng các quan chức trong bộ máy cầm quyền thì ngày càng giàu có một cách bất minh nhờ các chính sách ăn cướp. Cụ thể là họ thường xuyên tăng chóng mặt các loại thuế-phí và những mặt hàng mà họ độc quyền kinh doanh, như giá điện, giá xăng v.v... Họ dùng đủ các chiêu trò để lừa bịp dân nhằm vơ vét càng nhiều càng tốt.
Nhưng nếu nói về thủ đoạn ăn cắp và hút máu dân một cách trắng trợn và hợp pháp nhất, nấp dưới các chủ trương của đảng và nhà nước, thì các công trình đầu tư BOT trên cả nước hiện này là bậc thầy. Biến nước Việt Nam thành cường quốc rất nhiều thứ, trong đó có BOT.
Con giun xéo mãi cũng quằn. Nhân dân Tiền Giang và các tài xế tại đây đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh chống lại cái ác của nhóm lợi ích rất hiệu quả. Các bác tài trong cả nước hãy dũng cảm đứng lên, dùng biện pháp đấu tranh “bất tuân dân sự” như BOT Cai Lậy là bài học quý giá.
Một ông tổ của cộng sản đã nói: “Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”.
Thì đây chính là lúc nhân dân ta phải quyết tâm vùng lên thực hiện câu nói này.
4/12/2017
_______________________________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment