TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Như mèo vờn chuột, trạm thu phí BOT Cai Lậy tiếp tục thu phí rồi lại phải “xả” trước phản ứng gây trở ngại giao thông của giới tài xế suốt từ hôm đầu Tháng Mười Hai đến chiều ngày Chủ Nhật, 3 Tháng Mười Hai, 2017.
Theo tin các báo tại Việt Nam cho hay, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ buổi trưa ngày Chủ Nhật, trạm thu phí đặt tại Quốc lộ 1A ngang qua huyện Cai Lậy đã phải “xả trạm” nhiều lần để giảm áp lực của một lượng xe cài vào nhau kéo dài nhiều cây số.
Hôm Thứ Bảy, trong 10 tiếng đồng hồ mở cửa thâu tiền thì phải “xả trạm” hơn 10 lần.
Trạm thu phí này đã thu phí trở lại từ lúc không giờ, tức nửa đêm sang sáng ngày Thứ Sáu 1 Tháng Mười Hai, 2017, sau ba tháng phải “xả trạm” vì không chịu nổi áp lực từ sự chống đối của người dân. Lệ phí qua quãng đường này vừa quá đắt lại sai chỗ. Vừa bắt đầu thu phí trở lại là người dân lại tiếp tục dùng những đồng tiền lẻ mệnh giá rất thấp như 200 đồng, 500 đồng để trả”phí” kéo dài thời gian thu tiền, làm chuỗi xe chờ đợi qua trạm mỗi múc một kẹt dài thêm.
Chuẩn bị trước cho thu phí lại, nhà cầm quyền địa phương đã vận dụng một lực lượng đông đảo từ công an, cảnh sát cơ động và các thành phần khác hiện diện để đe dọa tinh thần đám đông. Dù vậy, người dân vẫn không sợ hãi và họ vẫn trả tiền lẻ, chất vấn, khiếu nại với nhân viên tram thu phí, mục đích là kéo dài thời gian thu tiền và trả tiền.
Báo chí tại Việt Nam theo dõi, đưa tin khá chi tiết kèm theo nhiều hình ảnh và cả video clips về những cách phản ứng chống đối của người dân.
Hôm Thứ Bảy, người ta thấy sự hiện diện của hai thanh niên “lạ mặt” đe dọa một người tài xế. Nhà đầu tư từ chối không biết gì về các người này. Tờ Người Lao Động kể “Nhóm người đe dọa tài xế qua clip cho thấy có một nhân viên mặc đồng phục BOT Cai Lậy đứng đó. Ông Đầy còn hỏi nhân viên này: “Nó trả tiền chưa?” và được nhân viên BOT Cai Lậy trả lời “Rồi.” Trong khi đó, mẹ của ông Đầy cho biết “có người mướn nó.”
Một vài tài xế bị bắt giữ vì cho là “gây rối” hay “quá khích,” vài cái xe bị “cẩu.” Một người đã bị chém thương tích nặng ở tay và vai liên quan đến chiếc xe bị kéo đi.
Hồi Tháng Tám, 2017, khi bắt đầu thâu phí, trạm bị dân phản ứng phải “xả,” một số chuyên viên gồm cả giới luật sư đã nêu ra trò ma mãnh “lợi ích nhóm” của các dự án xây dựng cầu đường dưới dạng BOT. “Nhà đầu tư” có trường hợp bị tố là người thân của công an địa phương hay tay chân của quan chức ở trung ương, “móc ngoặc” xếp lớn với Bộ Giao Thông Vận Tải, và thường dây cả nhà cầm quyền địa phương, lập những dự án với tiền vốn rất ít, phần lớn vay ngân hàng kiểu “lấy mỡ nó rán nó.”
Tất cả đều là các dự án “chỉ định thầu,” không qua các thủ tục công khai minh bạch. Lệ phí thu từ các dự án BOT cầu đường mà chủ đầu tư là những tư bản đỏ trong nước là “siêu lợi nhuận” với sự toa rập của Bộ Giao Thông Vận Tải, một số bài báo nêu ra cho biết.
Theo tờ VNExpress, tại Việt Nam, có ít nhất 8 trạm thu phí đường bị bị “đặt sai chỗ” như trạm thu phí Cai Lậy. Người ta vẽ ra dự án nhỏ, cho nhà đầu tư sửa chữa vá víu quốc lộ chính rồi đặt trạm thu phí tại đây, thay vì đặt trên “đường tránh” là các đoạn đường làm mới, đi qua phải trả tiền để thu hồi vốn trả cho nhà đầu tư.
Các đường lộ chính yếu có sẵn, người dân đã phải đóng thuế sử dụng, trong đó có cả thuế tu sửa đường lộ, không có lý gì người ta đã đóng đủ mọi thứ thuế rồi, lại đặt thêm trạm thu phí , tức là phí chồng phí, nên không người dân nào chấp nhận.
Hôm Thứ Sáu tuần trước, người ta đã thấy ông thủ tướng ra lệnh “Không để kéo dài tình trạng này.” Đồng thời người ta cũng thấy Bộ Giao Thông Vận Tải gằn giọng phụ họa: “Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối.”
Để xem những ngày sắp tới không riêng gì trạm thu phí Cai Lậy mà nhiều trạm khác trong số gần 100 trạm “dày đặc” trên cả nước, sẽ ra sao. (TN)
No comments:
Post a Comment