Tuesday, July 18, 2017

Giáo dục nào, dân trí nấy


Chuyện ở Nhật Bản: Ngày 11.03.2011, trận động đất và sóng thần ở Tōhoku gây ra những chấn động khiến nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị rung lắc rồi nước biển tràn ngập. Hệ thống làm mát các thanh uranium, nguyên liệu chính cho hoạt động của một trong các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại, chất phóng xạ chảy ra tràn lan hòa vào trong nước biển, trong không khí. Sự rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima Daiichi buộc chính phủ Nhật phải di tản dân cư trong vòng bán kính 30 km. Đây là thảm họa nguyên tử nặng nề thứ hai sau Chernobyl trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ lợi ích nhân loại.

Thảm họa kinh hoàng xảy ra, cả thế giới lo lắng, quan tâm nhìn vào nước Nhật. Mọi người vô cùng ngạc nhiên cũng như thán phục dân trí người Nhật. Điều khiến cho cả thế giới phải nghiêng mình cảm phục trình độ dân trí của người Nhật - không nằm ở sự can đảm của những người lính cứu hỏa, những chuyên viên về phóng xạ nguyên tử tình nguyện đi vào chỗ chết để tắt các lò phản ứng hay bịt kín những lỗ hở, chỗ nứt của lò, nơi xì ra những chất liệu giết người vào trong không khí hoặc cách hành xử, biện pháp kịp thời của chính phủ - mà nằm ở cách xử sự, phản ứng của người dân Nhật khi thảm họa xảy ra.

Không hoảng loạn, bối rối, xáo trộn, người dân Nhật rời khỏi Fukushima một cách trật tự, yên lặng theo lời kêu gọi, yêu cầu của chính quyền, đi đến những khu tập trung. Tại đây họ được phân phát quần áo, mền gối, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết. Thành phố Fukushima không hề xảy ra một vụ trộm cắp, đập phá, hiếp dâm, giết người cướp của… Cũng hoàn toàn không có những cảnh chen lấn, giành giật, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau nơi phân phát lương thực, nhu yếu phẩm.

Chuyện ở Việt Nam: Ngày 07.07.2017, một phó chủ tịch ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội, bà Lê Mai Trang đi ăn sáng đậu xe ngang ngược bị người dân phản đối, liền dùng diện thoại gọi chủ tịch phường và trưởng công an ra giữ xe cho mình để tiếp tục đi ăn sáng.

Đoạn video clip dài khoảng 20 phút được phổ biến trên mạng xã hội Facebook gây nên một trận bão chỉ trích, phê bình. Thái độ ngang ngược, hách dịch của một viên chức cấp quận, một đơn vị hành chánh nhỏ, cũng như sự yêu cầu người dân phải xin lỗi bà Trang của công an phường, chứng tỏ sự ngạo mạn của cán bộ CS, coi người dân như rơm rác, chỉ là những nô lệ để đóng thuế và nuôi béo cán bộ nhà nước.

Hành vi xấc xược của bà Lê Mai Trang không phải là hành động hiếm hoi, việc quan chức, cán bộ, đảng viên CS hách dịch, chửi bới, đánh đập người dân một cách thô bạo càng ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam.

Từ hai câu chuyện trên, nhiều người sẽ hỏi: Dân trí của một dân tộc hình thành từ đâu? Không cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, suy nghĩ sâu xa, dân trí của dân tộc tạo thành từ sự giáo dục cũng như tác động của xã hội. Giáo dục bao gồm giáo dục gia đình, trường học, nền tảng luật pháp của xã hội, đất nước.

Một đất nước có nền tảng giáo dục nhân bản, một hệ thống luật pháp nghiêm minh với tam quyền phân lập, tự do báo chí, xã hội bình yên… người dân đất nước đó sẽ có một trình độ dân trí cao, ý thức được bổn phận, trách nhiệm với mình, với gia đình, xã hội, đất nước, dân tộc.

Dân trí không thể xây dựng, nâng cao bằng bạo lực, vũ khí, dùi cui, còng số 8, tuyên truyền dối trá, mị dân hay đề cao, ca tụng, thần thánh hóa lãnh tụ, bằng kiểm duyệt báo chí, cấm phê bình, chỉ trích lãnh đạo…

Dân trí của người Nhật không phải một sớm một chiều mà có. Để có được ý thức trách nhiệm, bổn phận, lòng tự trọng, thượng tôn luật pháp, trật tự xã hội, cùng với cung cách hành xử lễ độ, khiêm nhường, tôn trọng người khác… cũng như sự bình tĩnh, không hoảng hốt, sợ hãi khi có biến cố, thảm họa, người Nhật đã được giáo dục ngay từ khi còn thơ dại với một hệ thống giáo dục xuyên suốt và một chính sách được nghiên cứu, hoàn thiện sau một thời gian dài nhiều thập niên.

Có dịp, hãy quan sát sinh hoạt của một nhà trẻ ở Nhật. Những đứa bé 5-6 tuổi ở lớp mẫu giáo được dạy dỗ, huấn luyện thế nào là trật tự, ngăn nắp, vệ sinh, lễ độ, nhã nhặn trong khi xử thế, bình tĩnh, không hoảng hốt, la hét gây hỗn loạn khi có biến cố, thảm họa xảy ra.

Hơn thế nữa, nước Nhật còn có truyền thống Võ Sĩ Đạo – Samurai – Ý nghĩa đầy đủ nhất của chữ Samurai là phục vụ. Ngày trước người kiếm sĩ Samurai phục vụ lãnh chúa Shògun. Chế độ Samurai bị Minh Trị Thiên Hoàng dẹp bỏ vào thế kỷ 18 nhưng tinh thần Samurai của người Nhật bất diệt, vẫn tiềm tàng trong huyết quản của mỗi người dân Nhật, từ một công nhân trong nhà máy, một tổng giám đốc công ty đến bộ trưởng, thủ tướng…

Việc thủ tướng Shinzo Abe trực tiếp gửi lời chia buồn cũng như đại sứ Nhật Bản tại VN Kuino Umeda đến thẳng gia đình Lê Thị Nhật Linh – một bé gái VN bị sát hại tại Nhật – nghiêng mình, cúi đầu xin lỗi, cho thấy trách nhiệm, sự lễ độ của người Nhật trong xử sự như thế nào. Người dân Nhật kính trọng mà không ca tụng, thần thánh hóa Nhật hoàng. Thái độ nghiêng mình, cúi đầu chào của người Nhật rất lễ độ, kính trọng, nghiêm trang mà không lộ vẻ hèn hạ, khiếp nhược hay xun xoe, nịnh bợ, giả dối trước người đối diện.

Để có được trình độ dân trí như ngày hôm nay, nước Nhật sau thế chiến thứ hai đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi các chính sách, đường lối giáo dục tốt đẹp, hoàn hảo nhất, hầu phục hồi sự cường thịnh của đất nước trong bàn cờ và khuynh hướng chính trị, kinh tế mới trên thế giới. Có dịp đến nước Nhật, du khách sẽ thấy, không những chỉ ở các phi trường quốc tế, thủ đo Tokyo, những thành phố lớn, trên xe điện ngầm, trong khu thương mại, mua sắm, nhà hát, công viên… mà ngay cả ở những khu bình dân, nghèo, nhà cửa đơn sơ, giản dị, một sự ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ rất dễ gây ấn tượng.

Rất khó khăn để có thể tìm thấy một tàn thuốc, một cùi bắp, một vỏ chuối, một lon nước ngọt, một mảnh giấy… nằm trên những con đường nhỏ, ngỏ hẻm chật hẹp. Cũng đố du khách nào có thể tìm thấy hệ thống loa phường như ở VN.

Người Nhật không cần phải ra rả tuyên truyền vào mỗi buổi sáng, cho tổ trưởng, tổ phó, dân phòng kêu gọi, đốc thúc người dân đi dọn dẹp đường phố mỗi sáng thứ Bảy, Chủ Nhật… Họ cũng không trương bảng, dựng cổng chào Khu Phố Văn Hóa ngay cạnh đống rác to lớn, nằm chình ình bên cạnh một quán nhậu có hàng chục thanh niên đang ngồi “uống cạn ly đầy rồi ta sẽ rót đầy ly cạn” vào buổi trưa trong giờ làm việc. Với dân trí cao như vậy, nước Nhật không phát triển, hùng mạnh mới là chuyện lạ.

Sẽ có người hỏi rằng: “Thế còn dân trí người Mỹ thì sao?” Khác với nước Nhật, Mỹ là một quốc gia đa chủng tộc, lãnh thổ lại quá lớn, chính sách giáo dục do liên bang ban hành nhưng tùy theo điều kiện xã hội của mỗi tiểu bang, thành phố sẽ được thay đổi cho phù hợp.

Chính sách giáo dục ở Mỹ tuy không hoàn hảo như ở Nhật, lại đề cao cá nhân – Ego trên hết – nhưng luật pháp của Mỹ nghiêm minh, bên cạnh đó, chương trình giáo dục, nhất là ở bậc trung học các năm cuối cùng, nhà trường luôn kêu gọi, khuyến khích nhưng không bắt buộc trẻ em tham gia các việc thiện nguyện, làm công tác xã hội như rửa xe gây quỹ cho các tổ chức từ thiện, lượm rác, dọn dẹp các công viên vào những ngày cuối tuần, lập những chương trình thu sách vở, quần áo cũ, giúp các nước chậm tiến, các nước nghèo đói ở Phi châu.

Nhiều trường đại học ở Mỹ khi xem xét cấp học bổng cho sinh viên, ngoài thành tích học tập xuất sắc còn tính điểm công tác, tham gia hoạt động xã hội. Cùng một thành tích học tập xuất sắc ngang ngửa nhau giữa nhiều ứng viên xin học bổng, nhưng số học bổng chi có giới hạn, ứng viên nào nhiều thành tích hoạt động xã hội hơn sẽ được chọn. Điều này nâng cao ý thức, lý tưởng phục vụ xã hội cho học sinh, sinh viên Mỹ.

Điều đó giải thích tại sao các tỉ phú Mỹ như Waren Buffet, Bill Gates, Mark Zuckerberg… những người giàu có nhất thế giới nhưng luôn có đời sống bình dị. Warren Buffet đi chiếc xe Volkswagen cũ, không có cận vệ, Bill Gates đi chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, đi họp quốc tế cũng chỉ mua vé phi cơ hạng economy cá kèo hay Mark Zuckerberg ăn trưa bằng MC Donald… nhưng đã đóng góp hàng tỉ đô la hay nhiều hơn vào các tổ chức vô vị lợi, hữu ích cho nhân loại. Nền giáo dục của nước Mỹ dạy cho người ta biết ơn khi nhận được giúp đỡ và trả ơn khi có dịp.

Trở lại chuyện dân trí và giáo dục Việt Nam. Hơn 42 năm thống nhất đất nước bằng bạo lực, hy sinh mấy triệu nhân mạng, xây dựng CNXH, hậu quả ngày hôm nay là Việt Nam có một nền dân trí với những hình ảnh như chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Nhân hất nguyên xô thực phẩm xuống hồ cho cá ăn trước mặt quốc khách, một bà phó chủ tịch UBND quận đậu xe ngang ngược, trái phép, gọi điện thoại cho trưởng công an và chủ tịch phường trông xe cho mình đi ăn sáng, một viên công an tát vào mặt người dân trong lúc kiểm soát giao thông khi người này phân trần chuyện vi phạm luật lệ hay những tên côn đồ hành hung phụ nữ một cách dã man rồi tung lên mạng xã hội để tự sướng và hăm dọa người khác.

Đó chỉ là những hình ảnh tiêu biểu trong hàng trăm, hàng ngàn sự cư xử thô lỗ, hung hăng, cậy quyền thế, vô văn hóa xảy ra hàng ngày dưới chế độ CSVN, những hình ảnh đó biểu hiện một chế độ mà nền tảng giáo dục, văn hóa đã rã rệu về cả nội dung lẫn hình thức.

Ở một mức độ cao hơn, những việc làm ngớ ngẩn, mị dân như đi ngửi nhựa đường kiểm tra phẩm chất xây dựng đường sá của Đinh La Thăng, đi thăm dân cho biết sự tình của Nguyễn Phú Trọng trên buýt, Nguyễn Thị Kim Ngân chống gậy đi vào vùng lũ lụt cứu trợ nạn nhân, hay những tuyên bố vô cảm, ngu dốt, phản động, thiếu hiểu biết của các lãnh đạo chế độ, đại biểu quốc hội, những người mang chức vị tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng, bộ trưởng, những trí thức với các học vị, học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, sử gia, võ sư, viện sĩ… nói lên trình độ dân trí của người Việt Nam hiện nay.

Ở một vài khía cạnh khác, trình độ dân trí đó muốn thấy rõ hơn, không cần phải về Việt Nam để ăn Bún Mắng, Cháo Chửi, mà hãy đi vào chợ Đồng Xuân ở Berlin, khu chợ buôn bán tập trung hầu hết người Việt Nam ra đi từ miền Bắc XHCN, những người khách thợ (Guest Worker) ở Đông Đức cũ trước khi bức tường ô nhục (Schande Mauer) bị sụp đổ cuối năm 1989.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

18.07.2017

No comments:

Post a Comment