HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng loạt sai phạm ở dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam là nội dung của bản “kết luận thanh tra” của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường về dự án khai thác khoáng sản ở Núi Pháo tỉnh Thái Nguyên mà báo Tiền Phong và một số báo khác nêu ra.
Theo tờ Tiền Phong: “Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Võ Tuấn Nhân mới đây ký kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước với Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo – dự án khai thác khoáng sản lớn nhất Việt Nam.” Theo bản kết luận thanh tra thì “trên cả bốn lĩnh vực thanh tra đều có sai phạm.”
Người ta không hiểu vì lý do gì mà đến giờ này mới thấy có tin về “kết luận thanh tra” dù lệnh thanh tra đã thi hành từ gần một năm trước. Đúng ra, phải có “kết luận thanh tra” từ năm ngoái.
Ngày 29 Tháng Chín, 2016, báo điện tử VNExpress đưa tin, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường “vừa công bố quyết định và kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước đối với công ty Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo tại dự án mỏ Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Đoàn thanh tra gồm 31 thành viên, chia làm bốn tổ theo từng lĩnh vực là đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường. Thời gian thanh tra 45 ngày, bắt đầu từ 28 Tháng Chín, 2016.”
Báo này cho hay, bản “kết luận thanh tra” của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường nói nhà đầu tư Masan khai thác mỏ Núi Pháo “có nhiều tồn tại, vi phạm trên cả bốn lĩnh vực là khoáng sản, đất đai, môi trường và tài nguyên nước.”
“Kết luận” này chỉ rõ vi phạm trong đó là việc khai thác cả quặng sắt nhưng lại không khai báo, “thu hồi đất không đúng quy định nằm ngoài khu vực dự án, không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;” “công ty chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra các hồ lắng quặng đuôi. Trong khi đó các hồ lắng lại là các ao, hồ, hố đất tự nhiên mà chưa có lót đáy theo tiêu chuẩn…”
Với các vi phạm như thế, tờ Tiền Phong viết: “Công ty (Masan) Núi Pháo bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 510 triệu đồng, phải đình chỉ và khắc phục ngay các hành vi vi phạm chính về bảo vệ môi trường và khoáng sản.”
Dự án khai thác khoáng sản ở khu vực mỏ Núi Pháo thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, do công ty Cổ Phần Tài Nguyên Masan thuộc Tập Đoàn Masan của đại gia Nguyễn Đăng Quang đứng thầu khai thác xuất cảng quặng một số kim loại quý hiếm và có giá trị kinh tế kỹ nghệ cao như vonfram, fluorit, bismuth, đồng và vàng.
Mỏ kim loại Núi Pháo được công ty Tiberon Minerals Pte. Ltd – một quỹ do Dragon Capital quản lý đánh giá trữ lượng đa kim vào năm 2000, và đến năm 2004 dự án này được cấp phép đầu tư. Dragon Capital mua lạ toàn bộ dự án vào năm 2007. Tới năm 2010, Masan mua lại từ Dragon Capital, giá trị đầu tư tại thời điểm Masan mua lại là $130 triệu. Sau đó, đổ thêm hơn $300 triệu để phát triển và tiến hành khai thác từ năm 2013.
Trong số các kim loại hiếm tại Núi Pháo, đặc biệt là có vonfram (từng được gọi là tungsten) là kim loại rất cứng, được sử dụng trong thép, siêu hợp kim trong công cụ cắt, tuabin, sợi tóc bóng đèn… Trung Quốc hiện đang là nước có trữ lượng loại khoáng sản này lớn nhất thế giới. Trữ lượng kim loại này tại Việt Nam ước lượng một phần ba trữ lượng thế giới. Bismut được sử dụng trong các hợp kim thép, nhôm, những hợp kim có nhiệt độ nóng chảy thấp.
Ngay từ khi bắt đầu khai thác các loại quặng để xuất cảng, nhà đầu tư tức công ty khoáng sản Masan đã bị dân chúng địa phương biểu tình, kiện cáo liên miên vì tàn phá và làm ô nhiễm môi trường đến độ người ta chịu dựng không nổi.
Theo phản ảnh của người dân ở khu vực gần nhà máy sàng lọc quặng ở Núi Pháo, người ta phải chịu đựng ngày đêm từ tiếng ồn, bụi, nước thải, mùi hóa chất… của nhà máy, đặc biệt là Xyanua, một thứ hóa chất cực độc. Họ liên tục lập lán trại, căng khẩu hiệu phản đối gay gắt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân nơi đây.
Nhưng không hiểu nhờ phép màu nào, công ty khai thác quặng mỏ Masan vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường suốt mấy năm qua, nay mới thấy có cái “kết luận thanh tra.”
Cách đây hai năm, ông Nguyễn Ngọc Quang, phó trưởng Phòng Thời Sự Đài Phát Thanh Truyền Hình Thái Nguyên, làm một phóng sự về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do công ty Masan gây ra tại khu vực Núi Pháo. Ít ngày sau, ông bị chém tám nhát dao nhưng thoát chết. Các lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi “động viên” và cam kết điều tra, tìm bắt thủ phạm, nhưng đến nay thấy im luôn và mọi sự chỉ trích công ty Masan cũng im luôn từ đó. (TN)
No comments:
Post a Comment