Thursday, June 8, 2017

Những lý do buộc đảng Cộng sản Việt Nam phải chủ động tiến hành đối thoại?


"Ở Bắc kinh đổ mưa, tại Hà nội giương ô" là câu nói tôi được nghe từ miệng một lãnh đạo trong ngàng ngoại giao Việt Nam từ đã rất lâu. Điều ông ta nói với tôi có nghĩa rằng chính trị Việt Nam về cơ bản phụ thuộc vào quan điểm cũng như đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây có lẽ là nguyên nhân lâu nay đã khiến cho nhiều trí thức Việt nam hiện nay ghét cay ghét đắng đảng Cộng sản Vệt Nam vì họ đã quá lệ thuộc và dập khuôn từ Trung Quốc.
Hôm nay nhắc đến điều này vì gần đây sau việc ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có tuyên bố rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận ...", trong vấn đề đảng CSVN dự kiến sẽ tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của chính quyền hiện nay, tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi của người nhiều người quan tâm vấn đề chính trị.
Ngài Dalai Lama có tổng kết đại ý, Cộng sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực. Do vậy, với những người không nhẹ dạ, cả tin, thì với cộng sản thì họ càng không thể tin, vì theo họ khó có thể tìm thấy được cái gì mà những người cộng sản họ đã nói rồi họ làm đúng như thế. Tôi thuộc về những người đó, tuy nhiên theo kinh nghiệm và những diễn biến chính trị ở Việt Nam gần đây thì bản thân tôi tin rằng 60% sẽ có các cuộc đối thoại giữa đảng CSVN và các cá nhân bất đồng chính kiến. Tuy nhiên cũng xin được nhắc lại rằng, việc đối thoại vẫn chỉ trong khuôn khổ "nằm trong và chịu sự kiểm soát của đảng CCSVN", nói cách khác dù sao nó vẫn chỉ là đối lập hình thức hay cánh tay nối dài của đảng CSVN. Vì thế không có chuyện sẽ hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, tiến tới dân chủ đa đảng một cách toàn diện về thực chất như nhiều người mong muốn.
Nhìn lại trong thời gian qua, chúng ta sẽ thấy có hàng loạt các sự vận động trong việc muốn có cải cách chính trị trong nội bộ đảng CSVN là có thật. Trước hết là chủ trương nhất thể hóa, nhằm tinh giản bộ máy sát nhập cơ quan đảng nằm trong lòng nhà nước hoặc ngược lại, đây là điều đã và đang xảy ra. Thêm nữa, chuyện trước đây ít lâu báo CAND, tiếng nói của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho đăng bài phỏng vấn của ông Nguyễn Kiên Thành là con trai của cố Tổng BT Lê Duẩn kêu gọi đảng cầm quyền tiến hành cải cách lần 2. Rồi một bước tiến xa hơn, mới nhất là ngày 17/5/2017, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa Học Công nghệ đã cho đăng bài viết “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng - cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Bài viết đã đề cập một cách không tránh né về vấn đề lựa chọn mô hình thể chế chính trị cho Việt nam trong lúc này, "Chọn mô hình đại nghị hay mô hình Tổng thống lưỡng tính?". Đây là điều được cho là “rất nhạy cảm” đối với thể chế độc đảng ở Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện bề nổi bên ngoài.
Vấn đề quan trọng hơn cả là sức ép từ tập thể cựu lãnh đạo cao cấp đảng CSVN, một nhân tố hết sức quan trọng tạo nên sức ép với ban lãnh đạo hiện nay, để buộc họ phải tự sửa đổi đến thay đổi để cứu con đò nát Việt Nam vốn đã quá tròng trành. Trên thực tế, mọi cá nhân lãnh đạo Việt Nam ở mọi cấp từ trung ương đến địa phương đều giàu có và dư giả, họ có đất đai, nhà cửa, tiền gửi nhà bank, con cái du học phương Tây. Nhiều người còn là chủ các doanh nghiệp lớn nhỏ. Do vậy, nhu cầu bức bách của họ hiện nay duy nhất chỉ là sự an toàn cho bản thân, gia đình và con cái. Nghe các bộc bạch của các cựu lãnh đạo trong đám giỗ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gần đây sẽ rõ hơn.
Trong thời đại hiện nay, có thể có tới 90% các lãnh đạo cao cấp đảng CSVN đã hiểu rằng thực chất cái Chủ nghĩa Xã hội mà họ theo đuổi hàng chục năm nay chỉ là hình thức, là bình phong để che đậy và lừa gạt nhân dân để nắm quyền lãnh đạo. Và đến lúc này họ đã cảm thấy bức màn che đó sớm muộn sẽ được vạch trần cho toàn thể nhân dân hiểu. Cộng với sự biến chất của giai tầng lãnh đạo trong bộ máy đảng ở mọi cấp, đã vơ vét không chừa một thứ gì của dân thì cái gì đến sẽ tất phải đến. Hơn ai hết, họ hiểu được sự căm giận của những tầng lớp dân chúng nghèo nàn bị lừa dối trong hàng chục năm qua, những hình ảnh trên mạng internet về những tấm gương của các nhà độc tài như Nicolae Ceaușescu, Gaddafi... bị dân chúng hành hình có lẽ tất cả họ đều đã từng xem qua không ít lần. Hơn nữa, thành phần xuất thân của cá nhân bọn họ cũng tự cho họ hiểu sự cuồng nộ của dân chúng khi thế thời thay đổi. Chính vì thế việc chuyển đổi dần dần, từ từ song chắc chắn để tránh đổ vỡ là yêu cầu buộc ban lãnh đạo đảng CSVN hiện nay phải xem xét và xúc tiến để đổi lấy sự an toàn. Vụ việc 3 quan chức cấp cao tại Yên Bái bị bắn dẫ đến nhiều nơi đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh được cảnh vệ là bằng chứng cho thấy điều đó.
Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề trong nước, còn vấn đề đối ngoại đối với nhà nước Việt Nam hiện nay cũng là một thách thức vô cùng lớn để buộc đảng CSVN phải thay đổi. Bỏ qua phát biểu với những lời nói có cánh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) trong chuyến thăm Hoa Ky cuối tháng 5 vừa qua, vì đối ngoại đu dây thì họ đâu có tiếc lời. Mà chúng ta hãy ngoảnh mặt sang Bắc Kinh sẽ thấy có những chuyển biến không ngờ, nên nhớ Trung quốc hiện vẫn có các đảng chính trị khác cùng tồn tại.
Trên trang Bauxite Việt Nam gần đây có bài viết "Những chính sách mới của chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu thi hành từ 18/6/2017" (goo.gl/bGWqW8), vì tầm quan trọng xin được trích đầy đủ:
1. Từng bước tăng tỷ lệ chi ngân sách trên 50% dùng vào dân sinh, giảm chi tiêu hành chính xuống còn dưới 20%, khống chế nghiêm ngặt việc chi hành chính.
2. Thực hiện miến phí y tế và học phí toàn dân.
3. Khống chế vật giá, mạnh mẽ gia tăng thu nhập nhân dân và lương tối thiểu.
4. Giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân lên 10.000 NDT.
5. Khai đao với độc quyền, loại bỏ mọi hình thức độc quyền, kể cả lĩnh vực vũ khí đạn dược.
6. Học tập Đông Âu, dân doanh hóa toàn bộ xí nghiệp QD, chia cổ phần cho toàn dân; đình chỉ kết toán ngoại hối bắt buộc, thực hiện gửi ngoại hối trong nhân dân.
7. Không nâng đỡ thị trường nhà đất, dù chỉ mảy may tơ hào; triệt để cải cách thị trường chứng khoán.
8. Bỏ hẳn sinh đẻ có kế hoạch, giải tán UBKHHGĐ.
9. Loại bỏ mọi đặc quyền cũng như chế độ cung cấp đặc biệt.
10. Trừ các cơ quan đầu nảo nhà nước, loại bỏ tất cả trạm gác tại các cơ quan đảng và chính phủ.
11. Bãi bỏ mọi cơ cấu mang tính chất đoàn văn công, giải tán tán tất cả nhân viên.
12. Ngừng tuyển công chức, tài giảm công chức hằng năm, mạnh tay đốn bỏ các cơ cấu na ná như cơ quan hành chánh nhưng không thuộc các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp, quạn sự, ngưng đài thọ họ bằng ngân sách.
13. Vào thời điểm thích hợp, giảm cấp hành chánh từ 5 cấp xuống còn 3 cấp, tức trung ương, tỉnh, huyện (dưới cấp huyện bỏ hết, thực hiện chế độ nhân dân tự trị).
14. Tài sản quan chức công khai, nhân dân được phép kiểm tra trên mạng bất cứ lúc nào.
15. Tách bạch quốc khố và đảng khố, quốc khố thuộc nhà nước, đảng khố thuộc đảng.
16. Từng bước ngưng viện trợ nước ngoài, chi tiêu từng đồng cũng phải được nhân dân hoặc đại biểu nhân dân đồng ý.
17. Phúc lợi xã hội phải tuân thủ cùng 1 pháp quy, quan và dân như nhàu, toàn dân bình đẳng.
18. Từng bước loại bỏ hết toàn bộ xe công, các quan chức phải đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc tự lái xe. Muốn làm giàu thì đừng "làm quan".
19. Xây dựng "Luật chống hủ bại". Lập pháp quy định: dù tham ô 1 xu cũng có tội; nhận hối lộ phạm tôi, đưa hối lộ vô tôi.
20. Từng bước loại bỏ hạn chế ngôn luân, cho phép nhân dân tự do làm báo, tự do ăn nói. Chỉ khi nhân dân có quyền giám sát, hiện tượng tham ô hủ bại mới không nơi lẩn trốn.
21. Cho phép nông dân thành lập nông hội, cho phép cọng nhân thành lạp công đoàn tự do, cho phép các ngành nghề thành lập tổ chức tương trợ và tử quản. Mao chủ tịch từng nói: mọi quyền lực ở nông thôn thuộc về nông hội; Lưu Thiếu Kỳ từng nói: mọi quyền lực ở nhà máy thuộc về công đoàn. Đảng Cộng Sản không quên những lới nói đó của Mao chủ tịch và Lưu Thiếu Kỳ.
22. Khôi phục toàn diện truyền thống văn hóa của dân tộc Trung Hoa, khôi phục tín ngưỡng, hãy để cho linh hồn của mọi người TQ đều có nơi nơi nương tựa.
Bài báo còn cho biết thêm, chủ trương trên của ông Tập Cận Bình đã được thông qua trong hội nghị TW lần thứ 4 (Đại hội 18) từ tháng 10/2014. Theo phân tích của học giả Singapore Trịnh Vĩnh Niên, ông Tập không chỉ lo cho 2 nhiệm kỳ của mình, còn lo cho 30 năm sau.
Một trong các tiêu chuẩn của tổ chức chính trị đối lập là phải được tồn tại một cách hợp pháp, vì thế cũng có thể lạc quan một chút rằng, một hệ thống chính trị đối lập cần thiết phải có đang dần được hình thành, để thực thi cái trọng trách của nó, đó là giám sát các hoạt động của nhà nước và đưa ra các giải pháp buộc chính quyền phải tự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp vì lợi ích của đất nước. Đó là lý do vì sao bản thân tôi tin rằng 60% sẽ có các cuộc đối thoại giữa đảng CSVN và các cá nhân bất đồng chính kiến, dẫu rằng chỉ trong khuôn khổ "vẫn nằm trong và chịu sự kiểm soát của đảng CSVN". Còn về thời gian xảy ra vào lúc nào thì ít ra cũng phải chờ tới lúc ông Nguyễn Phú Trọng về vườn để làm người tử tế.
Ngày 08 tháng 06 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

No comments:

Post a Comment