Trần Thảo (Danlambao) - Lúc ấy tôi còn bé lắm mà Ban Hợp Ca Thăng Long đã là ban hợp ca nổi tiếng nhất ở miền nam VN. Những ca khúc được Ban Thăng Long trình bày, với giọng ca của Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung Phạm Đình Viêm, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, như Ra đi khi trời vừa sáng, Ngựa Phi Đường Xa, Hội Trùng Dương v.v. đã để lại trong tâm hồn tôi chẳng những là sự thích thú vì được thưởng thức nghệ thuật mà còn là mênh mang một tình yêu quê hương thắm thiết.
Là một cậu bé ở một tỉnh lỵ nhỏ miền trung nghèo nàn, tôi làm gì có cơ hội để tận mắt chứng kiến những cảnh giang sơn hùng vĩ trên khắp miền quê hương! Nên không hề cường điệu khi nói rằng Ban Hợp Ca Thăng Long đã chắp cánh cho tôi bay tới những chân trời, dẫu là bằng trí tưởng tượng, để thấy hãnh diện, để thấy yêu quý quê hương vô vàn qua hình ảnh Sông Hồng cuồn cuộn, Sông Hương tĩnh lặng êm đềm, và giòng sông Cửu Long bốn mùa tưới tiêu cho miền đồng bằng nam bộ thành một vựa lúa, một vùng trái ngọt cây lành.
Không hiểu sao trong cuộc đời của tôi, tôi luôn thấy một tình yêu đậm đà với những con sông:
Quê hương tôi có núi đồi trùng điệp
Có sông dài soi bóng ngã hàng cây
Tôi ra đi dan díu với trời tây
Đời lưu lạc sầu nước non ngàn dặm.
Những con sông của quê hương Quảng Ngãi như Sông Vệ, Sông Trà Khúc đã thực sự gắn liền với một thời thơ dại của tôi. Lúc còn học lớp một, tôi rất gần gũi với Sông Vệ, nhưng từ năm 1965, sau khi chạy nạn chiến tranh,tản cư ra ngoài Thị Xã, tôi trở nên gần gũi hơn với Sông Trà Khúc, một con sông nằm về phía bắc của Thị Xã.
Tôi nhớ mãi, năm đó tôi học lớp bảy TQT. Tan trường, những bạn cùng lớp nhà ở dưới vùng gần đường đi Phú Thọ, rủ tôi về quê chơi. Cả bọn nhóc reo hò nhào ra sông tắm. Tôi chưa biết bơi rành nên lủm chủm ở gần bờ. Mấy đứa bạn bày tôi bắt mấy con tép nhỏ thân trong suốt. Nhìn thằng bạn bỏ con tép sống vào miệng rồi nhai tỏm tẻm, tôi rùng mình. Thằng bạn bảo: "Ăn thử đi, ngon lắm, đừng sợ." Tôi nhắm mắt nhắm mũi bặm gan ăn thử. Mà lạ thiệt, tôi nghe mùi vị ngon ngọt chứ không tanh tưởi như tưởng tượng của mình.
Sau năm 1975, tôi có dịp ra Huế hai lần. Một lần ra ngoài đó thăm người bạn gái, và một lần khác ra thi tuyển vào Trường Đại Học Sư Phạm Huế ngành English. Cả hai lần đều để lại những ký ức khó quên về con sông Hương nổi tiếng tĩnh lặng, êm đềm của miền đất Thần Kinh:
Con đường đêm ấy nhiều trăng quá
Tôi với người, tay nắm bàn tay
Trường Tiền xa, đèn đêm lấp loáng
Mờ ảo giòng Hương, sương trắng bay.
Tôi đưa người bạn gái đi chơi ở chợ Đông Ba. Buổi sáng ấy trời mưa nhưng không nặng hạt. Tôi và cô bạn đứng chờ đò qua sông. Xa xa dưới hạ nguồn Sông Hương là cả một vùng trời trắng xóa mưa bụi:
Chuyến đò Sông Hương, chợ Đông Ba
Em ngại ngùng bước nhỏ
Áo che mưa, không đủ ấm vai gầy
Anh sát vào em, chuyền hơi ấm bàn tay
Để thấy trong mắt em, nỗi dịu dàng hạnh phúc.
Năm 1981, tôi rời quê hương. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một nhánh nhỏ của Cửu Long khi dòng sông này chảy tới hạ nguồn, chia ra trăm nhánh nhỏ trước khi tuôn ra biển. Tôi có dịp tiếp xúc, dù chỉ thoáng qua, với cảnh sống của người nam bộ. Người miền nam ở Sài Gòn đã dễ thương rồi, nhưng nếu muốn thực sự tiếp cận và cảm được cái bản chất chân thành, hề hà của người miền Nam thì bạn phải về miệt dưới như Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre v.v.
Tôi tìm đường vượt biển nên trên đường đi tôi phải ké né khá nhiều, không dám công khai tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh, tôi chỉ quan sát và cảm thấy tính tình người dân nam bộ hiện nay là do phần lớn hoàn cảnh sông nước tạo ra như thế.
Mặc dù tôi chưa bao giờ đặt chân ra đất Bắc để cảm nhận được Sông Hồng ngoài đó như thế nào, nhưng trong đời tôi đã tự mình nhận diện được Cửu Long Giang và Hương Giang, điều ấy đã là niềm an ủi đối với tôi.
Năm 1987, trong một đại nhạc hội tại địa phương Houston, Texas, tôi rất hân hạnh khi nhìn thấy tác giả của Hội Trùng Dương, ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương. Qua bao lớp sóng phế hưng, hôm đó tôi thấy nhạc sĩ PĐC trông có vẻ khắc khổ và già đi rất nhiều. Trước khi bước ra sân khấu, ôm đàn tự đệm cho mình trong ca khúc Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, một ca khúc do ông phổ thơ của Du Tử Lê, ông đã ngửa cổ trút cạn ly rượu Martin. Đêm đó, nghe ông hát ca khúc quá đổi thê thiết, lần đầu tiên tôi muốn khóc vì một tiết mục văn nghệ. Hình ảnh nhạc sĩ PĐC đêm hôm đó cô đơn quá, tuyệt vọng quá khiến tôi không thể nào quên được. Năm 1991, nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua đời ở California. Tôi thành tâm cầu nguyện cho hương linh của ông được về cõi an lạc, vĩnh hằng.
Thời gian như cánh gió. Kể từ năm 1975, thì đã là 42 năm đất nước nằm trong tay những người được mệnh danh cách mạng. Quá trình đô thị hóa, kỹ nghệ hóa bát nháo của mọi vùng đất nước đã đan tâm vùi dập sinh mệnh của những con sông xinh đẹp của quê hương.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 2360 sông suối dài. Trong số đó hầu như không có con sông nào còn nguyên vẹn tình trạng thông thoáng, xinh đẹp như xưa, tất cả đều bị tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng, chỉ là ô nhiễm ít hay nhiều mà thôi.
Có bao giờ mà con kênh Tàu Hủ lại nổi đầy bọt trắng hôi thối, nhìn xa xa giống như một cảnh phim đầy tuyết trắng ,được quay tại một vùng Bắc Âu vào mùa đông nào đó ?
Tôi đi ngang giòng kênh Tàu Hủ
Mà ngỡ mình đang ở Bắc Âu
Bắc Âu mùa đông màu tuyết trắng
Nơi này bọt cũng trắng phau phau.
Như ở miền bắc VN hiện nay, những con sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhìn hình ảnh những con sông một thời xinh đẹp, từng đi vào thơ văn, bây giờ bị nước thải sinh hoạt, nước thải y tế, nước thải công nghiệp v.v. làm cho đen kịt và bốc mùi hôi thối, tôi thật sự không hiểu rồi đây tất cả những dòng sông trên quê hương VN sẽ như thế nào? Một câu hỏi không lời đáp, cứ lơ lửng như thế như chính bản thân người dân tôi đang sống một cuộc đời tối tăm mờ mịt, không biết tương lai của mình sẽ về đâu trong cái chế độ ruỗng mọt đầy áp bức bất công thế này?
Gần đây, tình cờ trên mạng tôi nghe được cô bé Hiền Trân, một thí sinh nhỏ tuổi của chương trình tuyển lựa tài năng, trình bày ca khúc Chảy Đi Sông Ơi của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Cô bé Hiền Trân trình bày ca khúc thật điêu luyện, thật hay, nhưng nghe xong tôi lại cảm thấy buồn mênh mông. Trên đất nước này, làm gì còn những con sông hiền hòa, xinh đẹp, miệt mài bồi đắp phù sa, tưới tiêu đồng lúa, nuôi sống người dân để mà CHẢY ĐI SÔNG ƠI! Những đầu óc thiển cận, tham lam một cách bệnh hoạn đã không màng tới sinh mệnh của từng con sông. Mỗi ngày hàng tấn chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải sinh hoạt v.v. vô tư xả ra ào ào vào những dòng sông, vô tư cắt đứt sinh mệnh của mọi loài thủy sản, và cắt luôn tương lai của dân tộc bất hạnh này.
No comments:
Post a Comment