Phạm Trần (Danlambao) - Đảng Cộng sản Việt Nam vô thần chống người hữu thần không là chuyện lạ ở Việt Nam, nhưng Quốc hội là “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” (Điều 69 Hiến pháp 2013) mà làm Luật vô nghĩa để khống chế tôn giáo theo lệnh đảng thì có bù nhìn nào hơn?
Cũng cái Quốc hội "đảng cử dân bầu" này đã viết rõ trong Điều 24, Hiến Pháp năm 2013:
1. "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật."
Thế mà trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG - 02/2016/QH14), ban hành ngày 18/11/2016, các Đại biểu của dân đã dành cho nhà nước nhiều quyền kiểm soát để bóp ngẹt hoạt động của các Tôn giáo. Những Đại biểu này cũng đã tiếp tay cho nhà nước cướp đi nhiều quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo cơ bản của người dân.
Càng xấu hổ hơn, trong tổng số 491 Đại biểu tại chức, sau khi có 5 người bị cách chức, tự ý rút lui hay qua đời, vẫn còn tới tới 472 người của đảng Cộng sản vô thần và 19 người khác ngoài đảng nhưng là cảm tình viên được chọn cho nhiệm kỳ 2016-2021.
Những Đại biểu gọi là “Chức sắc Tôn giáo” được đảng cho bầu vào Quốc hội để trang trí cho tính đại diện các tầng lớp nhân dân đã không dám chống lại chủ trương kiểm soát các Tôn giáo của nhà nước.
Họ gồm:
1. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu, sinh ngày 27 tháng 12 năm 1956), Đơn vị bầu cử Số 10: Gồm các huyện: Sóc Sơn và Mê Linh, Hà Nội
2. Linh mục Nguyễn Văn Riễn (Nguyễn Văn Riễn, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1955), Đơn vị bầu cử Số 3: Gồm thị xã Bến Cát và các huyện: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên
3. Ni sư Thích Nữ Tín Liên (Nguyễn Thị Yến), sinh 10/02/1951, Đơn vị bầu cử Số 8: Gồm quận 12 và quận Gò Vấp, TPHCM
4. Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội), sinh 01/12/1942, mất 8 tháng 11 năm 2016, Đơn vị bầu cử Số 2: Gồm thành phố Huế và thị xã Hương Thuỷ, Huế
5. Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết), sinh 15/6/1962, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đơn vị bầu cử Số 2: Gồm thành phố Uông Bí và các thị xã: Đông Triều, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
6. Trần Văn Huynh (Huệ Tín, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ), sinh 10/01/1952, Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Bạch Y, Đơn vị bầu cử Số 2: Gồm các huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Bốn đại biểu Phật giáo đều thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh được Nhà nước bảo trợ. Tu sỹ Trần Văn Huynh thuộc một hệ phái Cao Đài thân đảng. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn, theo Bách khoa toàn thư mở, sinh năm 1955 là người Công giáo duy nhất trúng cử vào Quốc hội khóa XIV và cũng là Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, tổ chức những người Công giáo theo đảng. Ông hiện là linh mục chánh xứ kiêm hạt trưởng Hạt Phước Thành, Giáo phận Phú Cường.
Như vậy, sự có mặt của 6 “chức sắc tôn giáo này” không có nghĩa gì trong Quốc hội khóa XIV.
Phủ nhận
Vì vậy, trong Kháng thư đề ngày 20/10/2016 Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, quy tụ nhiều chức sắc của 5 Tôn giáo lớn (Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo) và Tin Lành) có mục đích tranh đấu cho Tự do Tôn giáo và Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam đã “hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo”.
Kháng thư viết: "Chế độ cai trị hiện thời tại Việt Nam là chế độ cộng sản với hai tính chất nổi bật: vô thần và toàn trị. Vô thần cộng sản là vô thần tranh đấu, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia. Toàn trị là kiểm soát, lũng đoạn để công cụ hóa mọi cá nhân và tập thể, mọi tổ chức và định chế, mọi thế lực và ảnh hưởng, mà đặc biệt là thế lực tôn giáo và ảnh hưởng tâm linh, để đảng cộng sản muôn năm lãnh đạo và nhà nước cộng sản muôn năm cai trị."
Do đó, Hội đồng kết luận: "Mọi luật lệ xuất phát từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản đều không ngoài mục đích kiểm soát, lũng đoạn và công cụ hóa nói trên. Nên cho dù có đưa ra cho toàn thể nhân dân, mọi giai tầng xã hội đóng góp ý kiến cho có vẻ dân chủ, rốt cuộc đảng và nhà cầm quyền cộng sản vẫn biên soạn các luật lệ (từ cao xuống thấp) hoàn toàn theo ý muốn độc đoán của họ và hoàn toàn nhằm mục đích tối hậu của họ: củng cố chế độ độc tài đảng trị. Hiến pháp 2013 là ví dụ rõ nhất. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cũng không nằm ngoài ý đồ thâm độc này."
Bằng chứng này được Hội đồng vạch ra: "Mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền CSVN từ xưa tới nay về Tôn giáo, kể từ Sắc lệnh Tôn giáo năm 1955, Nghị quyết 297 năm 1997, Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 tới Luật Tín ngưỡng Tôn giáo sắp ban hành, tất cả đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần (các quyền tự do) và tài sản vật chất (đất đai, cơ sở) của các Giáo hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm (mãi cho tới hôm nay), nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần vô cùng cần thiết và cực kỳ hữu ích cho xã hội này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất. Hậu quả là xã hội Việt Nam ngày càng tràn ngập bạo hành và gian dối, ngày càng suy đồi về văn hóa và đạo đức, kéo theo suy đồi các lãnh vực khác nữa."
Hội đồng giám mục Việt Nam
Đến ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), đại diện cho trên 7 triệu người Công giáo đã lên tiếng chỉ trích Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Theo Hội đồng GMVN thì Luật mới đã “có những bước lùi” so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.
Hội đồng GMVN viết: "Theo Dự thảo 5 ngày 17-08-2016, các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53), và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội (Điều 54). Nhưng trong Luật Tín ngường, Tôn giáo, vấn đề này được gói gọn trong điều 55 với những từ ngữ tổng quát và mơ hồ:”Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan.” Tham gia thế nào? Tham gia mức nào? Tham gia có đồng nghĩa với việc thành lập cơ sở không? Như vậy, nếu so sánh với các bàn Dự thảo 4 và Dự thảo 5, thì Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có những bước lùi."
Kiềm chế để kiểm soát
Hội đồng GMVN còn vạch ra rằng: "Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dùng từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”. Việc thay đổi từ ngữ như trên tạo cảm giác có sự cởi mở hơn, nhưng vì các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo với chính quyền và chính quyền có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, nên rốt cuộc vẫn là cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do ín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo."
Thật vậy, nếu ai có thời giờ đọc hết 68 Điều trong 9 Chương của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG) của nhà nước CSVN sẽ tìm ra vô số những hàng rào cản ẩn hiện trong ngôn ngữ của Bộ Công an và Ban Tuyên giáo với mục đích duy nhất là kiểm soát nghiêm ngặt người theo đạo, các chức sắc lãnh đạo, tài sản của các tôn giáo và những hoạt động thuộc lĩnh vực linh thiêng.
Ngoài những quy định trong Luật TNTG như việc gì cũng phải đăng ký, thông báo để được các cấp chính quyền cứu xét, các tổ chức tôn giáo và người theo đạo còn phải tuân theo những quy định của nhiều Luật khác của nhà nước.
Những nhóm chữ ràng buộc mơ hồ như: "theo quy định của pháp luật; theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; theo quy định của pháp luật có liên quan v.v..." đang nhảy múa loạn lên trong toàn bộ Luật.
Nhà nước còn thọc tay vào tất cả mọi việc của Tôn giáo chỉ để kiểm soát chặt chẽ. Tỷ dụ như Khoản 5, Điều 66 quy định các cấp lãnh đạo trách nhiệm của tôn giáo phải: "Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
Rồi Điều 12 còn viết về “đăng ký” như sau:
"1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.
2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng…”
Cấm để diệt
Bấy nhiêu chưa đủ, Luật TNTG còn có những ngăn cấm rất mơ hồ cho phép nhà nước toàn quyền “tự biên tự diễn” để đàn áp các Tôn giáo. Quốc hội đã ghi trong Điều 5 những cấm đoán này như sau:
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Luật không giải thích rành mạch các khoản (a, b, c và d) nên nhà nước sẽ tha hồ và tùy tiện để vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cánh và tung ra mưu chước gài bẫy người phải thi hành Luật. Bởi vì trong chế độ nhà nước độc tài và toàn trị Cộng sản Việt Nam, chả có việc gì hay hành động nào mà tránh khỏi bị mấy anh công an chụp cho chiếc mũ “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường”, hay “an ninh trật tự”, “chống phá nhà nước”, “phản động” v.v…. Bằng chứng đã có mấy chục nhà đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền đang bị ngồi tù như Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga v.v…
Đó là lý do tại sao Hội đồng GMVN đã chỉ trích: "Cùng với những nhận định trên, chúng tôi muốn nêu lên một vài suy nghĩ. Ẩn sâu bên trong những bất cập đã trình bày là cách nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Chính quyền nhìn các tổ chức tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng."
Các Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo viết tiếp: "Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tốn giáo có những điệp khúc được lập đi lập lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”, “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”, “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng."
Phong thẩm phải trình
Liên quan đến công việc nội bộ phong phẩm, bổ nhiệm (không có yếu tố nước ngoài) của các Tôn giáo, nhà nước cũng muốn chĩa mũi vào dậy khôn để xoi mói như đã quy định trong Điều 32:
"1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương của tổ chức tôn giáo.
2. Người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự."
Những đề phòng trong khoản 2 có dư thừa không, hay nhà nước nghĩ các Tôn giáo sẽ nhắm mắt thăng chức bừa cho cả những người không đủ phẩm hạnh, hay phạm pháp?
Nếu bấy lâu nay nhà nước biết đề phòng như thế trong công tác bổ nhiệm cán bộ thì làm gì còn có những kẻ tham nhũng tầy trời mà chạy được ra nước ngoài sống thảnh thơi như trường hợp Trịnh Xuân Thanh?
Tỷ dụ này cho thấy đảng và nhà nước CSVN chỉ biết bắt nạt những người dân hiền lành mà không dám đụng đến lỗ chân lông bọn người phá hoại và làm tay sai cho ngoại bang.
Bằng chứng Luật TNTG đã buộc các Tôn giáo phải “thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc”, như quy định trong Khoản 1, Điều 33:
"Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành; phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài; giảng sư trở lên của Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử."
Riêng Giáo hội Công giáo thì việc phong phẩm và thuyên chuyển các chức danh Giám mục trở lên có liên quan đến Tòa thánh Vatican. Do đó, Luật TNTG cũng đặt ra Điều 51 riêng, bao gồm cả việc phong chức cho người nước ngoài ở Việt Nam được viết nguyên văn như sau:
"1. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
b) Tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho công dân Việt Nam ở Việt Nam.
2. Người được đề nghị phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đề nghị phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được đào tạo tôn giáo tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam;
b) Tuân thủ pháp luật Việt Nam.
3. Việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải được sự chấp thuận trước của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.
4. Công dân Việt Nam được tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử ở nước ngoài khi về Việt Nam làm chức sắc, chức việc thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quản lý trực tiếp có trách nhiệm đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.
5. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều này."
Sao thù dai thế?
Nêu ra một số điều luật TNTG ngặt nghèo để thấy rõ hơn sự sợ hãi chân lý và sự thật của những người Cộng sản Việt Nam vô thần. Đã có thời họ gọi Tôn giáo, nhất là đạo Công giáo, là thuốc phiện. Nhưng chính Tôn giáo đã đóng góp rất nhiều cho sự tồn tại và trưởng thành của đất nước và con người Việt Nam.
Trong dân số trên 90 triệu con người mà chỉ có 4.5 triệu đảng viên Cộng sản vô đạo thì số người không biết Trời, Phật là ai sẽ làm được trò trống gì so với sức mạnh tinh thần và lòng tin vào tín ngưỡng, tôn giáo của 85.5 triệu người còn lại? Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao đảng CSVN đã sợ hãi Tôn giáo vì lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh chế độ chỉ nhất thời nhưng dân và đức tin Tôn giáo của họ tồn tại muôn đời.
Vì vậy, ta hãy nghe Hội đồng GMVN nói tiếp trong Nhận định gửi Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Đại biểu Quốc hội: "Cũng vậy, chính quyền đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của và nhân lực để theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo, đồng thời sử dụng các tổ chức tôn giáo như công cụ của chế độ. Trong khi đó, những hoạt động của các tôn giáo trong lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục không được đánh giá đúng mức, thậm chí bị ngăn cản.
Ngoài ra, tại một số cơ sở đào tạo cán bộ và sinh viên, Đạo Công giáo được trình bày với những thành kiến thù nghịch, tạo nên nhận định sai lầm và hình ảnh biến dạng về Giáo Hội Công giáo nơi thế hệ trẻ.
Cách nhìn và cách hành xử như vậy có nguy cơ làm mất bản sắc đích thực của các tôn giáo, gây chia rẽ trong nội bộ các tôn giáo cũng như giữa các tín đồ và người ngoài tôn giáo, vốn là những hành vi bị Luật này nghiêm cấm (Điều 5). Thiết nghĩ Quốc hội cần có một tầm nhìn tích cực hơn về các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo."
Còn nhớ ngày 09/05/2014, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Tuyên bố về tình hình Biển Đông, sau khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương (HD)-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở miền Trung, và liên tục tấn công các tầu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông.
Các Giám mục đã kêu gọi người Công giáo Việt Nam hãy “xám hối”, tiết giảm chi tiêu và ăn uống để cầu nguyện cho Quê hương và dành tiền giúp các gia đình nạn nhân của tầu Trung Quốc và các chiến sỹ cảnh sát bị tầu Trung Quốc tấn công trong khi bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hành động của Hội đồng GMVN khi ấy không được nhà nước CSVN quan tâm lắm, nhưng không có bất cứ tổ chức tôn giáo nào của nhà nước, kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam dám làm việc tốt như Giáo hội Công giáo.
Vậy mà, người theo đạo Công giáo và Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn luôn bị nhà nước canh chừng và tìm cách hãm hại thì liệu Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có giúp nhà nước vô thần dành lại được lòng tin của những người hữu thần? -/-
(06/017)
No comments:
Post a Comment