Thursday, June 8, 2017

Mùa hè nơi vùng biển chết miền Trung

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2017-06-08  
Ngư dân miền Trung vẫn đang chịu thiệt hại sau khi biển bị nhiễm độc.
Ngư dân miền Trung vẫn đang chịu thiệt hại sau khi biển bị nhiễm độc.  RFA photo
Trẻ con nghỉ hè, thường thì phụ giúp cha mẹ làm những công việc nhỏ, từ lặt rau, phụ quét nhà hoặc tập nấu cơm, lớn hơn một chút thì phụ cha mẹ đi chợ, trông nhà hoặc giữ em... Nhưng đó là chuyện trước đây; hiện tại, học sinh trung học đi chợ giúp cha mẹ ngày hè là chuyện hiếm, đặc biệt tại những vùng biển nhiễm độc, trẻ em trải qua một mùa hè vất vả, khổ nhọc!
Không có mùa hè?
Một học sinh cấp 3 tên Thiệt, hiện sống ở Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chỗ em thì hiện tại ở làng Đông Yên thì có nhiều em nhỏ đang đi học vì học hai năm 3 lớp, học bù cho hai năm trước các em không được đi học. Còn lại nhiều em nghỉ học đi làm ăn. Nhiều em mới lớp 7, lớp 8, thậm chí nhiều em khác bỏ học đi làm thêm để giúp cha mẹ rồi lo cho em sau mình đi học.”
Em Thiệt cho biết thêm là suốt hai năm nay, kể từ khi biển miền Trung bị nhiễm độc, mùa hè đến với em cũng như các bạn cùng lứa là một mùa vất vả, buồn tủi và chẳng có không khí hè. Bởi suốt chín tháng lăn lóc trong lớp học với không biết bao lo toan, thiếu trước hụt sau vì các khoản tiền đến liên tục, chưa kịp mua cuốn tập để ghi chép bài học trên lớp thì đến lúc phải lo tiền để đóng quĩ lớp, đóng phí học thêm, phí học phụ đạo... Chính vì đủ các khoản phí đó mà học sinh vùng biển nhiễm độc như em phải lo đi phụ hồ, đi làm thêm bất kì công việc gì người ta thuê để có tiền mà dành dụm cho năm học mới.
Tình trạng trẻ em học sinh cấp hai và cấp ba, tức cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tranh thủ mấy tháng hè theo cha mẹ trốn sang Lào để làm thuê. Đương nhiên việc sang Lào làm thuê gặp rất nhiều khó khăn bởi các chủ thuê bên Lào không bao giờ chấp nhận trẻ em vào làm việc trong cơ xưởng của họ. Muốn được làm việc, hầu hết các em dùng thẻ chứng minh nhân dân giả bằng cách chèn hình thẻ vào thẻ chứng minh của người khác đủ tuổi lao động và ép plastic. Đương nhiên là thẻ chứng minh này của người thân trong gia đình.
Có nhiều trường hợp cả hai, ba đứa trẻ trong một gia đình dùng chung một thẻ chứng minh nhân dân khi sang làm thuê ở Lào. Đương nhiên là việc trốn sang Lào không hợp pháp và đi bằng đường chẻ rừng, làm việc theo môi giới của người khác và nhận lương không cao, chấp nhận chi hoa hồng cho người môi giới 10% của 3 tháng lương đầu tiên hoặc trả ngay 2 triệu đồng. Và hầu hết công việc làm thuê bên Lào đều là việc nặng nhọc của người lớn, từ phụ hồ, khuân vác hàng hóa hoặc đi phụ với những tốp thợ mộc. Thiệt cho rằng cũng may mắn là hầu hết trẻ em đi làm chui, không phải đăng ký giấy thị thực, nếu đăng ký thị thực thì chắc chắn chẳng có chủ nào bên Lào chấp nhận trẻ em Việt Nam sang làm thuê.
Khác với đi làm thuê bên Lào, một số trẻ em sang làm thuê bên Trung Quốc thì bất kì độ tuổi nào cũng có thể làm được bởi các chủ thuê người Trung Quốc không quan tâm đến độ tuổi lao động, miễn sao làm được việc thì họ thuê. Nhưng hầu hết trẻ em ở Hà Tĩnh đều chọn Lào để sang làm thuê chứ không chọn Trung Quốc do các em không ưa gì người Trung Quốc. Những trường hợp sang làm bên Trung Quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay và thường thì đi chừng nửa tháng để có tiền mà trả cho người môi giới sang Lào làm việc. Bởi trả trước một lần có lợi hơn trả 10% liên tục ba tháng lương.
Thiệt bộc bạch thêm là hầu hết trẻ em trên vùng biển nhiễm độc không có mùa hè. Các em chỉ mong cho mùa hè qua nhanh để được đến lớp. Nhưng khi đến lớp, các em lại mong hè đến thật nhanh để đi làm thuê. Cái vòng lẩn quẩn ấy chi phối các em đã hai niên học rồi!
Bỏ học sớm như là một giải pháp?
ttvn-400.jpg
Một bé gái ở Quảng Bình tranh thủ hè bán ổi cho khách qua đường.RFA photo
Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, Giáo xứ Diên Trường , Ba Đồn, Quảng Bình, chia sẻ: “Ở đây đa số các em cấp 2, cấp 3 nghỉ hè đi làm thuê nhiều lắm. Đi Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai, Hà Nội, đến những nơi có anh chị nó đi trước và vào làm thuê, mỗi tháng được khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu mỗi tháng, trong vòng 2, 3 tháng hè. Ở Quảng Bình này nhiều giáo xứ bị ảnh hưởng nặng lắm, đặc biệt như giáo xứ Cồn Sẻ. Các em đi Bắc, Nam, chủ yếu là đi Nam để lao động, đi làm chui các công việc như osin, trông trẻ hay các nhà may tư nhân, họ tuyển chui, chưa đến tuổi lao động đó.”
Cha Hùng cho biết thêm là hầu hết các giáo xứ trong tỉnh Quảng Bình đều bị ảnh hưởng kể từ sau khi biển miền Trung nhiễm độc, vấn đề là ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Các giáo xứ gần biển, đặc biệt là giáo xứ Cồn Sẻ bị ảnh hưởng khá nặng, hiện tại, tình trạng học sinh bỏ học để đi làm thuê đã chiếm con số khá lớn. Và mùa hè ở các giáo xứ dường như không có thanh thiếu niên bởi các em đã vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn để làm thuê, chủ yếu vẫn là lao động chui vì chưa đủ tuổi lao động.
Với tiền lương mỗi tháng từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, ba tháng hè cũng giúp các em có thêm tiền để nộp học cho niên khóa tới. Và hầu hết học sinh ở Cồn Sẻ gặp khó khăn bởi người dân Cồn Sẻ chủ yếu làm nghề biển, đánh bắt xa bờ và gần bờ. Từ ngày biển nhiễm độc đến nay, sản lượng cá đánh bắt xa bờ chỉ còn chưa tới 50%, trong khi đó giá thành hải sản lại giảm xuống còn chưa đầy 50% so với trước khi biển nhiễm độc. Như vậy, chung qui thì thu nhập của ngư dân chỉ còn lại ngót nghét 25% so với trước. Đó là chưa kể đến chuyện xăng dầu tăng giá, mọi thứ chi phí đội lên cao ngất. Đời sống thêm bội phần khó khăn.
Mùa hè, đây cũng là thời gian cho học sinh nghỉ giải lao, buông xả mọi lo âu, căng thẳng bởi việc học dồn dập trong môi trường giáo dục hiện tại. Tuy nhiên, với học sinh vùng biển chết, đây là quãng thời gian các em phải bươn chải bằng mọi cách để kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ và trang trải cho bản thân. Có thể nói rằng màu hè trên vùng biển chết miền Trung là một màu hè khổ nhọc, lao lực và đầy tuyệt vọng đối với các em học sinh.

No comments:

Post a Comment