HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo báo Tuổi Trẻ, kiểm toán của chính quyền Việt Nam vừa công bố Báo Cáo Kiểm Toán Ngân Sách 2015, và cơ quan này chỉ một loạt sai phạm khiến chi ngân sách vượt dự tính 88,525 tỷ đồng.
Theo báo cáo thì bất kể các tuyên bố, cam kết của giới lãnh đạo Việt Nam (tiết kiệm, chống lãng phí), “bệnh” của hệ thống công quyền Việt Nam (chi tiêu vô tội vạ, bất kể quy định) không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Dựa trên kế hoạch do chính phủ Việt Nam đệ trình, Quốc Hội cho phép chính phủ chi 1,177,100 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, kết quả mà cơ quan này vừa công bố thì trong năm 2015, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi 1,265,625 tỷ đồng. Chênh lệch giữa dự trù và thực chi là 88,525 tỷ đồng.
Kiểm toán của chính quyền Việt Nam chia chi tiêu của hệ thống công quyền Việt Nam thành hai loại: Chi để đầu tư và chi thường xuyên (chi tiêu để duy trì hoạt động).
Theo báo cáo kiểm toán này, cả chi để đầu tư lẫn chi thường xuyên đều vượt mức dự trù: Trong năm 2015, hệ thống công quyền Việt Nam được phép chi 225,000 tỷ đồng để đầu tư nhưng đã chi và đề nghị thanh toán 308,853 tỷ đồng. So với dự trù, số chi lố là 83,853 tỷ đồng.
Tương tự, mức chi thường xuyên được dự trù và gửi cho Quốc Hội phê duyệt chỉ có 777,000 tỷ đồng song thực chi và đề nghị thanh toán là 788,500 tỷ đồng, tăng thêm 11,500 tỷ đồng. Trừ đi vài ngàn tỷ đồng thực chi được xem là không chấp nhận được, công quỹ vẫn phải gánh thêm hơn 80,000 tỷ đồng.
Cơ quan này nhận định, sở dĩ có chênh lệch lớn giữa dự trù và thực chi trong chi đầu tư là vì tất cả các công đoạn khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế của nhiều dự án đều thiếu chính xác, không phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định nên thực chi vượt xa dự trù. Chẳng hạn, theo dự trù, dự án xây dựng trụ sở mới cho Bộ Ngoại Giao là 4,022 tỷ đồng nhưng thực chi lên tới 5,952 tỷ đồng, chênh lệch đến 1,940 tỷ đồng.
Khi dự án hoàn tất, việc kiểm tra để nghiệm thu, thanh toán đã xảy ra nhiều sai sót trong đánh giá khối lượng, định giá, thậm chí tổ chức nghiệm thu, thanh toán những phần việc mà nhà thầu chưa thực hiện. Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Quảng Ninh nghiệm thu, thanh toán khống 2.62 tỷ đồng trong dự án Hạ Tầng Kỹ Thuật của Khu Phức Hợp Móng Cái (tượng đài, quảng trường, bảo tàng, thư viện, trung tâm hội nghị). Chính quyền tỉnh Sơn La nghiệm thu, thanh toán khống 1.41 tỷ đồng trong hai dự án giao thông…
Chênh lệch lớn giữa dự trù đã được duyệt và thực chi trong chi thường xuyên vẫn là duyệt chi một cách tùy tiện các khoản chi bất kể định mức.
Đáng lưu ý là chính quyền nhiều địa phương mạnh tay phát hành trái phiếu, thu tiền về rồi để đó nên hệ thống công quyền phải xuất công quỹ trả lãi cho khối lượng trái phiếu đã bán.
Chẳng hạn, chính quyền thành phố Hải Phòng đang giữ 266 tỷ đồng thu từ trái phiếu. Chính quyền tỉnh Cà Mau đang giữ 75.6 tỷ đồng thu từ trái phiếu… vì chưa có việc để dùng. Có trường hợp như chính quyền tỉnh Quảng Ninh vay 800 tỷ đồng bằng trái phiếu từ 2013, đến Tháng Chín, 2015, mới dùng hết. Năm 2015 tiếp tục phát hành lượng trái phiếu trị giá 550 tỷ đồng và đến cuối năm ngoái mới dùng hết.
Cần nhắc lại rằng, hồi cuối năm 2016, Bộ Tài Chính loan báo, tính đến cuối năm 2015, tổng nợ của chính phủ là 2.6 triệu tỷ đồng. Tuy chưa có số liệu chính thức về nợ nần của Việt Nam tính đến cuối năm 2016, Công Ty Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC) từng ước đoán, tổng nợ của chính phủ Việt Nam cho đến hết năm 2016 xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng.
Theo báo điện tử VNExpress, đầu tháng trước, Văn Phòng Chính Phủ công bố “kế hoạch vay-trả nợ của chính phủ năm 2017.” Theo đó, năm nay chính phủ sẽ vay từ các nguồn trong nước là 243,300 tỷ đồng và vay ngoại quốc 98,760 tỷ đồng. Tổng số tiền vay theo kế hoạch vừa kể là 342,060 tỷ đồng.
Đáng chú ý là có tới 316,300 tỷ đồng trong 342,060 tỷ đồng đi vay được dùng vào việc “cân đối ngân sách.” Bù đắp bội chi (172,300 tỷ đồng), trả nợ gốc (144,000 tỷ đồng). (G.Đ)
No comments:
Post a Comment